“Đòn phản công” khéo léo của nữ Thủ tướng Yingluck

07:18, 08/12/2013
|

(VnMedia) - Sau khi phe đối lập tuyên bố về một cuộc quyết chiến cuối cùng với chính phủ, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã có “đòn phản công” rất khéo léo và khôn ngoan. Bà đã lên tiếng bác bỏ khả năng quay trở lại chính trường của anh trai mình cũng là cựu Thủ tướng gây tranh cãi Thaksin đồng thời khẳng định hủy bỏ mãi mãi dự luật ân xá nhạy cảm.

 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck


Thủ tướng Yingluck cho biết, cả ông Thaksin Shinawatra và gia đình tỉ phú Shinawatra nói chung đều không thèm khát, ham hố quyền lực mà chỉ muốn đất nước được sống trong nền hòa bình và dân chủ.

 

"Ngay lúc này, tôi không nghĩ là ông Thaksin muốn tiếp tục theo đuổi con đường chính trị. Ông ấy muốn được nhìn thấy sự công bằng đến với tất cả mọi người để đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều có thể làm việc với nhau và tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho đất nước Thái Lan”, nữ Thủ tướng Yingluck đã nói như vậy về người anh trai đầy ảnh hưởng của mình trong cuộc trả lời phỏng vấn với giới báo chí nước ngoài.

 

"Gia đình tôi không muốn nắm giữ quyền lực vì mình. Bất kỳ lựa chọn nào cũng là cho số đông, cho hòa bình để đưa Thái Lan tiến lên phía trước cùng với nền dân chủ của đất nước và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”, bà Yingluck cho hay.

 

Nhà lãnh đạo Thái Lan còn nói thêm: "Tôi có thể nói với các bạn ngay lúc này rằng, chúng tôi không muốn trở thành bất kỳ trở ngại nào cho hòa bình ở đất nước này. Chúng tôi muốn một giải pháp cho tất cả mọi người”.

 

Những người biểu tình dưới sự hậu thuẫn của các thành phần có thế lực như giới tướng lĩnh hoàng gia, những người thuộc tầng lớp trung lưu, không chấp nhận điều đó. Họ cáo buộc rằng, bà Yingluck là “con rối” trong tay cựu Thủ tướng Thaksin. Họ tố chính quyền của bà Yingluck củng cố quyền lực nhân danh ông Thaksin bằng “những thỏa thuận tham nhũng và những chính sách dân túy đắt đỏ”.

 

Lực lượng biểu tình cho biết, họ muốn loại bỏ hoàn toàn “chính quyền của ông Thaksin” ra khỏi đất nước Thái Lan.

 

Thủ tướng Yingluck cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn trên chính trường Thái Lan hiện nay không phải là người anh trai hai lần được bầu làm thủ tướng của bà mà là cuộc đảo chính quân sự năm 2006 lật đổ ông này. Bà Yingluck không chỉ đích danh các đảng phái hay cá nhân mà bà nghĩ đứng đằng sau nỗ lực lật đổ bà. "Tôi không muốn bình luận về từng người nhưng cuộc xung đột được châm ngòi từ cuộc đảo chính và nó vẫn chưa được giải quyết cho đến tận bây giờ", bà Yingluck cho hay.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất trên chính trường Thái Lan xuất phát từ việc chính phủ của bà Yingluck định đưa trở lại dự luật ân xá nhạy cảm và gây tranh cãi. Phe đối lập tin rằng, dự luật này là động thái “trắng trợn” của chính quyền nhằm “rửa sạch tội lỗi” cho cựu Thủ tướng Thaksin và đưa ông này trở về nước.

 

Đòi hỏi vi hiến

 

Đề cập đến dự luật ân xá, nữ Thủ tướngYingluck khẳng định: "Chúng tôi sẽ không đưa dự luật ân xá trở lại nữa. Nếu chúng tôi không thực hiện đúng cam kết mà chúng tôi đã đưa ra thì người dân sẽ không chấp nhận chúng tôi thêm nữa”.

 

Những phát biểu trên của bà Yingluck được xem là “đòn phản công” đầy khôn ngoan và khéo léo của bà Yingluck sau khi thủ lĩnh các cuộc biểu tình chống chính phủ tối qua vừa lên tiếng tuyên bố sẽ tiến hành trận quyết chiến cuối cùng với chính phủ vào ngày thứ Hai tới (9/12).

 

Sau một vài ngày lắng dịu cho dịp kỷ niệm sinh nhật Quốc vương Thái Lan, những người biểu tình đang nhăm nhe quay trở lại với chiến dịch gây rối của họ. Trước diễn biến này, bà Yingluck cho biết, các kênh đối thoại vẫn được rộng mở. Tuy nhiên, yêu cầu mập mờ không rõ ràng về việc thành lập một hội đồng nhân dân thay thế cho chính phủ là không khả thi.

 

"Tôi không biết làm thế nào chúng tôi có thể đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình bởi điều đó không phù hợp với hiến pháp và cũng không thích hợp với nền dân chủ. Tôi không biết làm thế nào chúng ta có thể đưa đất nước Thái Lan tiến lên phía trước với việc này. Đây là điều không được quốc tế chấp nhận”, bà Yingluck nhấn mạnh.

 

Nhà lãnh đạo Thái Lan cũng cho biết, chính phủ đã đề nghị giới tướng lĩnh quân đội tham gia vào các cuộc đàm phán gần đây giữa bà với thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban nhưng vai trò của họ “chỉ là lắng nghe” chứ không phải là làm trung gian và cuộc đối thoại này không phải là một cuộc đàm phán.

 

Nếu người biểu tình tìm cách chiếm đóng các tòa nhà chính phủ, cảnh sát sẽ hành động với sự kiềm chế, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là cho phép họ chiếm đóng các văn phòng của Thủ tướng, bà Yingluck cho hay.

 

"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ Tòa nhà Chính phủ theo một cách thức hòa bình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đánh đổi việc bảo vệ Tòa nhà Chính phủ bằng máu của người dân”, bà Yingluck cho biết đồng thời nói thêm rằng, bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều có thể phải đối mặt với hậu quả.

 

Nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan cũng kêu gọi người dân thông cảm với chính phủ và hiểu rằng những yêu cầu của người biểu tình là không hợp pháp nên không thể được đáp ứng. "Chúng tôi đề nghị rằng, họ cần phải đưa ra những yêu cầu phù hợp với hiến pháp nếu không sẽ không có lối thoát cho đất nước chúng ta. Những điều họ đòi hỏi là không thể chấp nhận được", bà Yingluck nhấn mạnh.

 

Với những phát biểu trên, nữ Thủ tướng Thái Lan rõ ràng thể hiện thiện chí muốn hòa giải nhưng cũng thể hiện sự cứng rắn và kiên quyết trước những yêu cầu không chính đáng của người biểu tình. Hành động của bà Yingluck được cho là sẽ giúp bà giành thêm được sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh bà sắp phải đối mặt với thời khắc quyết định trước lực lượng đối lập vào ngày 9/12 tới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc