Assad không thể bị đánh gục?

07:06, 08/12/2013
|

(VnMedia) - Nếu như trong gần 2 năm đầu của cuộc nổi dậy ở Syria, người ta ngỡ như rằng, số phận của Tổng thống Bashar al-Assad sắp được phán quyết, chính quyền của ông này sẽ nhanh chóng sụp đổ trước những cuộc tấn công như vũ bão của phe nổi dậy được tiếp sức bởi sức mạnh từ các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, trong vòng gần một năm trở lại, chiến trường cũng như chính trường Syria đã có cú đảo chiều ngoạn mục khi càng đánh Tổng thống Assad càng mạnh lên, chiếc ghế của ông dường như càng vững hơn.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Assad


Thực tế cho thấy, chính quyền của ông Assad đang gặp “thiên thời địa lợi nhân hòa” khi quân của ông liên tiếp giành chiến thắng trên chiến trường, phe nổi dậy ngày một thất bại và ngày một chia rẽ, cùng với đó là sự giúp đỡ nhỏ giọt của phương Tây cho phe nổi dậy và sự ủng hộ ngày càng tăng của người dân dành cho chính quyền Syria.

 

Lúc này, nhiều người bắt đầu tin rằng, chính quyền của ông Assad sẽ tiếp tục sống sót và tồn tại bởi ít nhất trong vòng 6 tháng qua, quân đội trung thành với ông đã giành thế thượng phong trên chiến trường.

 

Rõ ràng, trong suốt nhiều tháng qua, quân đội trung thành với Tổng thống Assad đang tiến những bước vững vàng và mạnh mẽ trên một loạt mặt trận ở ngoại ô thủ đô Damacus và ở phía bắc đất nước – nơi từng là trận địa tung hoành của lực lượng nổi dậy.

 

Quân chính phủ đã gặt hái được những thắng lợi lớn nhất ở các khu vực ngoại ô phía nam của thủ đô Damascus nhờ vào sự trợ giúp đắc lực từ nhóm chiến binh chuyên nghiệp Hezbollah đến từ Li-băng và thành phần các chiến binh người Shiite đến từ Iraq. Quân của ông Assad đã chiếm được hàng loạt thành phố từ tay phe nổi dậy từ ngày 11/10. Không chỉ phá vỡ dần được vòng vây mà lực lượng nổi dậy từng thắt chặt quanh thành trì quyền lực của ông Assad, quân đội còn giáng cho đối thủ những đòn chí tử.

 

Ngoài chuỗi trận chiến thắng liên tiếp ở ngoại ô thủ đô Damascus , quân chính phủ còn phát động chiến dịch tấn công dồn dập phe nổi dậy ở phía bắc. Phe nổi dậy từng làm mưa làm gió ở khu vực phía bắc Syria khi chiếm được phần lớn lãnh thổ ở đây và dựng lên thành trì vững chắc của họ. Tuy nhiên, trong suốt nhiều tháng qua, các thành trì phía bắc của phe nổi dậy liên tục thất thủ và lung lay vì những đòn đánh mạnh mẽ từ quân chính phủ. Đáng chú ý nhất là trận chiến ở Aleppo – thành phố lớn nhất và cũng từng là trung tâm thương mại của Syria . Chiến thắng của quân chính phủ ở Aleppo khiến phe nổi dậy hoảng sợ bởi điều đó cho thấy, khả năng kiểm soát khu vực phía bắc của họ đang mong manh hơn bao giờ hết.

 

Rõ ràng, nhìn vào thế trận hiện nay, quân đội trung thành với Tổng thống Assad đang giành lợi thế, đang dồn ép phe nổi dậy trên mọi mặt trận. Diễn biến này giúp củng cố vị thế cho ông Assad. Quân chính phủ càng thắng trên chiến trường thì chính quyền của ông Assad càng dễ dàng bác bỏ những yêu cầu của phe nổi dậy hơn trong hội nghị sắp tới ở Geneva bởi ai nắm lợi thế trên chiến trường đồng nghĩa với việc nắm lợi thế trên bàn đàm phán.

 

Phe nổi dậy càng lúc càng suy yếu

 

Khi cuộc nổi dậy ở Syria bước vào năm thứ ba thì người ta cũng chứng kiến lực lượng nổi dậy ở nước này ngày một suy yếu và bị chia rẽ.

 

Phe nổi dậy rời rạc, chia năm xẻ bảy bởi nhũng cuộc đấu đá nội bộ huynh đệ tương tàn kể từ khi Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq Levant có liên quan đến Al-Qaeda hung hăng tiến vào giành quyền kiếm soát các khu vực của phe nổi dậy ở phía bắc. Những cuộc đối đầu, đụng độ giữa các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan, hầu hết là người nước ngoài, với lực lượng nổi dậy theo đường lối ôn hòa diễn ra thường xuyên hơn, khiến phe nổi dậy mỗi ngày thêm tổn thất.

 

Các phe nhóm nổi dậy còn xung đột với cả lực lượng thiểu số người Kurd ở khu vực phía đông bắc Syria và một số vùng ở tỉnh Aleppo .

 

Như vậy, phe nổi dậy chính thống theo đường lối ôn hòa đang phải một mình đối mặt với ba cuộc chiến, một với quân chính phủ, hai với lực lượng Hồi giáo cực đoan và ba là với thành phần người thiểu số Kurd. Điều này trên thực tế rõ ràng đã làm giảm sức mạnh và gây phương hại đến nỗ lực lật đổ Tổng thống Assad của phe nổi dậy.

 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý và có lẽ là gây tổn hại lớn nhất cho phe nổi dậy chính là thành phần lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan liên quan đến Al-Qaeda. Các nhóm cực đoan này đang ngày càng mạnh lên, ngày càng chiếm thế áp đảo trong nội bộ phe nổi dậy. Sự nổi lên của lực lượng cực đoan có liên quan đến khủng bố đã đẩy người dân ra xa phe nổi dậy và khiến phương Tây e ngại. Điều đó lý giải tại sao ông Assad càng ngày càng được người dân ủng hộ nhiều hơn trong khi phe nổi dậy đang mất dần chỗ đứng ở Syria .

 

Theo một phân tích được NATO công bố gần đây, tỉ lệ ủng hộ của người dân Syria dành cho vị Tổng thống Assad đang tăng lên. Đa số người dân Syria đang ngày một lo lắng về viễn cảnh Al Qaida tiếp quản cuộc nổi dậy và vì thế họ muốn sự trở lại của Tổng thống Assad. Dữ liệu được cung cấp cho NATO hồi tháng trước khẳng định, 70% người dân Syria ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad. 20% người dân được cho là đang đứng trung lập và chỉ có 10% còn lại là ủng hộ phe nổi dậy.

 

Việc các thành phần cực đoan, khủng bố đang lấn át lực lượng chiến binh nổi dậy theo đường lối ôn hòa cũng là nguyên nhân khiến phương Tây gần đây ngày một hững hờ với phe nổi dậy. Các cường quốc hiện giờ chỉ dồn sự tập trung cho hội nghị hòa bình ở Geneva II để tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria chứ không còn nhăm nhăm giúp đỡ lực lượng này lật đổ ông Assad.

 

Với những diễn biến ở Syria trong thời gian gần đây, người ta cho rằng, chưa lúc nào trong gần 3 năm trở lại đây, vị thế của chính quyền Assad lại được củng cố mạnh mẽ như thời điểm hiện tại.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc