Phe nổi dậy Syria tàn sát lẫn nhau vì tiền và vũ khí

20:27, 17/11/2013
|

(VnMedia) - Thủ lĩnh phe nổi dậy Riad al-Ahmed không chết trong trận chiến với kẻ thù là quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad như nhiều chiến binh nổi dậy khác trong Quân đội Syria Tự do. Ông bị chính những “chiến hữu” của mình giết chết trong một cuộc tranh giành tiền bạc và vũ khí.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Khi cuộc nội chiến ở Syria ngày một trở nên khốc liệt thì các nguồn lực cung cấp cho phe nổi dậy Syria cũng ngày một cạn kiệt. Điều đó đã dẫn đến tình trạng các phe nhóm nổi dậy lao vào đấu đá, “huynh đệ tương tàn” để tranh giành nhau nguồn tài chính và vũ khí hạn hẹp. Cuộc tranh giành nguồn lực trong nội bộ phe nổi dậy ở khắp khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng tàn khốc. Các phe nhóm nổi dậy đang dùng đến chiến thuật bắt cóc lẫn nhau để đòi tiền chuộc và phần lớn số tiền này sẽ được họ dùng vào việc mua thêm vũ khí.

 

Ông Ahmed là một trong những người bị bắt cóc đòi tiền chuộc hồi tháng 1 đầu năm nay. Ngay sau khi bắt được ông Ahmed, những kẻ bắt cóc đã tung lên mạng một đoạn băng cực kỳ đáng sợ trong đó quay cảnh mắt ông này bị kéo lồi ra bên ngoài và chúng đòi tiền chuộc lên tới 400.000 USD. 3 tháng sau, tiền chuộc không được trả, ông Ahmed bị giết chết. Sau nhiều tuần cố gắng xác định nơi những kẻ bắt cóc giam giữa Ahmed, các thành viên trong nhóm nổi dậy của ông đã tìm thế thi thể của ông này ở khu vực rặng núi gần thành phố Jabal al-Akrad của Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài chục km.

 

Ahmed là cựu sĩ quan thuộc quân đội Syria đến từ Latakia. Ông này là một trong những lãnh đạo cấp cao nhất bị bắt cóc. Hàng chục những chiến binh ở cấp thấp hơn cũng đã bị bắt cóc ở khu vực biên giới kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng lên. Và hầu hết người ta chẳng biết được số phận của họ những ngày cuối cùng của cuộc đời.

 

“Suốt thời gian đó, tôi thường xuyên nghe mọi người nhắc nhở: 'Riad bị bắt cóc. Hãy cẩn thận nếu không bạn cũng có thể bị bắt cóc'. Tôi nghe rất nhiều tin tức về việc mọi người bị bắt cóc. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng biết về những người đó bởi không mấy khi bọn bắt cóc tung băng video như trường hợp của Riad”, phát ngôn viên Quân đội Syria Tự do – ông Jameel Saeb cho biết.

 

Mạng lưới thủ lĩnh cấp cao của phe nổi dậy phát động các chiến dịch ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên kể từ khi Ahmed đào ngũ năm 2011 và chạy đến Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với vợ và hai con. Tỉnh Hatay đã trở thành một nơi ẩn náu an toàn không chỉ cho người tị nạn Syria mà còn là một căn cứ chiến lược cho các chiến binh nổi dậy mua sắm vũ khí và chuyển đến cho lực lượng của mình ở chiến tuyến. Trước khi bị bắt cóc, Ahmed là thủ lĩnh của một trong những nhóm nổi dậy lớn nhất và có tổ chức nhất ở phía bắc Syria , còn được gọi là Binh lính Hòa bình. Nhóm nổi dậy này đã thiết lập trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2011 và mua một loạt vũ khí ở Thổ Nhĩ Kỳ để tuồn vào Syria.

 

Trong nhiều tháng liền, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trì hoãn không cùng tham gia với Ả-rập Xê-út và Qatar trong việc cung cấp vũ khí cho Syria, nói rằng Mỹ không biết đủ về phe nổi dậy và không muốn vũ khí của mình rơi nhầm vào tay những thành phần khủng bố, cực đoan. Tuy nhiên, vào tháng 6 mới đây, chính quyền Mỹ bất ngờ thông báo kế hoạch cung cấp vũ khí một cách hạn chế cho Quân đội Syria Tự do của Tướng Salim Idris và Hội đồng Quân sự Tối cao – một tổ chức gồm các thủ lĩnh của Quân đội Syria Tự do.

 

Tuy nhiên, giới tướng lĩnh nổi dậy cho biết, một số vũ khí được một số ít quân nổi dậy cất giữ trong khi nhiều vũ khí bị chặn trên đường hoặc bị bán lại để ngăn không cho chúng rơi vào tay những chiến binh cấp thấp dưới ô của Hội đồng Quân sự Tối cao.

 

Abu Ahmed – một cựu chỉ huy quân sự của chính quyền Tổng thống Assad ở thủ đô Damascus, hiện đang làm việc ở Reyhanli, Thổ Nhĩ Kỳ với nhiệm vụ chính là thu thập vũ khí và các nguồn cung cấp cho một nhóm các trung đoàn nổi dậy nằm dưới sự chỉ huy của Tướng Idris. Abu Ahmed cho biết, “cho đến thời điểm nay, không có bất kỳ chính phủ nào trang bị vũ khí cho phe nổi dậy một cách hoàn toàn”. Vì vậy, thay vào đó, họ mua vũ khí từ một số nhà buôn.

 

Trước tình trạng thiếu thốn tài chính và vũ khí trầm trọng như vậy, phe nổi dậy vốn được tập hợp bởi nhiều phe nhóm khác nhau với các mục đích khác nhau đã lao vào “cấu xé” lẫn nhau để tranh giành những thứ mà họ đang rất cần đó.

 

Các thành viên đối lập cho biết, nội bộ phe nổi dậy càng tranh giành nhau vũ khí, tiền bạc và ảnh hưởng thì tình hình càng trở nên nguy hiểm cho những người đang làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Và cuộc chiến kiểu huynh đệ tương tàn như vậy sẽ ngày một nghiêm trọng hơn khi mà phương Tây càng ngày càng chán ngán với lực lượng nổi dậy lắm mâu thuẫn, nhiều vấn đề. Nếu tiếp tục như vậy, phe nổi dậy sẽ không đánh mà tự hủy diệt.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc