(VnMedia) - Cơ quan giám sát vũ khí hóa học quốc tế hôm qua (31/10) cho biết, Syria đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu “phá hủy chức năng” của toàn bộ các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học mà nước này đã kê khai. Như vậy, từ giờ trở đi Syria đã mất năng lực chế tạo vũ khí hóa học.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nhóm thanh sát viên của Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW) và Liên Hợp Quốc hôm qua xác nhận rằng, chính phủ Syria đã hoàn thành cam kết phá hủy chức năng của tất cả các thiết bị quan trọng trong toàn bộ các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học được nước này kê khai trước thời hạn mà Hội đồng Điều hành OPCW đặt ra vào ngày 1/11.
Trong tuyên bố chung được phát đi ngày hôm qua, OPCW và Liên Hợp Quốc cho biết, các thành sát viên của họ đã đến kiểm tra được 21 trong tổng số 23 địa điểm có vũ khí hóa học mà chính quyền Syria kê khai cho họ. Mặc dù việc tiếp cận hai địa điểm còn lại quá nguy hiểm nhưng các thiết bị chế tạo vũ khí hóa học ở đó đã được chuyển đến những địa điểm khác cho các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra.
“Phái đoàn chung của OPCW và Liên Hợp Quốc đã tiến hành thanh sát được 21 trong tổng số 23 địa điểm mà Syria kê khai và 39 trong số 41 cơ sở ở các địa điểm đó. Hai cơ sở còn lại chưa được thanh sát vì những lo ngại liên quan đến vấn đề an ninh và an toàn. Tuy nhiên, Syria tuyên bố, những địa điểm đó đã bị bỏ hoang và rằng tất cả những thứ liên quan đến chương trình vũ khí hóa học ở đó đều đã được chuyển đến các địa điểm có thể thanh sát”, tuyên bố của OPCW và Liên Hợp Quốc cho hay.
Cũng theo tuyên bố trên, “nhóm thanh sát viên quốc tế hiện đang rất hài lòng trước kết quả thanh sát cũng như chứng kiến hoạt động phá hủy toàn bộ các thiết bị chế tạo vũ khí hóa học. Trong bối cảnh tiến bộ đạt được, nhóm thanh sát viên sẽ không cần phải tiến hành thêm các hoạt động thanh sát, kiểm tra”.
Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã nhất trí phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học cũng như các cơ sở sản xuất loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này để tránh một chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhằm trừng phạt họ vì cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Giai đoan tiếp theo trong lịch trình mà Liên Hợp Quốc đưa ra là tiến tới hoàn thành việc phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria vào thời hạn giữa năm sau. Những vũ khí này bao gồm chất độc ipêrit, khí sarin – một chất độc gây tê liệt thần kinh mà chính quyền Mỹ cáo buộc quân của ông Assad sử dụng trong cuộc tấn công hồi cuối tháng 8 mới đây.
Hy vọng và hoài nghi
Trong khi một số chuyên gia miêu tả bước đi trên của chính quyền Syria là một dấu mốc quan trọng thì nhiều người khác lại cho rằng sự kiện đó chẳng có mấy ảnh hưởng khi mà Syria vẫn đang giữ trong tay một kho vũ khí hóa học lớn vẫn còn sử dụng được.
"Chỉ sau khi những vũ khí hủy diệt hàng loạt đó được phá hủy hoàn toàn hoặc được tháo bỏ khỏi sự kiểm soát của chính quyền Syria thì quá trình giải giáp vũ khí hóa học mới được hoàn thiện”, ông David Reeths – Giám đốc tổ chức HIS Jane's Consulting cho biết. Với việc hoàn thành giai đoạn ban đầu là thanh sát và phá hủy máy móc chế tạo vũ khí hóa học, nhiệm vụ khó khăn bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Ủy ban điều hành của Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng trước ngày 15/11 tới về việc làm cách nào để phá hủy vĩnh viễn chương trình vũ khí hóa học của Syria cũng như toàn bộ kho vũ khí hóa học chết người của quốc gia Trung Đông này.
Chưa rõ kho vũ khí hóa học của Syria sẽ được phá hủy như thế nào và ở đâu nhưng việc tiến hành công việc này ở ngay trong nước hay vận chuyển ra bên ngoài để phá hủy đều chứa đựng rất nhiều nguy cơ trong bối cảnh cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông vẫn diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng.
Chính quyền Syria được cho là đang sở hữu trong tay kho vũ khí hóa học lên tới 1.000 tấn. Tổng thống Assad đến nay đã đáp ứng mọi thời hạn được đưa ra trong lịch trình chặt chẽ mà Liên Hợp Quốc đưa ra trong kế hoạch phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Điều này đã cho thấy sự sẵn sàng của ông Assad trong việc đi xa hơn nữa nhằm tránh hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria.
"Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mong muốn của chính phủ Syria trong việc hợp tác và tuân thủ các cam kết đã đưa ra”, nghị sĩ Syria Issam Khalil cho biết. Ông này cũng nói thêm rằng, Syria “biết rất rõ rằng Mỹ sẽ không từ bỏ chính sách thù địch với Syria và sẽ tìm cách lợi dụng bất kỳ cái cớ nào dù nhỏ và không đáng kể để tiến hành một cuộc tấn công vào Syria”.
Bằng cách biến mình trở thành một đối tác trong quá trình thực hiện thỏa thuận hủy bỏ kho vũ khí hóa học do Nga đề xuất, Tổng thống Assad đã lấy lại được tính hợp pháp của mình trong khi phe nổi dậy Syria rơi vào thế tuyệt vọng. Điều này được thể hiện qua việc phe nổi dậy đang tìm cách cản trở tiến trình đàm phán tại hội nghị Geneva II sắp tới mà các cường quốc và Liên Hợp Quốc đang nỗ lực tổ chức nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc