(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (28/11) đã ra lệnh cho các chiến đấu cơ bay vào vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông mà nước này vừa tuyên bố thành lập. Động thái trên diễn ra ngay sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tiếp cho máy bay quân sự bay nghễu nghện qua bầu trời biển Hoa Đông để thách thức những quy định về vùng phòng không mà Bắc Kinh vừa đưa ra hồi cuối tuần trước.
![]() |
Khu vực biển chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua |
Tờ Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Không quân Trung Quốc – ông Shen Jinke cho biết, họ đã cử một loạt phi cơ chiến đấu cùng với một máy bay cảnh báo sớm đi thực hiện những chuyến bay tuần tra ở vùng nhận diện phòng không của nước này.
Bản tin trên hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc không cho biết cụ thể, chính xác khi nào những chiếc máy bay chiến đấu của nước này được cử đi và liệu chúng có gặp bất kỳ máy bay nước ngoài nào ở trong khu vực hay không. Trước đó, cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho biết, các máy bay quân sự của họ đã bay qua vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc mà không gặp bất kỳ phản ứng nào từ phía Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Shen miêu tả, chuyến bay tuần tra ngày hôm qua của Lực lượng Không quân Trung Quốc là “một biện pháp phòng vệ và phù hợp với thông lệ quốc tế chung”. Ông này tuyên bố, Không quân Trung Quốc vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao và sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ không phận của nước này.
Trong khi việc Trung Quốc bất ngờ thông báo thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không biển Hoa Đông hồi tuần trước khiến khu vực trở nên căng thẳng thì giới phân tích nhận định động cơ của Trung Quốc trong việc lập vùng phòng không không phải là để gây ra một cuộc đối đầu trên không mà phần nhiều là nằm trong chiến lược lâu dài để nước này khẳng định chủ quyền ở vùng lãnh thổ tranh chấp với Nhật Bản.
Việc Trung Quốc không có động tĩnh gì nhằm ngăn chặn những chuyến bay thách thức của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, là một sự muối mặt đối với Bắc Kinh. Thậm chí một số tờ báo Trung Quốc hôm qua đã cho rằng, Bắc Kinh có thể đã xử lý sai lầm những tình huống quan trọng.
"Bắc Kinh cần phải thực hiện cuộc cải cách trong cơ chế cung cấp thông tin để có thể giành chiến thắng trong các cuộc chiến tâm lý mà Washington và Tokyo khơi mào”, tờ Thời báo Hoàn cầu – một ấn bản của tờ Nhật báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết như vậy.
Không hề thông báo từ trước, Bắc Kinh hôm thứ Bảy tuần trước (23/11) đột ngột đưa ra yêu cầu đòi các máy bay nước ngoài đi qua vùng phòng không mà họ vừa thành lập phải cung cấp nhận dạng cho phía Trung Quốc và chấp nhận những chỉ dẫn của Trung Quốc nếu không muốn phải đối mặt với những hậu quả ở biển Hoa Đông. Điều đáng nói ở đây là vùng phòng không của Trung Quốc bao trùm cả khu vực tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khi bị thử thách bởi chuyến bay của hai chiếc máy bay ném bom của Mỹ, Bắc Kinh chỉ cho biết một cách muộn màng rằng, họ đã giám sát chuyến bay này nhưng không áp dụng thêm bất kỳ biện pháp gì. Mỹ đã làm đúng như những gì họ tuyên bố là không thừa nhận vùng phòng không của Trung Quốc và không tuân theo những quy định mà Trung Quốc đưa ra. Trong khi đó, Bắc Kinh lại không làm theo đúng những gì họ tuyên bố là sẽ áp dụng các biện pháp an ninh khẩn cấp nếu máy bay nước ngoài qua vùng phòng không mà không thực hiện các quy định họ đưa ra.
Tiếp theo hành động trêu ngươi của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thách thức vùng phòng không của Trung Quốc. Quân đội Hàn Quốc hôm qua (28/11) cho biết, các máy bay của họ tuần này đã bay qua vùng phòng không mà không thông báo cho Trung Quốc và họ cũng không gặp sự can thiệp hay trở ngại nào. Nhật Bản cũng cho biết, máy bay của họ vẫn tiếp tục bay qua khu vực sau thông báo của Trung Quốc.
Hoài nghi năng lực của Trung Quốc
Giới phân tích thậm chí còn hoài nghi về năng lực kỹ thuật của Trung Quốc trong việc thực thi các quy định trong vùng phòng không bởi cường quốc Châu Á này thiếu máy bay cảnh báo sớm cũng như yếu về khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, hành động lập vùng phòng không của Trung Quốc thực chất chỉ là một trò chơi chính trị với kế hoạch lâu dài là tiến dần tới việc giành được sự công nhận về quyền kiểm soát của họ đối với những khu vực mà họ đang tranh chấp với Nhật Bản. Ban đầu là từ việc gây căng thẳng bằng những lời cảnh báo rồi dần dần tiến đến áp dụng các hành động cụ thể, Trung Quốc được cho là muốn phá vỡ thế nguyên trạng ở biển Hoa Đông, muốn phá vỡ quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư để tiến tới xác lập chủ quyền với khu vực này.
"Liên quan đến những gì đang diễn ra trong khu vực, trong một thời gian trước mắt, sẽ không có gì xảy ra. Sau đó, vùng phòng không đó dần dần sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt hơn. Phía Nhật Bản tiếp tục phản đối nhưng không có mấy tác dụng. Chiến lược của Trung Quốc dần làm Nhật Bản mệt mỏi và cuối cùng là thế nguyên trạng ở đó bị phá vỡ”, bà June Teufel Dreyer – một chuyên gia về Trung Quốc ở trường Đại học Miami, đã nhận định như vậy.
Nhiều nhà phân tích tin rằng, việc thiết lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông trên thực chất chỉ là một nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tranh giành quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với phía Nhật Bản.
Ý kiến bạn đọc