Vì Nga, Ukraine khiến phương Tây “bẽ mặt”

14:51, 22/11/2013
|

(VnMedia) - Chính phủ Ukraine hôm qua (21/11) đã quyết định tạm ngừng hoạt động chuẩn bị cho lễ ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong tuần tới.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Theo sắc lệnh được chính phủ Ukaine đưa ra, nước này đã hoãn tiến trình trên vì lợi ích “an ninh quốc gia” và sẽ phân tích đầy đủ ảnh hưởng của thoả thuận đó đối với quan hệ kinh tế của Ukraine với các nước thành viên thuộc Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (CIS) và Nga.

Kiev sẽ “làm mới lại cuộc đối thoại tích cực” với Nga cũng như với các thành viên của Liên minh Thuế quan do Moscow dẫn đầu và nhóm các nước thuộc CIS, sắc lệnh của chính phủ Ukraine cho biết.
 
"Ukraine đã tạm ngừng tiến trình chuẩn bị cho đến khi chúng tôi tìm được cách để ngăn chặn sự sụt giảm trong sản xuất công nghiệp do tình trạng giảm xuất khẩu sang các nước thành viên Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập”, Phó Thủ tướng Ukraine Yuri Boyko đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo diễn ra sau cuộc họp nội các.
 
Động thái gây choáng váng trên được Kiev đưa ra ngay sau khi Quốc hội nước này bác bỏ một loạt dự luật làm hài lòng Liên minh Châu Âu (EU) bằng cách cho phép cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko ra khỏi tù và đến Đức điều trị bệnh.
 
Việc cựu nữ Thủ tướng Tymoshenko phải ngồi tù bị một số nước coi là hành động lạm dụng quyền lực vì động cơ chính trị và nó đã trở thành một trong những ngáng trở chính đối với nỗ lực tham gia vào Liên minh Châu Âu (EU) của Ukraine.
 
Liên minh gồm 28 thành viên đã kêu gọi chính phủ Ukranie phóng thích bà Tymoshenko như một điều kiện để ký kết một thoả thuận liên kết giữa hai bên và một hiệp ước thương mại tự do tại một hội nghị thượng đỉnh của EU dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến 29/11 ở thủ đô Vilnius của Lithuanian.
 
Mặc dù tạm ngừng việc ký kết các thoả thuận chính trị và thương mại với EU nhưng Tổng thống Ukraine – ông Yanukovych, đang có chuyến thăm đến Áo, cho biết, Kiev sẽ “tiếp tục nỗ lực để gia nhập Châu Âu”. Tuy nhiên, ông này không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
 
Kiev đề xuất thiết lập một uỷ ban ba bên đặc biệt để đánh giá ảnh hưởng của thoả thuận thương mại mà nước này định ký kết với EU đối với nền kinh tế của Ukraine cũng như giải quyết các vấn đề thương mại giữa Ukraine, Nga và EU.
 
Ý định của Ukraine trong việc ký kết các thảo thuận được đàm phán lâu nay với EU đã khiến mối quan hệ giữa Kiev và các đối tác Đông Âu trở nên xấu đi trong những tháng gần đây. Nga đã đe doạ áp đặt các biện pháp giới hạn về thương mại nếu Ukraine ký kết các thoả thuận với EU.
 
EU, Mỹ thất vọng não nề
         
Sụ “quay ngoắt 180 độ” đột ngột của Kiev diễn ra chỉ một tuần trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác Đông Âu lần thứ ba của EU chính thức khai mạc ở thủ đô Vilnius của Lithuanian. Trong hội nghị này, theo kế hoạch dự kiến trước đó, EU và Ukraine sẽ ký  kết thoả thuận liên kết giúp mở rộng hơn nữa con đường gia nhập vào thị trường EU của Ukraine.
 
Phản ứng trước hành động có phần “phũ phàng” và bất ngờ của Ukraine, cả EU và Mỹ đương nhiên không tránh khỏi cảm giác “bẽ bàng”.
 
EU hôm qua đã bày tỏ “sự thất vọng” về quyết định của Ukraine trong việc tạm ngừng các cuộc đàm phán với khối liên minh Châu Âu về một thoả thuận thương mại và chính trị có tính lịch sử giữa hai bên.
 
"Đây là một điều gây thất vọng không chỉ cho EU mà chúng tôi tin là cho cả người dân Ukraine”, Cao uỷ Chính sách Đối ngoại của EU - bà Catherine Ashton cho biết trong một tuyên bố.

Theo bà Ashton, việc ký kết thoả thuận “sẽ giúp đem lại một cơ hội có một không hai để đảo ngược xu hướng sụt giảm đầu tư nước ngoài trực tiếp gây thất vọng vào Ukraine và sẽ đem đến động lực cho các cuộc đàm phán về một thoả thuận dự phòng mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)".
 
"Chúng tôi tin rằng, tương lai của Ukraine nằm ở mối quan hệ phát triển mạnh mẽ với EU và chúng tôi vẫn kiên định giữ vững cam kết đảm bảo với nhân dân Ukraine rằng, họ là “những người được hưởng lợi chính” từ sự “tăng cường tự do và thịnh vượng”, tuyên bố của EU đã viết như vậy.
 
Trong một tuyên bố riêng rẽ khác, hai đặc phái viên của Quốc hội Châu Âu – cựu Chủ tịch Quốc hội Châu Âu Pat Cox và cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski, đều bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc trước quyết định đơn phương" của Kiev.
 
Hai vị quan chức trên cho rằng, sự thay đổi bất ngờ của Ukraine có phần là do sức ép mạnh mẽ từ Nga. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
 
Cùng với EU, Mỹ hôm qua cũng tỏ ra rất thất vọng trước quyết định của Ukraine trong việc từ bỏ thoả thuận với EU.
 
“Nếu quyết định đó là quyết định cuối cùng của chính phủ Ukraine trước hội nghị ở Vilnius thì chúng tôi rất thất vọng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki cho biết tại một cuộc họp báo. Nữ phát ngôn viên này phát biểu: “Chúng tôi tin rằng, có nhiều thời gian để chúng ta cùng nhau giải quyết tất cả những vướng trở còn lại để hướng tới việc ký kết một thoả thuận liên kết ở Vilnius bằng sự nỗ lực và cam kết của mình”.
 
Trong khi quyết định của Ukraine khiến Mỹ và phương Tây thất vọng não nề thì với giới phân tích, quyết định này là một chiến thắng mới của chính quyền Tổng thống Putin trên chính trường ngoại giao.
 
Chiến thắng trên cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga. Ukraine là “đối tác phương đông” thứ hai trong 4 đối tác dự kiến ký thoả thuận với EU bất ngờ bỏ ngang tiến trình này. Trước đó, hồi tháng 9, Armenia cũng từng khiến giới lãnh đạo EU choáng váng khi đột ngột tuyên bố từ bỏ thoả thuận liên kết với liên minh này để gia nhập vào liên minh thuế quan của Nga. Chỉ có Gruzia và Moldova được cho là sẽ ký kết những thoả thuận liên kết tương tự với EU trong hội nghị ở Vilnius tuần tới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc