Liệu quân đội có can thiệp vào chính trường Thái Lan?

14:17, 04/12/2013
|

(VnMedia) - Quân đội quyền lực và đầy ảnh hưởng ở Thái Lan được cho là lực lượng duy nhất hiện giờ đủ sức tạo ra sự thay đổi trong cuộc khủng hoảng chính trị bế tắc hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á. Vì thế, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu giới tướng lĩnh quân đội Thái Lan có nhăm nhe ý định nhảy vào lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck như họ đã từng làm với một số chính quyền tiền nhiệm trước đây hay không?
 

 Ảnh minh họa

 Thủ tướng Thái Lan Yingluck


Ngay từ khi làn sóng biểu tình rầm rộ bắt đầu bùng lên trên khắp các đường phố ở thủ đô Bangkok cách đây hơn một tuần, giới phân tích đã nhận định rằng, phe đối lập đang tìm cách đẩy cao tình hình đến mức buộc quân đội phải nhảy vào can thiệp.
 
Không phải vô cớ mà những người biểu tình chống chính phủ lại muốn dựa dẫm vào quân đội để đạt được mục đích buộc bà Yingluck phải từ bỏ quyền lực. Rõ ràng, nếu đương đầu sòng phẳng với chính quyền của bà Yingluck, phe đối lập khó lòng mà lật đổ được chính quyền này. Nữ Thủ tướng Yingluck đã dễ dàng vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Quốc hội mà Đảng Dân chủ đối lập khởi xướng. Trong khi đó, trên đường phố, nếu cứ kéo dài cuộc biểu tình mà không đạt được kết quả gì, phe đối lập sẽ gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân và điều đó dần sẽ khiến người dân bất mãn với họ.
 
Với lý do trên, những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan mới tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của quân đội. Cho đến thời điểm này, quân đội vẫn tuyên bố giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong hai phe đối địch trên chính trường Thái Lan. Thậm chí, Tư lệnh Quân đội Thái Lan còn kêu gọi những người biểu tình chống chính phủ đừng lôi họ vào cuộc khủng hoảng hiện nay.
 
Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc đảo chính quân sự là không thể loại trừ. Nguy cơ này được cho là đang tăng lên khi mà người ta bắt đầu thấy có dấu hiệu có sự can thiệp của quân đội. Các tướng lĩnh hàng đầu của Thái Lan được cho là đã tham gia vào cuộc đàm phán giữa nữ Thủ tướng Yingluck và thủ lĩnh của cuộc biểu tình – Phó Thủ tướng Suthep. Cuộc đối thoại này đã không đem lại kết quả gì. Quân đội cũng đã đề nghị được đứng ra làm trung gian hoà giải giữa chính phủ và những người biểu tình.
 
Trước những diễn biến trên, một số nhà phân tích tin rằng, quân đội đang chờ đợi cơ hội thích hợp để can thiệp vào chính trường Thái Lan như họ đã từng làm nhiều lần trước đây.
 
Bà Pimpaka Nichgaroon – một nhà nghiên cứu ở thủ đô Bangkok, mới đây cũng lên tiếng cảnh báo rằng, tình trạng bất ổn hiện nay ở Thái Lan có thể sẽ kết thúc như những lần trước đây bằng một sự can thiệp của quân đội. Nguy cơ xảy ra đảo chính quân sự hiện giờ là 50-50, bà Pimpaka nhận định như vậy. Theo vị nữ chuyên gia này, lực lượng chống nữ Thủ tướng Yingluck “muốn có một kiểu chính phủ đoàn kết dân tộc nào đó để tiến hành cải cách hệ thống chính trị trước khi Thái Lan tổ chức một cuộc bầu cử mới”. Tuy nhiên, kiểu thay đổi chính quyền đó sẽ không thể xảy ra mà “không có sự can thiệp nhất định của quân đội hay là một cuộc đảo chính. Chúng tôi thấy rằng, nguy cơ đảo chính quân sự đã tăng chỉ từ 5% cách đây một tháng lên 50% ở thời điểm hiện tại”, bà Pimpaka cho hay.
 
Thái Lan đã chìm trong cuộc khủng hoản chính trị nghiêm trọng kéo dài hơn một tuần nay với những người biểu tình công khai tuyên bố sẽ tìm cách lật đổ cho bằng được chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck. Lực lượng này suốt hơn tuần qua đã hoành hành khắp các đường phố ở thủ đô Bangkok, bao vây, chiếm giữ một loạt trụ sở, toà nhà, văn phòng của các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Người biểu tình còn lan ra khắp các tỉnh và chiếm đóng trụ sở của nhiều chính quyền địa phương. Mới đây nhất, ngày hôm qua, lực lượng biểu tình đã tràn vào chiếm đóng Toà nhà Chính phủ và Trụ sở Cảnh sát Thành phố.
 
Trong bối cảnh như trên, người ta ngay lập tức nghĩ đến một cuộc đảo chính quân sự bởi chuyện này xảy ra khá thường xuyên trên chính trường Thái Lan. Quốc gia Đông Nam Á đã trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới thời hiện đại. Một số học giả thỉnh thoảng còn gọi thời kỳ bắt đầu từ năm 1932 đến nay là “mùa đảo chính” của Thái Lan. Theo thống kê, từ năm 1932 đến giờ, Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính quân sự, và trong số này con số những lần đảo chính thành công là đáng kinh ngạc, lên tới 11 lần.
 
Cuộc đảo chính quân sự mới nhất là vào năm 2006 khi quân đội lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin – một nhân vật cực kỳ được lòng người dân nghèo, người dân vùng nông thôn.
 
Giới quan sát hiện tại đang còn mâu thuẫn trong nhận định về việc liệu cuộc khủng hoảng hiện nay có châm ngòi cho một cuộc đảo chính quân sự mới hay không và liệu phe đối lập có thành công hay không. Một nhóm các nhà phân tích cho rằng, sẽ không xảy ra một cuộc đảo chính quân sự mới bởi điều này chẳng giúp Thái Lan thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài dai dẳng bao lâu nay và quân đội sẽ gặp khó khăn trong việc dựng lên một chính quyền mới.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc