Cựu Thủ tướng Thaksin: Không thể trở về!

14:26, 05/12/2013
|

(VnMedia) - Nếu như tương lai chính trị của Thái Lan chưa bao giờ mù mịt như bây giờ trong vòng hơn 2 năm qua thì số phận của cựu Thủ tướng Thaksin lại rất rõ ràng và chắc chắn. Đó là đường trở về quê hương của ông đã bị đóng sập lại một cách phũ phàng, ít nhất là trong thời gian trước mắt.
 

 Ảnh minh họa

 Cựu Thủ tướng Thaksin


Cựu Thủ tướng Thaksin – nhân vật quyền lực và gây chia rẽ

 
Không ai có thể phủ nhận quyền lực, sức ảnh hưởng và uy tín của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trên chính trường Thái Lan.
 
Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 khi ông này đang ở nước ngoài. Tiếp đó, vào năm 2008, ông lại bị toà án kết án 2 năm tù giam vì tội tham nhũng. Để trốn tránh án tù, cựu Thủ tướng Thái Lan đã phải sống lưu vong ở bên ngoài suốt trong thời gian qua.
 
Dù đã rời ra đất nước trong 8 năm qua nhưng ông Thaksin vẫn là nhân vật có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Thái Lan. Ông này chính là nhân vật trung tâm, là nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp ở Thái Lan trong những năm qua.
 
Với những chính sách “dân tuý” làm lợi cho dân nghèo và những người dân ở vùng nông thôn, cựu Thủ tướng Thaksin rất được lòng bộ phận những người dân chiếm đa số này. Ngược lại, ông lại bị ghét cay ghét đắng bởi những thành phần hoàng gia, trung lưu ở đất nước Thái Lan. Lực lượng chống ông Thaksin tuy là một bộ phận nhỏ nhưng lại là những người nắm giữ quyền lực và sức mạnh.
 
Sau khi ông Thaksin bị lật đổ, chính trường Thái Lan chứng kiến liên tiếp những cuộc đấu đá giằng co giữa một bên là lực lượng ủng hộ ông Thaksin (áo đỏ) và bên kia là lực lượng chống ông này (áo vàng). Có những thời kỳ, biểu tình đường phố trở thành “chuyện như cơm bữa” ở đất nước Thái Lan. Nếu đảng thân ông Thaksin lên nắm quyền thì lực lượng áo vàng sẽ đổ ra đường biểu tình. Ngược lại, nếu đảng cầm quyền thuộc thành phần áo vàng thì đến lượt người áo đỏ đổ ra đường biểu tình chống chính phủ.
 
Những cuộc đối đầu giữa người áo đỏ và áo vàng từng khiến chính trường Thái Lan liên tục chao đảo, rối loạn với các cuộc thay đổi chính quyền liên tiếp diễn ra. Mọi việc luôn diễn ra theo mô típ: đảng thân ông Thaksin sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và lên cầm quyền, sau đó, đảng đối lập sẽ biểu tình phản đối, lôi kéo sự can thiệp của toà án, quân đội để lật đổ chính quyền và đưa lực lượng chống ông Thaksin lên cầm quyền.
 
Chỉ từ khi bà Yingluck, em gái của ông Thaksin đắc cử trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011 thì tình hình chính trường nước này mới tạm yên ắng. Bà Yingluck được ca ngợi bởi bà là người duy nhất dẫn dắt đất nước Thái Lan đi qua được một thời gian hoà bình lâu dài như vậy. Mặc dù nhờ phần lớn vào uy tín và ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin, bà Yingluck mới có thể giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử cách đây hơn 2 năm nhưng cũng chính vì anh trai của mình mà chính quyền của bà đã vài lần phải rơi vào những phen lao đao. Và chưa thời điểm nào trong hơn 2 năm qua, nữ Thủ tướng Thái Lan lại vấp phải một cuộc khủng hoảng đầy thách thức như hiện nay.
 
Nước cờ sai lầm của ông Thaksin
 
Nếu như cách đây vài tháng, khi nữ Thủ tướng Yingluck bước vào năm cầm quyền thứ 3, hầu như chẳng ai nghĩ đến một cuộc xung đột chính trị mới sẽ nảy sinh bởi chính quyền của bà đã trải qua một thời kỳ lãnh đạo đất nước khá suôn sẻ. Đó là nhờ phần lớn vào mối quan hệ thân thiện bề ngoài giữa bà Yingluck với các kẻ thù của anh trai bà như giới tướng lĩnh, cố vấn hoàng gia và chính khách đối lập.
 
Dưới thời cầm quyền của bà Yingluck, đất nước Thái Lan đã phục hồi trở lại sau cuộc khủng hoảng lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 50 năm với tốc độ tăng trưởng là 6,5% trong năm ngoái.
 
Chính sách giảm thuế cho những người mua nhà và mua xe lần đầu tiên của chính phủ đã giành được sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, chính sách trợ giá nông nghiệp giúp chính phủ của Thủ tướng Yingluck củng cố thêm sự ủng hộ từ tầng lớp nông thôn vốn đã đang được hưởng lợi từ chính sách chăm sóc y tế gần như miễn phí và chính sách ưu đãi, cho vay lãi suất thấp từ thời của ông Thaksin.

Trong tình hình được xem là thuận lợi như trên, ông Thaksin có lẽ đã nghĩ rằng đây là thời cơ chín muối để ông trở về nước. Và dự luật ân xá đầy tranh cãi đã được chính phủ của bà Yingluck đưa trở lại. Nữ Thủ tướng có lẽ cũng tự tin bởi những thành công của bà khi lãnh đạo đất nước Thái Lan cùng với việc đảng cầm quyền đang chiếm thế áp đảo ở Hạ viện và quân đội được tin là không muốn can thiệp vào chính trường sau một loạt những lần can thiệp vụng về trước đó.
 
Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra đúng như mong đợi của ông Thaksin. Dự luật ân xá được đưa ra đã ngay lập tức châm ngòi cho sự trở lại mạnh mẽ của các thành phần đối lập với cựu Thủ tướng Thaksin. Làn sóng biểu tình rầm rộ trong hơn một tuần qua đã cho thấy điều đó. Phe đối lập đã nhân cơ hội này đã phát động một chiến dịch nhằm lật đổ chính quyền của bà Yingluck.
 
Mọi việc đến thời điểm này chưa ngã ngũ nhưng con đường trở về của ông Thaksin dường như trở nên vô vọng, nhất là trong thời gian trước mắt.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc