"Tương lai của Mỹ ở châu Á”

19:09, 22/11/2013
|

(VnMedia) - “Không nơi nào mà những thách thức và cơ hội đối mặt với chúng ta lại lớn như ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai năm trước, khi đặt ra tầm nhìn của ông về vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực, Tổng thống Obama nói: ‘Châu Á sẽ có vai trò chủ yếu trong việc xác định liệu thế kỷ phía trước sẽ có điểm nhấn là xung đột hay hợp tác, đau khổ không đáng có hay tiến bộ của con người’”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - bà Susan E. Rice đã phát biểu như vậy trước các sinh viên của trường Đại học Georgetown ở thủ đô Washington hôm 20/11.
 

Ảnh minh họa

 Bà Susan Rice


“Vì vậy, tái cân bằng hướng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Dù có bao nhiêu điểm nóng xuất hiện ở những nơi khác đi nữa, chúng ta sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm cam kết lâu dài của chúng ta đối với khu vực quan trọng này. Bạn bè của chúng ta ở châu Á xứng đáng và sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm cao nhất của chúng tôi”, bà Rice nhấn mạnh.
 
Để chứng minh cho sự quan tâm của Mỹ đối với Châu Á, bà Rice đã đưa ra một loạt dẫn chứng về những chuyến công du liên tiếp của một loạt các nhà lãnh đạo Mỹ đến các nước trong khu vực. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công du tới Châu Á nhiều lần và sẽ trở lại khu vực này trong vài tuần nữa. Bộ trưởng Thương mại Pritzker và Đại diện Thương mại Froman dẫn đầu các phái đoàn quan trọng của Mỹ cũng đã đến Châu Á vào tháng trước. Tiếp đó, Phó Tổng thống Biden sẽ tới thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào đầu tháng 12 sắp tới.
 
Đề cập đến quyết định gây thất vọng của Tổng thống Obama trong việc hủy bỏ chuyến đi đến châu Á vào tháng 10 vừa rồi, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thông báo, ông chủ Nhà Trắng đã có hành động “sửa lỗi” khi lên kế hoạch trở lại châu Á vào tháng 4 tới để tiếp tục củng cố mối quan hệ của siêu cường số 1 thế giới với khu vực.
 
Bà Rice cũng đã nói đến những điều mà Mỹ mong muốn đạt được ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong ba năm tới đây. “Trên hết, mục đích của Mỹ là thiết lập một môi trường an ninh ổn định hơn ở châu Á, một môi trường kinh tế mở và minh bạch, và một môi trường chính trị tự do tôn trọng các quyền phổ quát và các  quyền tự do của tất cả mọi người”.
 
Tăng cường an ninh
 
Về an ninh, Mỹ coi đây là vấn đề nền tảng cho mọi tiến bộ ở mọi khu vực. Để làm cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên an toàn hơn, Mỹ tin rằng việc họ thiết lập và thắt chặt liên minh với các nước trong khu vực là điều rất quan trọng. Các liên minh đó sẽ được hiện đại hóa để đương đầu với những thách thức của thời đại.
 
Ngoài ra, Mỹ còn phải củng cố vị thế của lực lượng nước này ở Châu Á. Đến năm 2020, 60% hạm đội của Mỹ sẽ đóng ở Thái Bình Dương, và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ sẽ có được thêm những năng lực thế mạnh hàng đầu của Mỹ.
 
Trong những mối quan hệ an ninh mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhắc tới có mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Philippines.
 
Cụ thể, bà Rice cho biết, vào năm tới, Mỹ sẽ hoàn thành việc xem xét lại lần thứ nhất các định hướng quốc phòng song phương với Nhật Bản trong hơn 15 năm. Nhật Bản vừa thành lập Hội đồng an ninh Quốc gia đầu tiên của nước này và Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ với đối tác Nhật Bản trong việc giải quyết những thách thức khu vực và toàn cầu.
 
Tại Hàn Quốc, Mỹ đang tăng cường năng lực quân sự của liên minh với quốc gia Châu Á này để đảm bảo rằng các lực lượng kết hợp của hai nước có thể ngăn chặn và giáng trả thích đáng các hành động khiêu khích của Triều Tiên.
 
Với Australia, “chúng ta đưa quân đội của mình áp sát hơn bằng cách luân chuyển Thủy quân Lục chiến qua Darwin và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như phòng thủ tên lửa, an ninh mạng và không gian. Và chúng ta đang làm nhiều hơn với Thái Lan và Philippine để xử lý an ninh hàng hải và phòng chống thiên tai. Để đa dạng hóa mạng lưới các mối quan hệ an ninh trong khu vực, chúng ta đang tăng cường hợp tác ba bên với các đồng minh và các đối tác an ninh của mình và khuyến khích họ hợp tác chặt chẽ hơn với nhau”, bà Rice cho hay.
 
Đề cập đến quan hệ với Trung Quốc, bà Rice cho rằng, Mỹ và Trung Quốc cần tìm cách đưa vào vận hành một mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc. Điều này có nghĩa là phải quản lý sự cạnh tranh không thể tránh khỏi trong khi xây dựng sự hợp tác sâu sắc hơn về các vấn đề mà lợi ích của cả hai nước đều hội tụ ở đó - ở Châu Á và trên bình diện rộng hơn.
 
Nói đến vấn đề an ninh, Mỹ chắc chắn không thể bỏ qua các cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - bà Rice, có một mối đe dọa ngày càng lớn đối với hòa bình, an ninh của khu vực Châu Á cũng như lợi ích của Mỹ, đó là sự gia tăng các tranh chấp biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
 
“Chúng tôi mong muốn giúp các chính phủ trong khu vực có thể giao tiếp được với nhau tốt hơn cốt để các sự cố trên biển không vô tình châm ngòi cho những cuộc xung đột rộng lớn hơn. Chúng ta khuyến khích tất cả các bên không cưỡng ép cũng như gây hấn và hãy theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình tuân theo luật pháp và các chuẩn mực quốc tế thông qua việc lập ra các tiến trình hòa bình, ngoại giao để ngăn chặn các cuộc xung đột trên biển”, bà Rice nói.
 
Theo vị nữ quan chức cấp cao Mỹ, “bước đi đầu tiên tốt đẹp cần có chính là một Bộ quy tắc Ứng xử Biển Đông. Các quốc gia và các tổ chức khu vực châu Á-Thái Bình Dương quản lý các tranh chấp này như thế nào sẽ báo hiệu họ có khả năng ra sao trong việc định hình tương lai an ninh chung của chính những nước đó”.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc