Trung Quốc khoe máy bay chiến đấu không người lái

07:15, 24/11/2013
|

(VnMedia) - Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm 22/11 đưa tin, nước này đã lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình không người lái. Một số bức ảnh được công bố trên mạng cho thấy, vũ khí mới của Trung Quốc giống với chiếc máy bay ném bom B2 của Mỹ nhưng nhỏ hơn. Bắc Kinh tin rằng, họ đang tiến gần hơn tới công nghệ vũ khí ngang bằng với phương Tây.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh máy bay chiến đấu tàng hình không người lái của Trung Quốc


Theo báo chí và các trang web quân sự của Trung Quốc, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình không người lái mang tên Lijian (Thanh Gươm Sắc bén) của nước này đã diễn ra thành công hôm 21/11 ở khu vực phía tây nam. Chuyến bay thành công này đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 4 bay thử thành công một phương tiện không người lái tàng hình.
 
Chuyến bay thử nghiệm kéo dài gần 20 phút, website cjdby.net – một diễn đàn quân sự của Trung Quốc cho biết. Thông tin này sau đó đã được đăng tải lại trên một loạt tờ báo như Nhật báo Nhân dân, Tân Hoa Xã và Bưu Điện Buổi sáng Hoa Nam.
 
Trong những bức ảnh được công bố đầu giờ chiều hôm 21/11,  người ta thấy hình ảnh chiếc máy bay không người lái một động cơ, có cánh hình tam giác đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm.
 
Lijian được thiết kế và chế tạo cho nhiệm vụ chiến đấu, do thám và truy đuổi đối phương. Nó sẽ được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Không quân và Hải quân Trung Quốc, một cựu Thiếu tướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) – ông Xu Guangyu cho biết. Ông này hiện đang là một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc.
 
"Chiếc máy bay Lijian có khả năng bay ở độ cao rất cao mà không bị phát hiện trong khi vẫn cung cấp được những hình ảnh có độ phân giải cao và các thông tin tình báo khác. Loại máy bay mới có thể theo sát được mọi diễn biến trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó giúp Bắc Kinh đưa ra những quyết định chính xác trong việc đối phó với các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với những nước láng giềng trong khu vực”, ông Xu đã nói như vậy trên tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam.
 
Trong khi đó, ông Wang Ya’nan, Phó Tổng Biên tập tạp trí Kiến thức Hàng không, tin rằng, Lijian là vũ khí lý tưởng trên biển. "Tôi cho rằng, quy mô và năng lực kỹ thuật của máy bay Lijian có thể khiến nó trở thành một sự lựa chọn thích hợp cho Hải quân nếu nó được lựa chọn hoạt động trên tàu sân bay”.
 
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình không người lái mang tên “Thanh Gươm Sắc bén” là một bước tiến thêm nữa trong chương trình tăng cường sức mạnh quân sự kéo dài nhiều năm qua của Trung Quốc. Chương trình này được đầu tư bởi nguồn ngân sách quốc phòng tăng liên tiếp ở mức hai con số trong nhiều năm và đang là mức chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới.
 
Tờ China Daily khoe khoang rằng: "Chuyến bay thành công trên đã cho thấy, Trung Quốc đang lại tiếp tục thu hẹp khoảng cách về sự chênh lệch trong sức mạnh trên không giữa nước này với các quốc gia phương Tây. Tờ báo này nói thêm rằng, sự có mặt của Lijian giúp Trung Quốc trở thành “cường quốc thứ tư có thể đưa máy bay tàng hình không người lái lên bầu trời”, sau Mỹ, Anh và Pháp.
 
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc – CCTV còn ca ngợi chuyến bay thử nghiệm nói trên là “một bước nhảy vọt của Trung Quốc từ máy bay không người lái đến máy bay chiến đấu không người lái".
 
Chuyên gia quân sự ở Hồng Kông Andrei Chang cho rằng, bằng cách chế tạo một máy bay chiến đấu không người lái hạng nặng, Trung Quốc đã đạt được một bước ngoặt mà ít nước đạt được. Tuy vậy, theo ông Chang, thiết kế của máy bay chiến đấu không người lái của Trung Quốc “có vẻ như hơi ngây thơ”. Không giống như phiên bản Mỹ, động cơ của máy bay Trung Quốc dường như bị lộ, điều đó sẽ khiến giảm khả năng tàng hình của loại vũ khí mới này, ông Chang – Tổng Biên tập của Tạp chí Quốc phòng Kanwa nhận định. Ông này cũng nói thêm rằng, Trung Quốc không có “đủ kinh nghiệm” trong lĩnh vực thiết kế loại máy bay chiến đấu không người lái.
 
Bắc Kinh đang từng bước củng cố sức mạnh quân sự và đã trình làng chiếc máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên – J-20 vào đầu năm 2011. Mặc dù vậy, chiếc máy bay này được cho là sẽ chưa được đưa vào biên chế trong quân đội cho đến năm 2018.
 
Hồi tháng 9 năm ngoái, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – một con tàu được nâng cấp lại từ một chiếc tàu cũ được mua lại từ Ukraine, đã được đưa vào biên chế của PLA. Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay mà Trung Quốc coi là niềm tự hào này cũng chưa thể hoạt động đầy đủ đúng như chức năng của nó trong nhiều năm nữa.
 
Có thể nói, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến trong quá trình thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí mới. Tuy nhiên, những vũ khí đó thường chưa tạo được niềm tin của giới chuyên gia quân sự. Các chuyên gia đều cho rằng, phần lớn những vũ khí tối tân mà Trung Quốc trình làng trong thời gian qua đều không có được sức mạnh thực tế như tuyên bố.
 
Chưa kể, một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, phần lớn những vũ khí mà Trung Quốc tuyên bố chế tạo được đều là sản phẩm “sao chép” từ những phiên bản hiện đại của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc