Ai quyền lực nhất trên chính trường Thái Lan?

07:10, 04/12/2013
|

(VnMedia) - Khủng hoảng chính trị ở đất nước Thái Lan đã rơi vào tình trạng không lối thoát và sẽ có thêm nhiều cuộc bạo loạn, biểu tình đường phố cũng như các cuộc đối đầu diễn ra. Đây là nhận định vừa được giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc trường Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok đưa ra ngày hôm qua (3/12).
 

Ảnh minh họa

Làn sóng biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Bangkok


Những người biểu tình chống chính phủ được dẫn dắt bởi cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban sẽ tạm ngừng hành động trong một thời gian để kỷ niệm lễ sinh nhật lần thứ 86 của Quốc vương Thái Lan trong ngày 5/12 tới. Tuy nhiên, lực lượng này có thể trở lại các đường phố ở Bangkok sau đó, ông Thitinan cũng là Giám đốc của Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, dự đoán.
 
Nếu ông Suthep thành công trong việc lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đất nước Thái Lan sẽ chứng kiến một cuộc bạo loạn nghiêm trọng hơn bởi những người biểu tình áo đỏ cũng sẽ trở lại đường phố để biểu tình như họ đã từng làm trong năm 2009 và 2010, ông Thitinan cho biết.
 
Tuy nhiên, nếu ông Suthep thất bại và bà Yingluck tiếp tục tại vị, chính phủ sẽ khó đạt được điều gì cũng như khó duy trì bất kỳ động lực nào trong chính sách của họ, giáo sư Thitinan nói thêm.
 
Vị chuyên gia trên cho rằng, nữ Thủ tướng Yingluck nên trả lại quyền quyết định cho nhân dân bằng cách tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào đầu năm thứ ba của nhiệm kỳ 4 năm của bà và để người dân quyết định tương lai của họ.
 
"Nếu ông Suthep thành công, chúng ta sẽ vấp phải nhiều vấn đề hơn ở Thái Lan. Nếu bà Yingluck thành công, chúng ta cũng sẽ gặp phải những vấn đề nhưng những vấn đề đó có thể được giải quyết thông qua việc trao lại quyền quyết định cho người dân”, giáo sư Thitinan nhận định.
 
Khi các cuộc biểu tình đường phố leo thang trong những ngày qua, người ta đã nói đến viễn cảnh về một cuộc đảo chính quân sự nhưng ông Thitinan cho rằng, lựa chọn đó “không bền vững”. Có quá nhiều vấn đề nảy sinh từ một cuộc đảo chính quân sự, trong đó sẽ có những cuộc biểu tình rầm rộ của phe áo đỏ và sự lên án của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, quân đội sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn để thành lập một chính phủ mới và tiến hành một giai đoạn chuyển tiếp, giáo sư Thitinan cho hay.
 
Theo ông này, cách tốt nhất cho đất nước Thái Lan trong hoàn cảnh hiện nay là thành lập các đảng phái mới. “Hiện tại, chúng ta đang có cơ hội và điều kiện để cho một đảng phái thứ ba nổi lên phá vỡ thế bế tắc”, ông Thitinan cho biết đồng thời nói thêm rằng, nếu không có điều đó, người ta sẽ không tin vào hệ thống bầu cử ở Thái Lan.
 
Tuy nhiên, vị giáo sư Thái Lan không cho biết cụ thể đảng phái thứ ba có thể được thành lập như thế nào. Như lịch sử của đất nước này đã chỉ ra, Đảng Pheu Thai cầm quyền hay Đảng Dân chủ đối lập ở Thái Lan đều có thể thực hiện một số sự thay đổi về bề ngoài để thành lập một đảng phái thứ ba thân với họ, kiểu như “bình mới rượu cũ”.
 
Theo giáo sư Thitinan, các giải pháp có thể được tìm thấy trong chính hệ thống bầu cử của Thái Lan. Ông này kêu gọi đảng cầm quyền Pheu Thai quan tâm hơn đến người thiểu số trong khi Đảng Dân chủ nên cải tổ lại bộ máy lãnh đạo và quản lý. "Đó là một công việc rất khó khăn nhưng những biện pháp thay thế khác không hiệu quả. Bởi vì hệ thống bầu cử dù cho có những kẽ hở và thiếu sót thì nó vẫn cho phép đa số người dân Thái Lan nói lên tiếng nói của mình, có quyền quyết định, lựa chọn người đại diện cho họ”, ông Thitinan nhấn mạnh.
 
Ai đủ sức tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan?
 
Người ta cho rằng, trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở đất nước Thái Lan là nằm ở lực lượng quân đội quyền lực và đầy ảnh hưởng ở nước này sau khi Thủ tướng Yingluck và thủ lĩnh biểu tình Suthep đã không thể tìm được tiếng nói chung, không thể nhượng bộ được với nhau.
 
Mặc dù Tư lệnh Quân đội Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha và các nhà lãnh đạo quân sự khác vẫn mập mờ, chưa tỏ rõ quan điểm về việc sẽ tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay như thế nào nhưng sớm hay muộn, quân đội được cho là cũng phải hành động hoặc đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai phe phái đối địch nhau trên chính trường Thái Lan, ông Pavin Chachavalpongpun – một học giả có tiếng của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Kyoto, nhận định.
 
"Quân đội có thể đang chờ đợi cơ hội thích hợp để can thiệp vào công việc của chính phủ và điều đó có thể được theo sau bởi một cuộc đảo chính quân sự nếu quân đội cho rằng tình hình đã leo thang thành bạo lực và quân đội không thể kiểm soát được nó”, ông Pavin cho hay.
 
Theo nhà phân tích trên, kịch bản đảo chính quân sự không nên loại bỏ nếu giới chức quân sự hàng đầu tin rằng chính phủ dân sự đã thất bại trong việc chấm dứt tình hình bạo lực gây ra từ các cuộc biểu tình đường phố. Đảo chính quân sự không phải là cái gì xa lạ đối với chính trường Thái Lan bởi quân đội nước này đã thực hiện tới 18 cuộc đảo chính lật đổ chính quyền trong 80 năm qua và lần mới nhất là năm 2006 với vị chính khách bị lật đổ là cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai của nữ Thủ tướng đương nhiệm Yingluck.
 
Tuy nhiên, giáo sự Thitinan lại tin rằng, khả năng xảy ra đảo chính quân sự lại khó xảy ra bởi một loạt vấn đề nảy sinh từ chuyện này. Dù thế nào, quân đội vẫn được tin là lực lượng quyền lực nhất đủ sức làm thay đổi tình thế hiện nay trên chính trường Thái Lan, chỉ là không biết sự thay đổi đó là tốt hay xấu cho người dân nước này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc