Phương Tây ngán phe nổi dậy, giúp Assad?

08:45, 19/12/2013
|

(VnMedia) - Các cường quốc phương Tây mới đây ám chỉ với phe nổi dậy Syria rằng, hội nghị hòa bình vào tháng tới có thể không dẫn tới việc loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và rằng giáo phái Alawite của ông này sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong bất kỳ chính quyền chuyển tiếp nào.

Ảnh minh họa

 Tổng thống Assad


Thông tin trên được chính các nguồn tin từ phe đối lập ở Syria cung cấp. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy phương Tây đã chán ngán phe nổi dậy và đang tìm đường quay lại hậu thuẫn cho Tổng thống Assad để ông này tiếp tục tại vị?

 

Phương Tây được cho là đã gửi thông điệp về sự ở lại của Tổng thống Assad đến cho các thành viên cấp cao của Liên minh Quốc gia Syria tại một cuộc họp của liên minh Bạn bè Syria chống Assad ở thủ đô London hồi tuần trước. Theo nguồn tin từ phe nổi dậy, sở dĩ các cường quốc đưa ra thông điệp trên là vì sự nổi lên mạnh mẽ của các nhóm Hồi giáo cực đoan và Al-Qaeda trong nội bộ phe nổi dậy cũng như sau khi xảy ra sự kiện các chiến binh Hồi giáo Syria gần đây xông vào chiếm giữ trụ sở và kho vũ khí của Quân đội Syria Tự do - lực lượng nổi dậy ôn hòa được phương Tây hậu thuẫn, ở khu vực gần Thổ Nhĩ Kỳ.

 

"Các bạn bè phương Tây của chúng tôi đã nói rõ ở thủ đô London rằng Tổng thống Assad không thể được phép ra đi vào thời điểm này bởi họ nghĩ điều đó sẽ dẫn đến sự rối loạn, chao đảo và tiếp theo là lực lượng chiến binh Hồi giáo lên nắm quyền”, một thành viên cấp cao của Liên minh Quốc gia Syria có mối quan hệ thân thiết với các quan chức của Ả-rập Xê-út tiết lộ.

 

Nhấn mạnh đến khả năng ông Assad tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống khi ông này kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới, thành viên của Liên minh Quốc gia Syria nói thêm rằng: “Một số quan chức phương Tây thậm chí còn không ngại gì về khả năng ông Assad sẽ tái tranh cử nghiệm kỳ mới vào năm sau, quên hết thực tế rằng ông ta từng dùng khí độc để giết hại nhân dân của mình”. Phe nổi dậy thường tố cáo chính quyền của Tổng thống Assad dùng vũ khí hóa học để thảm sát dân thường.

 

Sự thay đổi hoàn toàn trong các ưu tiên của phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, từ việc phải lật đổ cho bằng được Tổng thống Assad sang việc phải chiến đấu chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo đang gây ra mâu thuẫn trong nội bộ chính các nước ủng hộ cho cuộc nổi dậy kéo dài gần 3 năm qua ở đất nước Syria, các nhà ngoại giao và thành viên cấp cao của Liên minh Quốc gia Syria cho biết.

 

Giống như quyết định của Tổng thống Barack Obama trong việc hủy bỏ kế hoạch không kích nhằm trừng phạt chính quyền Assad sau khi chính quyền này bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường, hành động nhượng bộ về ngoại giao nói trên có thể thu hẹp khoảng cách về sự bất đồng, mâu thuẫn giữa phương Tây với Nga trong vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria. Moscow từ lâu đã liên tục ngăn chặn các hành động của Liên Hợp Quốc nhằm chống lại Tổng thống Assad. Tuy nhiên, thu hẹp được khoảng cách với Nga thì phương Tây lại khoét sâu mâu thuẫn với các đồng minh của phe nổi dậy Syria ở Trung Đông.

 

Cuộc nội chiến ở Syria hiện nay là cuộc đối đầu quyết liệt giữa một bên là Tổng thống Assad và những người theo giáo phái Alawite được hậu thuẫn bởi Iran và các đồng minh Hồi giáo theo dòng Shiite; với bên kia là các chiến binh nổi dậy theo dòng Hồi giáo Sunni được ủng hộ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Libya và các quốc gia Vùng Vịnh theo dòng Sunni.

 

Không giống như ở Libya năm 2011, phương Tây bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào đây, khiến cho các lực lượng chiến binh Hồi giáo, trong đó có những thành phần là chân rết của Al-Qaeda nổi lên như là một trong những nhóm nổi dậy chiến đấu hiệu quả nhất, có sức mạnh đáng sợ nhất. Diễn biến này khiến Washington và các đồng minh lo lắng phát sốt trước viễn cảnh Syria nằm sát biên giới Israel và Iraq sẽ trở thành một trung tâm thánh chiến toàn cầu mới của lực lượng Hồi giáo.

 

Tuy nhiên, Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ lại tin rằng, việc giải quyết vấn đề nổi lên của lực lượng chiến binh Hồi giáo không cần đặt ưu tiên cao bằng mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad. Ả-rập Xê-út đặt biệt tức giận trước cái mà nước này miêu tả là sự nhân nhượng, thỏa hiệp của Mỹ với Tổng thống Assad và các nước theo dòng Shiite như Iran .

 

Trong một hành động thể hiện sự bất mãn với phương Tây, Riyadh chỉ cử duy nhất một quan chức ngoại giao cấp bình thường đến cuộc họp Bạn bè của Syria ở thủ đô London . Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã để mặc cho các chuyến hàng vũ khí đi vào Syria đến tay Mặt trận Hồi giáo – nhóm nổi dậy đã thực hiện vụ chiếm đóng trụ sở và kho vũ khí của Quân đội Syria Tự do hồi tuần trước.

 

Assad vẫn duy trì quyền lực sau hội nghị Geneva II?

 

Hội nghị hòa bình Geneva II về Syria dự kiến sẽ diễn ra ở Thụy Sỹ vào ngày 22/1 tới. Liên minh Quốc gia Syria đã nhất trí tham gia các cuộc đàm phán hòa bình này nhưng vẫn khăng khăng đòi hỏi phải đạt được mục tiêu lật đổ ngay lập tức được chính quyền của Tổng thống Assad.

 

Một nhà ngoại giao Trung Đông cho rằng, phe đối lập Syria nên “sáng tạo hơn” trong các sách lược của mình – nhất là trong việc tham gia vào các sắp xếp thời kỳ chuyển tiếp, theo đó để các đồng minh người Alwite của ông Assad được giữ các vị trí then chốt trong chính quyền mới.

 

"Để Geneva có thể tạo ra được một sự sắp xếp được cả Mỹ và Nga chấp nhận, phe đối lập cần phải đồng ý tham gia vào chính quyền chuyển tiếp với sự hiện diện mạnh mẽ của những người theo giáo phái Alawite. Tổng thống Assad có thể vẫn tại vị hoặc không nhưng ít nhất quyền lực của ông ấy đã bị suy giảm đi”, nhà ngoại giao trên cho biết.

 

Cũng theo nhà ngoại giao Trung Đông, "nếu phe đối lập bác bỏ một thỏa thuận như thế, họ sẽ gần như mất đi sự ủng hộ của phương Tây và chỉ còn được hậu thuẫn bởi các nước như Ả-rập Xê-út , Libya và Thổ Nhĩ Kỳ".

 

Một thành viên khác của phe nổi dậy Syria có liên hệ với giới chức Mỹ tiết lộ, Washington dường như đang phối hợp với Moscow để thiết lập một bộ khung cầm quyền ở giai đoạn chuyển tiếp theo đó những người thuộc giáo phái Alawites sẽ giữ vai trò thống trị trong quân đội và lực lượng an ninh để đảm bảo cộng đồng này không trả thù và sẽ tạo thành được một mặt trận thống nhất với các sư đoàn nổi dậy ôn hòa nhằm chống lại Al-Qaeda.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc