Mỹ đã mất đồng minh Syria như thế nào?

12:45, 10/12/2013
|

(VnMedia) - Khi Mỹ thúc đẩy một cuộc họp thượng đỉnh với hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria thì chính quyền của Tổng thống Barack Obama mới chợt nhận ra rằng, họ đang bị xa lánh bởi phe nổi dậy chính thống, ôn hoà mà họ đã cố gắng hậu thuẫn trong suốt hơn 2 năm qua.

 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Chính quyền Obama giờ đây lại thấy mình đang phải chìa tay ra với những thành phần nổi dậy mà họ từng gạt sang bên lề. Đó là các phe nhóm đang ấp ủ một chương trình nghị sự Hồi giáo.

 

Các cuộc đàm phán hoà bình được dự kiến diễn ra vào tháng tới ở Geneva sẽ có sự tham gia của Mỹ, Nga, Liên Hợp Quốc cùng với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhiều phe nhóm khác nhau trong nội bộ chia rẽ của phe nổi dậy Syria và có thể thậm chí là có cả Iran. Tuy nhiên, để những cuộc đàm phán này có thể diễn ra, tất cả các bên sẽ phải nhất trí với một lệnh ngừng bắn.

 

Trong hội nghị hoà bình Geneva hồi tháng 6 năm 2012, Mỹ có có ảnh hưởng với phe đối lập Syria và đã thuyết phục được giới lãnh đạo ôn hoà của phe nổi dậy để họ chấp nhận một thứ được biết đến là Tuyên bố Geneva. Đây là một thoả thuận nhằm đặt nền tảng cho quá trình chuyển tiếp đến một chính phủ thời hậu Assad ở đất nước Syria .

 

Tuy nhiên, trong 18 tháng sau đó, kể từ hội nghị Geneva lần thứ nhất, mối quan hệ giữa chính quyền của Tổng thống Obama và các lực lượng chính trong phe nổi dậy Syria như Liên minh Đối lập Syria, Quân đội Syria Tự do và Hội đồng Quân sự Tối cao Syria do Tướng Salim Idriss dẫn đầu, ngày một xấu đi cùng với ảnh hưởng ngày càng suy yếu của những nhóm chiến binh được Mỹ hậu thuẫn này.

 

Khi tất cả các phe nhóm ngồi lại với nhau ở Geneva vào tháng 1 tới, Mỹ chợt nhận ra rằng, họ đang tham gia vào quá trình đàm phán nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và tạo cơ hội lên cầm quyền cho những thành phần Hồi giáo mà cường quốc số 1 thế giới từng tìm cách “thuần hoá” để kết hợp lực lượng chiến binh theo đường lối ôn hoà.

 

“Chúng tôi buộc phải bắt tay với lực lượng chiến binh Hồi giáo ở thời điểm này bởi chúng tôi đã không cung cấp sự hậu thuẫn thích hợp và đầy đủ cho những thành phần dân chủ hơn như Liên minh Đối lập Syria và Quân đội Syria Tự do”, ông Mouaz Moustafa – Giám đốc điều hành Lực lượng Đặc Nhiệm Khẩn cấp Syria – một tổ chức của Mỹ đang làm việc chặt chẽ với các phe nhóm đối lập Syria. Theo ông Moustafa, “họ đang phải hợp tác có giới hạn với các nhóm Hồi giáo để đưa họ ngồi vào bàn đàm phán ở Geneva II mặc dù những nhóm này từng tuyên bố rõ ràng rằng, họ không công nhận tiến trình Geneva”.

 

Mỹ mất đồng minh vì liên tục phá bỏ cam kết

Phe đối lập theo đường lối ôn hoà cũng đã bị gạt sang bên lề và trở thành thứ yếu đến mức giới quan chức Mỹ hiện giờ gần như đang phải khẩn nài một số trong các nhóm chiến binh Hồi giáo có vũ trang tham dự hội nghị GenevaII, các nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ. Một phần nguyên nhân khiến phe nổi dậy ôn hoà bị suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng như vậy là do chính quyền Obama liên tục thất hứa, không thực hiện hàng loạt cam kết mà họ đưa ra trước đó để ủng hộ cho lực lượng chính thống này.

 

Đàm phám với các nhóm nổi dậy Hồi giáo đã trở thành điều bắt buộc thực tế đối với chính quyền Obama. Washington đang bị mắc kẹt giữa mong muốn củng cố sức mạnh của những nhóm chia sẻ các giá trị chung với Mỹ và việc phải thừa nhận rằng bất kỳ thoả thuận hoà bình nào cũng phải được ủng hộ bởi những nhóm nổi dậy đang có ảnh hưởng trên chiến trường bên trong đất nước Syria .

 

Sự nổi lên của các nhóm cực đoan bên trong Syria, đặc biệt là Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS) có liên quan đến Al-Qaeda – cùng với những chiến thắng mà chính quyền Assad và các đồng minh cực đoan của ông này giành được, đã buộc giới lãnh đạo phương Tây phải đối mặt với thực tế rằng, các nhóm chiến binh Hồi giáo phi dân chủ nhưng không cực đoan đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những thành phần khủng bố không nắm quyền kiếm soát toàn bộ cuộc nổi dậy ở Syria.

 

“Nếu Al Qaeda và Hezbollah là những kẻ thù thực sự, các nhóm Hồi giáo là liều thuốc giải độc tốt nhất”, ông Moustafa đã nói như vậy.

 

Hội đồng Quân sự Tối cao Syria – một lực lượng nổi dậy chính được phương Tây hậu thuẫn đang phải hứng chịu những cú thụt lùi đáng kinh ngạc trong những tuần gần đây do thiếu nguồn lực và do sự sắp xếp lại đội ngũ của các nhóm chiến đấu trên chiến trường dưới ngọn cờ của 4 tổ chức Hồi giáo chính gồm Liwa al Tawhid, Ahrar al Sham, Suqqour al Sham và Jaish al Islam. Những nhóm này đã thiết lập một liên minh mới mang tên Mặt trận Hồi giáo hồi tháng trước, sau cái chết của thủ lĩnh phe nổi dậy Abdel Qaddar Saleh. Liên minh mới đã trở thành trung tâm của cuộc nổi dậy vũ trang hiện nay ở Syria .

 

Trong khi đó, Hội đồng Quân sự Tối cao Syria tiếp tục mất các chiến binh vào tay các nhóm được trang bị tốt hơn, đầy đủ hơn. Tướng Idriss đã phải thừa nhận vị thế ngày một yếu của Hội đồng Quân sự Tối cao Syria trong cuộc trả lời phỏng vấn Washington Post gần đây. Ông này cho biết, Quân đội Syria Tự do đang phải thu hẹp mục tiêu chiến thuật và không còn tập trung vào việc gìn giữ, bảo vệ những khu vực lãnh thổ mà họ từng chiếm được.

 

Ông Bob Corker – một Thượng nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hoà trong Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết, việc Mỹ không thực hiện những lời cam kết giúp đỡ cho phe nổi dậy theo đường lối ôn hoà ở Syria đã khiến họ bất mãn và từ đó đẩy lực lượng này vào tay các nhóm Hồi giáo.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc