Nữ Thủ tướng Thái khuất phục trước biểu tình?

06:51, 03/12/2013
|

(VnMedia) - Trong một dấu hiệu thể hiện nỗ lực muốn làm hòa với lực lượng đối lập, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm nay (2/12) tuyên bố, bà sẵn sàng từ chức hoặc giải tán Hạ viện nếu những điều như vậy có thể mang lại hòa bình và trật tự cho đất nước.
 

Ảnh minh họa

Tình hình chính trường Thái Lan mỗi lúc một nghiêm trọng khi bạo lực bắt đầu nổ ra.


Trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự ở khuôn viên của trụ sở cảnh sát quốc gia, bà Yingluck đã đề xuất phương án hoặc bà từ chức hoặc giải tán Hạ viện để tổ chức một cuộc bầu cử sớm nếu điều đó giúp xoa dịu được người biểu tình chống chính phủ được dẫn dắt bởi cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban.
 
Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Yingluck nhấn mạnh, bà không thể đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình đòi bà “trao trả lại quyền lực cho nhân dân” theo một cách thức không hợp hiến và bất hợp pháp.
 
Thủ tướng Thái Lan rõ ràng đã thể hiện một lập trường dịu nhẹ hơn bởi trước đó bà từng kiên quyết không từ chức cũng như không giải tán Hạ viện. Sự “xuống nước” của bà Yingluck được cho là một nỗ lực của vị nữ lãnh đạo nhằm tìm cách chấm dứt các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài cả tháng nay, dẫn đến việc chiếm đóng một loạt trụ sở và tòa nhà chính phủ.
 
"Tôi không khăng khăng đòi giữ bất kỳ điều gì liên quan đến vấn đề từ chức hay giải tán Hạ viện nếu việc làm đó có thể làm hài lòng người biểu tình và đưa mọi việc trở lại bình thường. Nhưng tất cả những gì tôi làm sẽ phải tuân theo hiến pháp và tuân thủ nghiêm túc luật pháp”, bà Yingluck nhấn mạnh.
 
Trong khi đó, nữ Thủ tướng Thái Lan cũng kêu gọi tất cả các học giả và chuyên gia pháp lý đứng trung lập hãy gợi ý cách thức và biện pháp nhằm chấm dứt các cuộc bạo loạn đường phố và chiếm giữ các văn phòng chính phủ hiện nay của lực lượng biểu tình mà không vi phạm hiến pháp và pháp quyền.
 
Trước đó cùng ngày, Phó Thủ tướng Thái Lan Surapong Towichukchaikul cũng một lần nữa tái khẳng định, chính phủ nước này cam kết tìm kiếm một biện pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Trong phát biểu được phát đi trên truyền hình, ông Surapong kêu gọi những người biểu tình hãy chấm dứt các hành động làm xấu đi hình ảnh của Thái Lan cũng như gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước. Bà Yingluck không xuất hiện trước công chúng kể từ hôm 30/11 và bà không xuất hiện tại văn phòng của mình kể từ hồi tuần trước.
 
Bằng giọng điệu mang đầy tính hòa giải, ông Surapong  - phó tướng của bà Yingluck, khẳng định, “chính phủ sẽ kiên nhẫn ở mức tối đa và sẽ tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc không bạo lực”.
 
"Chính phủ muốn nhấn mạnh rằng, chính phủ sẽ dẫn dắt Thái Lan sớm trở về hòa bình”, ông Surapong nói thêm.

Tuy nhiên, đáp lại thiện chí từ chính phủ của bà Yingluck, thủ lĩnh các cuộc biểu tình chống chính phủ - Suthep nhấn mạnh rằng, làn sóng biểu tình hiện nay sẽ không dừng lại thậm chí nếu như nữ Thủ tướng từ chức hoặc giải tán Hạ viện và rằng những người biểu tình quyết tâm diệt trừ hoàn toàn “chính quyền của ông Thaksin”. Phe đối lập liên tục cáo buộc chính quyền của bà Yingluck là “con rối” trong tay cựu Thủ tướng Thaksin.
 
Những cuộc biểu tình bạo loạn ở thủ đô Bangkok hôm nay (2/12) tiếp tục kéo dài sang ngày thứ hai. Cảnh sát đã bắn súng hơi cay vào người biểu tình. Một số người biểu tình ném bom plastic và pháo lớn vào lực lượng cảnh sát đang đứng bảo vệ bên ngoài Tòa nhà Chính phủ và trụ sở của Lực lượng Cảnh sát gần Đại lộ Rajdamnern.
 
Lực lượng người biểu tình chống chính phủ đã tìm cách cắt đứt hàng rào thép gai và xô đổ những vận cản bằng bê tông trong một nỗ lực bền bỉ nhằm xông vào và chiếm đóng những tòa nhà của chính phủ. Tuy nhiên, lực lượng biểu tình đã thất bại trong việc chiếm đóng Tòa nhà Chính phủ và Quốc hội cũng như Sở Cảnh sát Thành phố. Ngày hôm qua (1/12), thủ lĩnh lực lượng biểu tình – ông Suthep đã ra tối hậu thư cho nữ Thủ tướng Yingluck, theo đó, bà này sẽ phải trao trả quyền lực cho nhân dân trong vòng 2 ngày.
 
Khủng hoảng Thái Lan thêm trầm trọng, cộng đồng quốc tế lo ngại
 
Trong bối cảnh tình hình chính trường Thái Lan mỗi lúc một nghiêm trọng, Liên Hợp Quốc và nhiều nước đã thể hiện sự quan ngại.
 
Liên Hợp Quốc đã đóng cửa văn phòng chính của tổ chức này ở thủ đô Bangkok. Trong một bức thư email gửi cho các nhân viên của mình, Phòng An ninh của Liên Hợp Quốc cho biết, “có thể sẽ có bạo lực ở quy mô lớn trong ngày hôm nay (2/12), vì thế, các nhân viên nên tránh những văn phòng của chính phủ cũng như các địa điểm biểu tình khác.
 
Đại sứ quán Pháp đã phát đi một trong những cảnh báo mạnh mẽ nhất, trong đó kêu gọi các công dân của mình ở Thái Lan “hãy ở trong nhà” để tránh những cuộc xung đột trên đường phố ở thủ đô Bangkok trong những ngày này. Trường học của Pháp ở khu vực phía đông bắc Bangkok là một trong ít nhất 60 trường phải đóng cửa ở thủ đô trong ngày hôm nay.
 
Trong khi đó, Trung Quốc hôm nay cũng lên tiếng kêu gọi các bên đối địch trên chính trường Thái Lan hãy kiềm chế để tránh để tình hình bạo lực leo thang. "Trung Quốc rất quan ngại về tình hình ở Thái Lan. Chúng tôi hy vọng sự ổn định và trật tự sớm được phục hồi ở nước này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ.
 
Ông Hồng Lỗi kêu gọi tất cả các bên hay quan tâm, cân nhắc đến sự phát triển của quốc gia cũng như lợi ích của người dân, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn một cách hợp lý thông qua đối thoại và đàm phán.
 
Những cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã kéo dài sang ngày thứ 32 và đang làm dấy lên những quan ngại về sự mất ổn định lâu dài ở một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc