Giải tán Quốc hội, nữ Thủ tướng Thái có gặp nguy?

15:35, 09/12/2013
|

(VnMedia) - Sau khi bà Yingluck Shinawatra buộc phải giải tán Quốc hội trước sức ép quyết liệt và dồn dập từ phe đối lập và người biểu tình, nhiều người bắt đầu lo ngại cho sự nghiệp chính trị vừa mới kịp tỏa sáng của vị nữ Thủ tướng xinh đẹp, trẻ tuổi và tài năng này.
 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck đang đau đầu vì tình hình chính trường Thái Lan


Dựng chính quyền từ lòng dân

 
Tháng 7 năm 2011 đánh dấu một sự kiện vô cùng đặc biệt ở đất nước Thái Lan khi lần đầu tiên một nữ nhân xinh đẹp được tin tưởng bầu chọn vào vị trí đỉnh cao quyền lực, nắm “dây cương” lãnh đạo một trong những quốc gia hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Bà Yingluck Shinwatra đã đi vào lịch sử Thái Lan với tư cách là nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước.
 
Điều đáng nói là khi đắc cử vào vị trí Thủ tướng Thái Lan với chiến thắng áp đảo và thuyết phục, bà Yingluck mới lần đầu tiên bước vào chính trường với tuổi đời còn rất trẻ và kinh nghiệm chính trị hoàn toàn non nớt.
 
Vậy điều gì giúp một gương mặt hoàn toàn mới như bà  Yingluck lại có thể chinh phục được lòng dân để đĩnh đạc bước lên chiếc ghế Thủ tướng quyền lực? Câu trả lời đơn giản và nhanh gọn, đó chính là uy tín, là sức ảnh hưởng rộng khắp mà người anh trai của bà – cựu Thủ tướng Thaksin đã tạo dựng được trong những năm còn cầm quyền trước khi bị đảo chính lật đổ năm 2006.
 
Một nhà phân tích nước ngoài từng đến thủ đô Bangkok năm 2003, hai năm sau khi tỉ phú Thaksin lên cầm quyền, đã nói về ảnh hưởng và sức lan tỏa của ông Thaksin đối với người dân Thái Lan. Với tham vọng thực hiện thị trường tự do, Thủ tướng Thaksin khi đó đã được cộng đồng doanh nghiệp rất yêu mến. Ông cũng trở thành người hùng trong lòng người dân nghèo và người dân vùng nông thôn phía đông bắc đất nước. Họ đều có chung cảm nhận rằng, trước thời ông Thaksin, chẳng có chính quyền nào đem đến ánh sáng cho họ. Tầng lớp nghèo, tầng lớp ở nông thôn Thái Lan tin rằng họ đã bị gạt ra ngoài lề, bị bỏ quên cho đến khi ông Thaksin xuất hiện.
 
Với một loạt chính sách dân túy như trợ cấp nông nghiệp, chính sách y tế gần như miễn phí, những khoản vay trợ cấp giáo dục hay lương hưu..., cựu Thủ tướng Thaksin đã trở thành vị Thánh đối với người dân nghèo Thái Lan bởi với họ, từ khi có ông, đời sống của họ có những đổi thay tích cực, họ có cơm no, áo ấm và đời sống sung túc hơn.
 
Nói về những cáo buộc tham nhũng mà phe đối lập nhằm vào ông Thaksin để lật đổ ông, một người dân Thái Lan từng nói: “Chúng tôi biết các chính khách tham nhũng nhưng ít nhất ông Thaksin còn làm việc vì chúng tôi”. Một người Thái Lan khác nói về việc chính sách y tế gần như miễn phí (khoảng 1 USD một lần khám) mà ông Thaksin thực hiện đã cứu sống ông thế nào và đã giúp ông này được phẫn thuật tim như thế nào.
 
Lực lượng ủng hộ vững chắc trong tầng lớp dân nghèo và nông dân chiếm đa số trên đã chuyển sự ủng hộ của họ từ ông Thaksin sang cho bà Yingluck, em gái của ông. Điều đó đã giúp bà Yingluck lên cầm quyền. Tiếp tục theo đuổi những chính sách của anh trai, chính quyền của Thủ tướng Yingluck đã củng cố hơn nữa thành trì ủng hộ vững chắc trong lòng người dân nông thôn và người dân nghèo, hầu hết ở khu vực đông bắc.
 
Liệu bà Yingluck có tiếp tục được dân "cứu"?
 
Rõ ràng, con đường leo lên đỉnh cao quyền lực của nữ chính khách xinh đẹp Yingluck khá dễ dàng và suôn sẻ. Tuy vậy, trong khi anh trai Thaksin là bệ phóng tuyệt vời đưa bà vào vị trí Thủ tướng Yingluck thì cũng chính ông này là nguồn cơn gây ra những cú chao đảo trong chính quyền của bà, đặc biệt là trong lần này.
 
Dù đã ghi dấn ấn bởi việc là nữ Thủ tướng trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm nhưng lại dẫn dắt thành công đất nước Thái Lan đi qua một giai đoạn yên bình kéo dài nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng bà Yingluck vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của biểu tình, hỗn loạn và thay đổi chính quyền liên tục ở Thái Lan xuất phát từ “mấu chốt” gây chia rẽ là anh trai bà.
 
Sau nước cờ sai lầm từ việc đưa trở lại dự luật ân xá gây tranh cãi mà phe đối lập cáo buộc là nỗ lực của chính quyền nhằm rửa tội cho ông Thaksin và đưa ông này trở về nước, bà Yingluck đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ và kết quả là sáng nay bà vừa phải giải tán Quốc hội.
 
Câu hỏi được đặt ra lúc này là việc giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm có phải là điều gây đe dọa đến chính quyền của bà Yingluck hay không? Trên thực tế, hầu hết mọi người, trong đó có cả phe đối lập, biểu tình hiện nay, đều hiểu rất rõ rằng, một cuộc bầu cử sớm cuối cùng cũng sẽ cho kết quả thuận lợi cho chính quyền thân Thaksin bởi lẽ, thành phần ủng hộ chính phủ chiếm đại đa số.
 
Như vậy, nếu một cuộc bầu cử diễn ra thì gần như chắc chắn đảng cầm quyền sẽ lại giành chiến thắng và bà Yingluck, cũng có thể là một vị chính khách nào đó trong Đảng Pheu Thai, sẽ tiếp tục dẫn dắt đất nước Thái Lan.
 
Với viễn cảnh rõ ràng như vậy, phe đối lập đương nhiên phản đối kịch bản giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Hơn ai hết, phe đối lập thừa hiểu họ sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử như vậy nên họ đòi hỏi thành lập một hội đồng nhân dân không do bầu cử mà do giới hoàng gia chỉ định. Chỉ có như vậy, phe đối lập mới có khả năng tiếp nhận quyền lực.
 
Trong bối cảnh như vậy, chính trường Thái Lan được cho là tiếp tục rơi vào bế tắc, tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn biểu tình, bạo loạn và thay đổi chính quyền.
 
Cả hai cách thức mà chính quyền và phe đối lập lựa chọn ở trên được cho là đều không thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng ở Thái Lan. Nếu sau bầu cử, đảng thân Thaksin tiếp tục cầm quyền thì người áo vàng lại đổ ra đường biểu tình đòi lật đổ chính quyền. Ngược lại, nếu thành lập một hội đồng nhân dân, phe đối lập lên cầm quyền thì đương nhiên phe áo đỏ sẽ tràn ra đường, đòi thực thi quyền lực nhân dân, quyền được lựa chọn tương lai và nhà lãnh đạo của họ. Cứ như vậy, vòng xoáy sẽ tiếp diễn mà không hề có lối thoát.
 
Giới phân tích gợi ý rằng, chỉ khi nào Thái Lan có được một thỏa thuận xã hội mới, trong đó cho phép đại diện được dân bầu lên nắm quyền thực hiện nhiệm vụ của họ nhưng lực lượng này không được bỏ qua các yêu cầu của thành phần thiểu số có ảnh hưởng lớn ở quốc gia Đông Nam Á này.
 
Trong một xã hội dân chủ, biểu tình hòa bình là hợp pháp, là cần thiết nhưng những người thiểu số không nên lạm dụng các cuộc biểu tình vì mục đích riêng của họ. Các thành phần thiểu số cần phải chấp nhận những cuộc bỏ phiếu, bầu cử bởi đó là hình thức chính trị hợp pháp. Tuy vậy, phe chiếm đa số cũng không nên coi chiến thắng trong bầu cử của họ là tấm giấy phép giúp họ có thể làm bất kỳ điều gì mà không cần quan tâm đến những lo ngại của người thiểu số. Chính phủ cần phải bảo vệ các quyền lợi của người đối lập. Có như thế, Thái Lan mới có thể duy trì lâu dài sự ổn định trên chính trường. Kinh nghiệm ở Thái Lan cho thấy, các nỗ lực lật đổ một hệ thống bằng cách bóp nghẹt ý chí, nguyện vọng của đa số người dân cuối cùng đều không có kết quả, vô ích.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc