Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Chuyên gia hoài nghi" nuôi tham vọng làm chủ Nhà Trắng

20:50, 20/11/2013
|

Luôn núp bóng sau Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden thời gian gần đây dường như cố gắng thể hiện những chỉ báo ngầm cho biết ông đang có ý định ra tranh cử tổng thống vào năm 2016. Ông có mặt tại một sự kiện gây quỹ của đảng Dân chủ, nói về giá trị bản thân và kêu gọi dư luận hãy ủng hộ "tổng thống tương lai". Hay chuyện Biden "vạ miệng" tự nhận là ông chủ Nhà Trắng cũng gây nhiều hoài nghi.

Thực ra, không quá khó hiểu về sự khao khát mãnh liệt này, bởi lẽ Joe Biden không có duyên với chiếc ghế tổng thống Mỹ sau khi thất bại hai lần trong các cuộc chạy đua tranh cử vào năm 1988 và 2008.

Những chỉ báo đầu tiên

Một trong những thông điệp sớm nhất Joe Biden gửi tới toàn thể người dân Mỹ ấy là một sự cố nhạy cảm và khá hy hữu diễn ra ngày 20/1/2013. Theo tường thuật của Reuters, phát biểu trước những người ủng hộ tại bang Iowa trong lễ nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II, ông Biden không rõ vô tình hay hữu ý, đã khẳng định rất hùng hồn: "Tôi tự hào là Tổng thống Mỹ". Lập tức khán giả bên dưới cười ồ lên và Tổng chưởng lý bang Delaware, ông Beau Biden - con trai ông Biden, phải lên tiếng sửa sai "đó chỉ là nói nhầm".

Ảnh minh họa

Và ít phút sau, chính Joe Biden đã ngượng ngùng đính chính rằng: “Ông tự hào là Phó Tổng thống Mỹ, và càng tự hào hơn khi được làm trợ lý của Tổng thống Barack Obama”.

Đây không phải lần đầu tiên ông Joe Biden nói hớ trước đám đông nhưng sự cố lần này của ông bất chợt làm người ta nghĩ tới việc ông đang gợi ý một kế hoạch chạy đua trong tương lai.

Mới đây, trong khi hầu hết các thành viên đảng Dân chủ Mỹ đang dồn sự chú ý tới cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để nghe ngóng kế hoạch của bà cho năm 2016, sự xuất hiện của Phó tổng thống Joe Biden tại sự kiện thường niên "Tom Harkin Steak Fry" lần thứ 36 ở bang Iowa có thể được xem như chỉ dấu cho tham vọng trở thành tổng thống của ông. Đây là sự kiện gây quỹ rất quan trọng của đảng Dân chủ, luôn được giới chính khách theo dõi sát sao bởi lẽ nó sẽ chọn ra các ứng viên tổng thống 4 năm một lần trước các cuộc họp kín của đảng ở Iowa, sự kiện bầu chọn đầu tiên cho mỗi chu trình bầu cử tổng thống.

Tất nhiên, Phó tổng thống Biden đã để ngỏ khả năng tham gia chạy đua giành đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, kế nhiệm ông Obama. Ông liên tục nhắc tới "năm 2016" trong các phát biểu, phớt lờ sự hiện diện của truyền thông quốc gia vốn đang có mặt để đưa tin. Biden ca ngợi tài năng lãnh đạo của Obama, bảo vệ cách thức Tổng thống điều hành nền kinh tế và xử lý khủng hoảng về vũ khí hóa học của Syria. Và Biden cũng không quên tự giành vài phút "khẳng định giá trị bản thân" và kêu gọi người dân hãy đặt niềm tin… vào ông!?

Nhiều người ở Washington tin rằng Joe Biden sẽ không tranh cử một khi Hillary Clinton tham gia cuộc đua, và việc bà thường xuyên xuất hiện trước công chúng có thể dễ dàng được hiểu là các hoạt động chuẩn bị cho một chiến dịch. Thế nhưng, hôm thứ năm tuần trước, Thượng nghị sĩ Harkin của đảng Dân chủ nói với các phóng viên rằng, Joe Biden có thể tìm thấy "mảnh đất màu mỡ" ở Iowa nếu ông quyết ra tranh cử năm 2016 song không phỏng đoán Clinton hay Biden sẽ chiếm ưu thế.

"Cả hai người họ đều được ưa thích ở Iowa. Điều này là chắc chắn. Nhưng còn rất nhiều thời gian từ nay đến năm 2015 khi mọi thứ mới thực sự bắt đầu vận hành", Thượng nghị sĩ Harkin nói.

Nhà vô địch môn "đối ngoại"?

Viết về Joe Biden, tạp chí New York Times cho rằng ông luôn giành được sự tin yêu từ công chúng và nhanh chóng khẳng định "giá trị kim cương" khi là nghị sĩ có thâm niên phục vụ lâu nhất trong Thượng viện. Từ khi còn rất trẻ, Joe Biden đã phục vụ cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện từ năm 1987-1995, chịu trách nhiệm về các vấn đề phòng chống tội phạm, các chính sách liên quan đến ma túy và quyền tự do công dân. Ông còn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhiệm kỳ năm 2001-2003 và 2007-2009.

Tháng 1/2009, ông được phái tới Pakistan và Afghanistan để tìm hiểu xem những gì cần phải giải quyết ở đó. Khi nhậm chức, ông Obama lại điều ông tới vùng Balkans, Liban, Gruzia và Ukraina để "chữa cháy" và đưa ra những lời trấn an. Tổng thống Obama còn yêu cầu ông đọc một bài diễn văn chiến lược trọng yếu ở Munich, nơi mà Biden đã đặt ra cụm từ "tái khởi động" để miêu tả kế hoạch phục hồi quan hệ với Nga. Từ đó, Biden nhanh chóng trở thành nhà chiến lược chủ đạo, "thầy cãi", và người thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Ngay khi nhiệm kỳ II của Barack Obama vừa mới bắt đầu, Joe Biden đã thể hiện vai trò và tầm ảnh hưởng mở rộng hơn hẳn so với nhiệm kỳ I, không chỉ ở Washington mà còn lấn sang cả lĩnh vực đối ngoại. Giới quan sát cho rằng, đó là vì xung quanh Tổng thống Obama hiện nay không còn ai là đối thủ của ông, chỉ toàn là đồng minh hoặc yếu cơ hơn.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông John Kerry suýt chút nữa đã bị bẽ mặt vì bị thủ lĩnh phe đối lập Syria tẩy chay cuộc gặp riêng tại Rome, Italia. Túng thế, Kerry đành phải cậy nhờ Phó tổng thống Joe Biden giúp giùm một tiếng nói. Chẳng mấy khó khăn, chỉ cần tiếng nói của ông Biden thì vấn đề được giải quyết xong ngay, và Ngoại trưởng Kerry đã nhận được cái gật đầu gặp mặt của lãnh đạo phe đối lập Syria, Moaz al-Khatib. Đó là một trong những trường hợp điển hình về khả năng vận dụng quan hệ cá nhân để đạt được mục đích việc công của Phó tổng thống Joe Biden.

Trong Nhà Trắng, khả năng này của Biden đang được thừa nhận như một biệt tài và người ta đánh giá nhờ biệt tài này mà phạm vi ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực đối ngoại sẽ còn được mở rộng hơn nữa.


(theo CAND)

Ý kiến bạn đọc