Trung Quốc gửi cảnh báo sắc lạnh đến Nhật

08:03, 12/11/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc ngày hôm qua (11/11) đã lên tiếng cảnh báo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không được viện cái cớ coi Bắc Kinh như là một mối đe dọa, một đối thủ để tăng cường vai trò an ninh trong khu vực, nói rằng động thái đó là “một lựa chọn sai lầm và cũng là một tính toán sai lầm”.

 

Ảnh minh họa

Nhật Bản đang tập trận rầm rộ nhằm răn đe nước láng giềng Trung Quốc


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh trên khi được phóng viên đề nghị bình luận về những phát biểu gần đây của ông Abe cho rằng, sự nổi lên của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là những lý do chính khiến Tokyo phải thành lập một hội đồng an ninh quốc gia kiểu Mỹ.

 

"Nhật Bản đã khiêu khích Trung Quốc hết lần này đến lần khác. Nhật Bản thực sự đang muốn làm cái quái gì vậy?", ông Qin đã nói với giới phóng viên bằng những ngôn từ thể hiện sự khó chịu một cách bất thường như vậy.

 

"Nếu Nhật Bản cứ khăng khăng coi Trung Quốc là đối thủ thì đó sẽ là một sự lựa chọn sai lầm, và cũng là một tính toán sai lầm. Sẽ không có tương lai cho Nhật Bản”, ông Quin cảnh báo.

 

Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi vào một cuộc đối đầu cay đắng vì tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Căng thẳng bắt đầu bùng phát dữ dội từ sau sự kiện hồi năm ngoái khi chính quyền Tokyo mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp từ tay một người chủ sở hữu tư nhân.

 

Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Châu Á đã biến khu vực biển tranh chấp trở thành một trong những điểm nóng chứa đựng nhiều nguy cơ bùng phát xung đột nhất với tàu thuyền hai bên thường xuyên chơi trò “đuổi bắt” nguy hiểm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chiến đấu cơ Nhật Bản cũng thường xuyên đối đầu với máy bay quân sự Trung Quốc ở không phận trên vùng biển tranh chấp.

 

Phát ngôn viên Qin cáo buộc giới lãnh đạo Nhật Bản “đã trắng trợn thổi phồng cái gọi là thuyết về mối đe dọa Trung Quốc”. “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ nghiêm túc đối diện về lịch sử, đối mặt với thực tế, suy ngẫm về tương lai và theo đuổi con đường phát triển hòa bình thay vì nhào nặn vấn đề Trung Quốc ở mọi khía cạnh”.

 

"Nhật Bản nên nỗ lực nhiều hơn để tăng cường sự tin tưởng chung với các nước láng giềng và củng cố hòa bình, sự ổn định trong khu vực", ông Qin nói thêm.

 

Sở dĩ Bắc Kinh phải đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ và sắc lạnh trên là vì nước này đang thực sự lo ngại trước một loạt động thái quân sự cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Abe.

 

Kể từ khi lên cầm quyền hồi năm ngoái đến giờ, ông Abe đang tích cực thực hiện chính sách thúc đẩy, củng cố sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Mới đây nhất, Nhật Bản đã thành lập một hội đồng an ninh quốc gia giống của Mỹ với người đứng đầu chính là Thủ tướng Abe. Tokyo cũng đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự tối tân cũng như tăng cường huấn luyện lực lượng thông qua các cuộc tập trận rầm rộ.

 

Thủ tướng Abe gần đây tuyên bố, ông muốn thay đổi hiến pháp hòa bình, xây dựng một quân đội mạnh vừa để phục vụ mục đích bảo vệ đất nước vừa là để tìm kiếm một vai trò quân sự lớn hơn trên thế giới, thích hợp với vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế.

 

Nhật tập trận tên lửa ngay cửa ngõ Thái Bình Dương

 

Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, ngày hôm qua (11/11), quân đội Nhật Bản đã tổ chức các cuộc diễn tập bắn tên lửa đất đối hạm ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc diễn tập diễn ra trên một hòn đảo nằm ngay cửa ngõ Thái Bình Dương là một phần của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn đang khiến Trung Quốc bất an và lo ngại.

 

Nhật Bản đã bắt đầu khởi động một cuộc tập trận quân sự rầm rộ từ hôm 1/11, ngay sau khi Trung Quốc cũng vừa kết thúc một cuộc tập trận lớn bất thường. Cuộc tập trận của Nhật Bản sẽ kéo dài 18 ngày, kết thúc vào ngày 18/11 tới. Mục đích của hành động “phô trương sức mạnh” của phía Nhật Bản là nhằm để củng cố năng lực bảo vệ những vùng lãnh thổ xa xôi khi cuộc tranh chấp Trung-Nhật ở biển Hoa Đông đang tiếp tục leo thang không ngừng.

 

Không tên lửa nào được thực sự bắn đi trong cuộc tập trận ngày hôm qua nhưng người ta thấy những binh lính được ngụy trang đầy đủ của Nhật Bản đã diễn tập hoạt động chuẩn bị cho việc bắn đi những tên lửa SSM1 vào Trại Naha trên đảo Okinawa . Cuộc tập trận của Nhật Bản được theo dõi sát sao bởi giới báo chí, trong đó có đông đảo phóng viên Trung Quốc.

 

"Các cuộc diễn tập ngày hôm nay là nhằm huấn luyện các đơn vị của chúng tôi trong việc phối hợp tác chiến”, chỉ huy của trung đoàn tên lửa chống hạm thứ 4 của Nhật Bản cho biết.

 

Khoảng 34.000 binh lính, 6 tàu và 360 máy bay đang tham gia các cuộc diễn tập quân sự của Nhật Bản. Và cuộc tập trận lần này còn chứng kiến Nhật Bản triển khai những chiếc chiến đấu cơ tối tân F-15 và các hệ thống tên lửa đất đối không uy lực Patriot.

 

Okinawa là một khu vực rất có ý nghĩa đối với các tên lửa chống hạm bởi nó nằm về một bên chính ở eo biển có thể qua lại – nơi tàu Trung Quốc phải đi qua nếu muốn đi vào Thái Bình Dương.

 

Cuộc tập trận của Nhật Bản diễn ra đúng vào thời điểm Nhật Bản cùng một số nước Đông Nam Á đang có những quan ngại nhất định đối với sức mạnh quân sự ngày càng tăng lên của Trung Quốc, tham vọng tiến xa hơn ở Thái Bình Dương của Hải quân Trung Quốc cũng như việc nước này ngày càng trở nên quyết liệt, hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Mặc dù Tokyo khẳng định, các cuộc diễn tập rầm rộ của họ không nhằm vào nước nào cụ thể nhưng giới phân tích tin rằng, đó là một thông điệp cứng rắn mà Nhật Bản muốn gửi đến Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc