(VnMedia) - Căng thẳng ở Biển Đông một lần nữa lại "dậy" lên khi một tàu của Hải quân Trung Quốc đã táo tợn tìm cách chặn một tàu tên lửa dẫn đường của Mỹ ở vùng lãnh hải quốc tế hồi đầu tháng 12. Vụ việc này suýt biến thành một cuộc đụng độ nguy hiểm giữa tàu chiến của hai cường quốc hàng đầu thế giới.
![]() |
Tàu USS Cowpens của Hải quân Mỹ đã bị tàu chiến Trung Quốc thách thức ở Biển Đông |
Theo giới chức quốc phòng Mỹ, tàu tên lửa USS Cowpens của họ đang thực hiện nhiệm vụ giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở vùng lãnh hải quốc tế thì các tàu chiến của Trung Quốc ra lệnh cho tàu Mỹ không được đi tiếp.
Tuy nhiên, tàu USS Cowpens đã kiên quyết từ chối không theo lệnh của phía Trung Quốc bởi tàu của Mỹ đang hoạt động ở khu vực hoàn toàn là vùng lãnh hải quốc tế. Khi tàu Trung Quốc đáp trả bằng cách tiến ngay ra phía trước để chặn đầu tàu tên lửa Cowpens thì tàu Mỹ buộc phải chuyển hướng để tránh một cuộc đụng độ căng thẳng.
“Vào ngày 5/12, trong khi đang hoạt động một cách hợp pháp ở vùng lãnh hải quốc tế ở Biển Đông, tàu USS Cowpens và một tàu của Hải quân Trung Quốc đã có cuộc chạm trán buộc chúng tôi phải né để tránh xảy ra một cuộc đụng độ”, một quan chức Hải quân Mỹ đã nói như vậy với tờ Washington Free Beacon.
Cụ thể, một trong hai tàu đổ bộ nhỏ đang hộ tống tàu sân bay của Trung Quốc đã áp sát tàu tên lửa USS Cowpens của Mỹ. Ban đầu, tàu Trung Quốc hú còi để ra lệnh cho tàu USS Cowpens rời khu vực. Sau đó, trong một bước táo tợn và thách thức hơn, tàu của Trung Quốc tìm cách chặn đường đi của tàu tên lửa Mỹ.
Tàu của Hải quân Trung Quốc đã tiếp cận sát tàu tên lửa Mỹ đến mức chỉ còn vài trăm mét. Đây là khoảng cách đủ gần để các thủy thủ trên tàu tên lửa USS Cowpens buộc phải hành động để tránh một cuộc đụng độ nguy hiểm, giới chức Mỹ cho hay. Không rõ là tàu Trung Quốc có định chặn đường tàu Mỹ thêm một lần nữa hay không.
Vụ việc chỉ kết thúc trong hòa bình khi thuyền trưởng của tàu tên lửa Mỹ phát tín hiệu bằng điện đàm đến thuyền trưởng của tàu sân bay Trung Quốc, các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay đồng thời nhấn mạnh chỉ sau cú điện đàm đó, tàu Trung Quốc mới chịu rời đi.
“Vụ việc trên đã cho thấy sự cần thiết phải đảm bảo những tiêu chuẩn cao nhất đối với sự chuyên nghiệp trong hoạt động của các con tàu cũng như thủy thủ trên tàu, trong đó có sự liên lạc, tiếp xúc giữa các tàu để làm giảm nguy cơ xảy ra những tai nạn hay vụ việc không mong đợi”, vị quan chức hải quân Mỹ nói.
Free Beacon cũng đưa tin rằng, chính phủ Mỹ đã gửi văn bản phản đối chính thức đến Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao và quân sự.
Theo chuyên gia quân sự Rick Fisher, vụ việc mới nhất xảy ra giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc cho thấy một thực tế rằng, sau hai thập kỷ tăng cường sự hiện diện của Hải quân, Trung Quốc đang cảm thấy không thoải mái và không muốn chấp nhận sự hiện diện của Mỹ trong khu vực ảnh hưởng của họ.
“Trong giai đoạn đầu của thời kỳ sử dụng sức mạnh hải quân vừa đạt được, Trung Quốc đang có những hành động giả vờ để thị uy, dọa dẫm nhưng Trung Quốc cũng đang tìm kiếm một cuộc chiến, một trận đấu có thể khiến Mỹ, Nhật Bản và Philippines sợ”, ông Fisher đã nhận định như vậy. Để duy trì sự ổn định ở Biển Đông, vị chuyên gia trên gợi ý rằng, Mỹ và Nhật Bản nên bảo vệ chặt chẽ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông đồng thời củng cố lại sức mạnh cho Philippines ở Biển Đông.
Vụ đối đầu mới nhất giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc xảy ra chỉ vài tuần sau khi Bắc Kinh vừa khiến các nước láng giềng nổi xung bằng việc bất ngờ tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông. Vùng phòng không này bao gồm cả các khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều phản đối gay gắt hành động của Trung Quốc, tuyên bố không thừa nhận vùng phòng không của cường quốc số 1 Châu Á. Thậm chí, các nước này đưa cả máy bay quân sự vào thách thức vùng phòng không của Trung Quốc. Hai chiếc máy bay B-52 của Mỹ đã nghễu nghện bay vào Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông của Trung Quốc mà không thực hiện bất kỳ quy định nào được đưa ra của phía Bắc Kinh.
Trong khi đó, Hàn Quốc gần đây đã tuyên bố mở rộng vùng phòng không của mình ra cả những vùng chồng lấn với Trung Quốc để thể hiện sự thách thức đối với việc Bắc Kinh lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông.
Giới phân tích dự đoán, Trung Quốc sẽ tiến dần tới việc “tung” ra một hành động tương tự ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là, sớm hay muộn, Bắc Kinh cũng sẽ tuyên bố lập vùng phòng không ở Biển Đông giống như ở biển Hoa Đông. Biển Đông là nơi đang chứng kiến các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng xung quanh.
Hiện tại, Trung Quốc đang đưa tàu sân bay duy nhất của nước này ra Biển Đông để dương oai diễu võ, thị uy các nước khác.
Ý kiến bạn đọc