Người biểu tình Thái Lan bất ngờ chiếm được toà nhà chính phủ

17:50, 03/12/2013
|

(VnMedia) - Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan hôm nay (3/12) đã chấm dứt tình trạng bạo loạn kéo dài trong 2 ngày qua ở trung tâm thủ đô Bangkok sau khi cảnh sát buông tay, cho phép lực lượng này tràn vào chiếm đóng Tòa nhà Chính phủ và Trụ sở Cảnh sát Thành phố.

 

Ảnh minh họa

Người biểu tình tràn vào Tòa nhà Chính phủ


Hàng nghìn người biểu tình đã được phép tràn vào bên trong khuôn viên của Tòa nhà Chính phủ cũng như Trụ sở Cảnh sát Thành phố sau khi họ phải vật lộn tìm cách chiếm đóng hai khu vực trên trong hai ngày trước đó. Cả người biểu tình và cảnh sát đều vui vẻ, mỉm cười, ôm nhau đùa cợt, chụp ảnh chung và tặng hoa cho nhau như thể những cuộc đối đầu căng thẳng giữa họ được châm ngòi từ hôm Chủ nhật (1/12) chưa từng xảy ra.

 

Trước đó, những người biểu tình chống chính phủ đã kéo đến bao vây Tòa nhà Chính phủ trong nhiều ngày để tìm cách xâm nhập và chiếm đóng nơi này nhưng không thành công bởi an ninh đã được thắt chặt ở đây từ hồi tháng trước, ngay từ khi hàng ngàn người biểu tình bắt đầu đổ ra đường. Tuy nhiên, đầu giờ sáng ngày hôm nay (3/12), cảnh sát bất ngờ tháo dỡ các hàng rào, vật cản để mở đường cho người biểu tình đi vào bên trong Tòa nhà Chính phủ.

 

Sau khi cảnh sát buông tay cho phép người biểu tình tràn vào Tòa nhà Chính phủ thì bất ngờ đã xảy ra. Lực lượng cảnh sát và người biểu tình từng đối đầu với nhau đã vui vẻ, thân tình trở lại. Những người biểu tình chỉ ở lại khuôn viên của Tòa nhà Chính phủ trong khoảng nửa tiếng trước khi một số họ bắt đầu rút đi.

 

Một phóng viên của tờ Tân Hoa xã cho biết, khoảng 3.000 người biểu tình đã ở bên trong khuôn viên của Tòa nhà Chính phủ. Một số họ ngồi trên bãi cỏ phía trước tòa nhà, hò reo, huýt sáo. Một vài người đứng trên một chiếc xe tải đỗ ngay gần đó, đưa ra những bài phát biểu nhằm chống lại chính phủ của bà Yingluck.

 

Tuy nhiên, lực lượng biểu tình từng khá hung hăng lại không tìm cách xâm nhập vào bên trong tòa nhà chính. Cảnh sát vẫn đứng canh gác bên ngoài cửa chính của Tòa nhà Chính phủ.

 

Vào thời điểm người biểu tình tràn vào Tòa nhà Chính phủ, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck không có mặt ở đó. Bà đã rời nơi này từ hôm thứ Sáu (30/11). Các sĩ quan nhận được lệnh lùi bước trước người biểu tình để tránh không gây ra thêm bạo lực sau 3 ngày xảy ra các cuộc giao tranh giữa cảnh sát và người ủng hộ chính phủ với thành phần chống lại chính phủ. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và hơn 230 người bị thương khi bạo loạn bùng lên từ tối hôm thứ Bảy (29/11).

 

Phát ngôn viên Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự Thái Lan – Thiếu tướng Piya Uthayo xác nhận, người biểu tình không gây bất kỳ sự hỗn loạn hay tổn thất nào cho tài sản của chính phủ khi họ tràn vào nơi đây.

 

Trước đó, cảnh sát cũng đã cho người biểu tình tràn vào Trụ sở Cảnh sát Thành phố ở thủ đô Bangkok . Cảnh sát trưởng thành phố Bangkok - ông Khamronvit Thupkrajang cho biết, những người biểu tình được hoan nghênh ở lại trụ sở của họ vô thời hạn.

 

Ông Khamronvit đã ra lệnh cho cảnh sát cấp dưới của mình không được bắn súng hơi cay hay súng nước vào người biểu tình, nói rằng ông không muốn nhìn thấy người biểu tình bị giết hại hoặc bị thương.

 

Sự thay đổi chiến lược bất ngờ trên của chính quyền và cảnh sát Thái Lan cho thấy, chính phủ không muốn đối đầu với người biểu tình và sẵn sàng nhượng bộ để làm dịu căng thẳng trước thềm lễ mừng sinh nhật lần thứ 86 của Quốc vương Thái Lan vào ngày thứ Năm tới (5/12).

 

Trong hai ngày vừa qua, lực lượng biểu tình chống chính phủ từng cắt hàng rào thép và phá dỡ những tấm chắn bê tông chia cắt họ với cảnh sát để xông vào chiếm đóng Tòa nhà Chính phủ và Trụ sở Cảnh sát Thành phố. Những chiếc xe ủi đất và chở rác đều được họ dùng đến để phá hàng rào chắn bên ngoài nhằm tiến vào chiếm đóng trụ sở của chính phủ cũng như của lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát đã ngăn họ lại bằng việc bắn súng hơi cay.

 

Trong khi cảnh sát bắn súng hơi cay thì người biểu tình ném bom plastic, pháo và đá vào những địa điểm trên.

 

Thủ lĩnh biểu tình trốn lệnh bắt

 

Trong khi đó, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan cũng là thủ lĩnh của phong trào biểu tình chống chính phủ hiện nay - ông Suthep Thaugsuban đang cố thủ bên trong tổ hợp Jang Wattana. Khu vực này đang được bảo vệ bằng “hàng rào” xe nhằm ngăn không cho cảnh sát xông vào bắt giữ ông này.

 

Chính quyền Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ ông Suthep vì tội gây bạo loạn và những tội danh hình sự liên quan đến việc chiếm đóng hàng loạt trụ sở bộ ngành cơ quan chính phủ.

 

Trực thăng của cảnh sát mang theo những tấm áp phích chụp lệnh bắt giữ của tòa án đối với thủ lĩnh Suthep đã bay lượn xung quanh tổ hợp Jang Wattana nhưng ông này không thể hiện bất kỳ dấu hiệu đầu hàng nào.

 

Trước đó, ông Suthep đã thề sẽ “tiêu diệt hoàn toàn” “chính quyền của ông Thaksin. Phe đối lập Thái Lan luôn cáo buộc chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck là “con rối” trong tay ông Thaksin.

 

Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 và hiện đang phải sống lưu vong ở bên ngoài để trốn tránh án tù 2 năm vì tội tham nhũng. Mặc dù đã vắng bóng trên chính trường Thái Lan suốt 7 năm qua nhưng ông Thaksin vẫn là một nhân vật gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Ông được rất nhiều người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, những người dân ở các vùng nông thôn yêu mến, tôn thờ. Tuy nhiên, ngược lại, ông cũng bị rất nhiều người ghét cay ghét đắng. Đó là các thành phần thuộc tầng lớp hoàng gia, trung lưu....

 

Nữ Thủ tướng Yingluck cũng là em gái của ông Thaksin đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay sau khi bà đưa trở lại dự luật ân xá đầy nhạy cảm mà phe đối lập luôn cho rằng đó là nỗ lực của bà nhằm “rửa sạch tội” cho anh trai và đưa ông này trở về nước.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc