140.000 người biểu tình dồn ép chính phủ Thái

20:30, 09/12/2013
|

(VnMedia) - Mặc dù nữ Thủ tướng Yingluck đã thể hiện thiện chí làm dịu căng thẳng bằng tuyên bố giải tán Hạ viện, tổ chức một cuộc bầu cử sớm, nhưng người biểu tình vẫn làm tới, ồ ạt đổ ra khắp thủ đô Bangkok để gây sức ép với chính phủ.  

Ảnh minh họa

Phe nổi dậy Syria


Trong một nỗ lực mà họ tuyên bố là cuộc quyết chiến cuối cùng nhằm lật đổ chính phủ của bà Yingluck, khoảng 140.000 người biểu tình hôm nay (9/12) đã tràn ra khắp các đường phố ở thủ đô Bangkok.

 

Những người biểu tình đã diễu hành qua nhiều con đường xuyên suốt thủ đô và hướng tới trụ sở của chính phủ - mục tiêu chính của cuộc biểu tình. Giao thông ở nhiều khu vực ở Bangkok rơi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn, Trung tâm Quản lý Trật tự và Hòa bình Thái Lan cho biết. Trung tâm này vừa được chính phủ lập nên nhằm giải quyết tình hình bạo loạn hiện nay trên chính trường Thái Lan.

 

Làn sóng người biểu tình Thái Lan đang chuẩn bị sẵn sàng để ép các lực lượng an ninh mở cổng của Tòa nhà Chính phủ. Họ đang đợi lệnh từ thủ lĩnh phong trào biểu tình – ông Suthep Thaugsuban.

 

Theo thông báo từ Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân, ông Suthep sẽ có bài phát biểu quan trọng vào tối ngày hôm nay ở Văn phòng của Thủ tướng Thái Lan.

 

"Chúng tôi không muốn chính trị thêm nữa – không muốn các cuộc bầu cử. Chỉ những người biểu tình mới có thể lựa chọn chính phủ tiếp theo. Chúng tôi chọn, sau đó Quốc vương sẽ bổ nhiệm”, một người biểu tình giấu tên đã tuyên bố như vậy.

 

Thủ lĩnh đối lập Suthep hôm 7/12 đã tuyên bố phát động “trận quyết chiến cuối cùng” trong ngày 9/12 để lật đổ bà Yingluck. Ông Suthep khẳng định, nếu số người biểu tình chống chính phủ không đạt con số 1 triệu người trong ngày hôm nay thì ông này sẵn sàng từ bỏ “cuộc chiến” và đến trình diện cảnh sát.

 

Tính đến thời điểm này thì số người biểu tình được ước tính là 140.000, còn xa mới đạt con số 1 triệu người. Nếu tối nay, số người biểu tình không tăng lên thì không rõ ông Suthep có thực hiện lời tuyên bố từ bỏ của mình hay không.

 

Tình hình hỗn loạn trên chính trường Thái Lan đã khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Giới chức Thái Lan cho biết, họ sẽ cố gắng để tránh những cuộc đối đầu mới với người biểu tình. “Cảnh sát không được trang bị vũ khí mà chỉ mang theo lá chắn và dùi cui. Chúng tôi sẽ không sử dụng hơi cay hoặc nếu không có lựa chọn nào khác, chúng tôi sẽ sử dụng nó một cách hạn chế”, Bộ trưởng Nội vụ Jarupong Ruangsuwan đã cho biết như vậy trước cuộc biểu tình.

 

"Chính phủ tin tưởng có thể kiểm soát được tình hình và chúng tôi đang tập trung vào biện pháp đàm phán”, ông Jarupong nói thêm.

 

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình chống chính phủ kéo dài hơn một tháng qua và tình hình bắt đầu leo thang đến đỉnh điểm trong vòng hơn một tuần nay. Phe đối lập đang quyết tâm ngăn cản nền dân chủ của đất nước bằng cách đòi hỏi việc thành lập một Hội đồng Nhân dân không do dân bầu lên để thay thế cho chính phủ của bà Yingluck.

 

Với quyết tâm đánh đổ chính phủ được bầu lên một cách dân chủ của bà Yingluck, các nghị sĩ đối lập của Thái Lan hôm qua (8/12) đã đồng loạt từ chức khỏi Quốc hội, khiến tình hình trở nên nghiêm trọng và bế tắc hơn.

 

Trước sức ép quyết liệt của phe đối lập và những người biểu tình, nữ Thủ tướng Yingluck sáng nay đã lên truyền hình tuyên bố giải tán Hạ viện và chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm. Tuy nhiên, phe đối lập nhanh chóng phản bác, nói rằng giải tán Hạ viện không phải là mục đích của họ mà cái mà họ hướng tới là lật đổ chính phủ của bà Yingluck, xóa bỏ hoàn toàn “chính quyền của ông Thaksin”.

 

Thái Lan sẽ bầu cử sớm vào ngày 2/2

 

Theo đề xuất của chính phủ, Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới. Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan – ông Teerat Ratanasevi cho biết, chính phủ đã quyết định chọn ngày 2/2 sau cuộc họp nội các diễn ra ngày hôm nay.

 

Kế hoạch tổ chức bầu cử sớm mà chính phủ của bà Yingluck còn cần phải đợi sự phê chuẩn chính thức của Ủy ban Bầu cử Thái Lan. Ủy ban này sẽ có cuộc gặp với chính phủ trong vài ngày tới để bàn bạc về kế hoạch nói trên.

 

"Ở giai đoạn này, khi có quá nhiều người từ nhiều nhóm phản đối chính phủ, cách tốt nhất là trao trả lại quyền lực cho nhân dân Thái Lan và tổ chức bầu cử sớm để người dân tự quyết định”, bà Yingluck cho biết.

 

Trong khi chính phủ Thái Lan nỗ lực tìm cách tổ chức một cuộc bầu cử sớm thì phe đối lập hoàn toàn không thích thú với viễn cảnh này. Các đảng phái thân ông Thaksin đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử trong thời gian hơn một thập kỷ qua trong khi Đảng Dân chủ đối lập không có bất kỳ cơ hội chiến thắng nào. Đây là lý do giải thích tại sao phe đối lập muốn tránh một cuộc bầu cử dân chủ.

 

Giới chức Đảng Dân chủ Thái Lan hôm nay cho biết, họ vẫn chưa quyết định có tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới hay không. Cuộc tổng tuyển cử này bắt buộc phải được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi Hạ viện bị giải tán.

 

"Những người biểu tình muốn chiếm chính phủ. Họ không muốn cạnh tranh nghiêm túc với chính phủ bởi họ luôn thua trong những cuộc cạnh tranh như vậy”, ông Thitinan Pongsudhirak – Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh ở trường Đại học Chulalongkorn, Bangkok , nhận định.

 

"Nếu họ thành công, chúng ta sẽ phải đối mặt thêm với nhiều sự hỗn loạn và khủng hoảng nữa ở đất nước Thái Lan bởi những người ủng hộ chính phủ còn gọi là phe áo đỏ sẽ vùng lên. Phe áo đỏ chắc chắn sẽ phải rất tức giận trước sự thay đổi như vậy”, ông Thitinan nói thêm.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc