Nữ Thủ tướng Thái xinh đẹp bị dồn vây tứ phía

08:17, 27/11/2013
|

(VnMedia) - Sau khi chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính làm “căn cứ” chính, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan tiếp tục bao vây, dồn ép một loạt trụ sở của các bộ khác gồm Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Du lịch, Bộ Giao thông... Lực lượng biểu tình tuyên bố đẩy mạnh chiến dịch của họ nhằm lật đổ cho bằng được chính quyền của nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra.

 

Ảnh minh họa

Những người biểu tình tiếp tục gây sức ép với Thủ tướng Yingluck


Những người biểu tình đã thách thức Luật An ninh Nội địa nghiêm khắc và chặt chẽ được áp dụng trên khắp thủ đô Bangkok từ chiều muộn ngày 25/11 sau khi lực lượng này xông vào chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

 

Ông Suthep Thaugsuban – thủ lĩnh các cuộc biểu tình và là cựu Phó Thủ tướng dưới thời chính phủ tiền nhiệm của bà Yingluck, đã kêu gọi những người biểu tình bao vây nhiều hơn nữa và chặt hơn nữa các tòa nhà chính phủ trong ngày hôm nay (27/11), không chỉ ở thủ đô Bangkok mà trên khắp đất nước. Mục đích của ông này là làm tê liệt hoạt động của chính quyền rồi từ đó lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck.

 

"Hãy đi đến từng bộ và đảm bảo rằng tất cả các bộ đó đều bị bao vây để họ không thể làm việc cho chính quyền của ông Thaksin”, ông Suthep đã kêu gọi như vậy trước hàng ngàn người biểu tình đang cố thủ trong Bộ Tài chính trong buổi tối ngày hôm qua (26/11).

 

Các nhân viên chính phủ đã phải rời bỏ nhiệm sở khi hàng ngàn người biểu tình bao vây một loạt bộ như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Du lịch và Bộ Giao thông. Diễn biến này đang đẩy đất nước Thái Lan vào tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng nhất kể từ năm 2010 đến giờ.

 

Những người biểu tình hôm qua tuyên bố sẽ tiếp tục khiến nhiều văn phòng, cơ quan chính phủ trên khắp cả nước phải đóng cửa nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck. Bản thân lãnh đạo cuộc biểu tình cũng lần đầu tiên công khai mục tiêu lật đổ bà Yingluck và chính phủ của bà để thay thế bằng một hội đồng không phải do dân bầu lên.

 

Ông Suthep tuyên bố, sự thay đổi là cần thiết để triệt tiêu tận gốc bộ máy chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – anh trai của bà Yingluck. "Loại bỏ chính quyền của ông Thaksin không phải là dễ. Các cuộc biểu tình có thể sẽ kéo dài hơn dự tính ban đầu là 3 ngày”, ông Suthep đã cho biết như vậy.

 

Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 và hiện đang phải sống lưu vong ở bên ngoài để trốn tránh án tù 2 năm vì tội tham nhũng. Mặc dù đã vắng bóng trên chính trường Thái Lan suốt 7 năm qua nhưng ông Thaksin vẫn là một nhân vật gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Ông được rất nhiều người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, những người dân ở các vùng nông thôn yêu mến, tôn thờ. Tuy nhiên, ngược lại, ông cũng bị rất nhiều người ghét cay ghét đắng. Đó là các thành phần thuộc tầng lớp hoàng gia, trung lưu....

 

Không phải vô cớ mà từ năm 2001 đến nay, các đảng phái thân Thaksin luôn luôn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Và phe đối lập chỉ có thể lên cầm quyền nhờ vào những cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền.

 

Nữ Thủ tướng Yingluck lên cầm quyền cũng nhờ phần lớn vào uy tín và sức ảnh hưởng rộng khắp của ông Thaksin. Tuy vậy, cũng chính ông này khiến cho chính phủ của bà Yingluck nhiều phe lao đao dù nữ Thủ tướng xinh đẹp đã khá thành công khi dẫn dắt đất nước Thái Lan đi qua một giai đoạn hòa bình lâu dài như vậy.

 

Cuộc chiến trên hai mặt trận

 

Làn sóng biểu tình chống chính phủ bắt đầu trỗi dậy trở lại sau khi Thủ tướng Yingluck đưa trở lại dự luật ân xá – một dự luật nhạy cảm bị phe đối lập cáo buộc là nỗ lực của chính phủ nhằm “rửa sạch tội” cho ông Thaksin và đưa ông này trở về nước. Dù Thượng viện Thái Lan đã bác bỏ dự luật trên nhưng phe đối lập vẫn tiếp tục gây sức ép nhằm tìm cách lật đổ chính quyền. Những người biểu tình bắt đầu xông vào chiếm giữ các tòa nhà chính phủ từ hôm thứ Hai đầu tuần (25/11).

 

Cảnh sát đã ra lệnh bắt giữ thủ lĩnh Suthep vì việc kích động người dân chiếm giữ các tòa nhà của chính phủ. Tuy vậy, cảnh sát Thái Lan cho biết, họ sẽ chưa thực hiện lệnh bắt giữ trên để thực hiện đúng cam kết không gây đối đầu, đụng độ với người biểu tình.

 

Trong khi cảnh sát cố tránh đối đầu với người biểu tình thì lực lượng này tiếp tục được đà tiến lên. Những người biểu tình tối qua đã phong tỏa các con đường gần Bộ Tài chính, bao vây hơn 10 xe tải của cảnh sát. Cuộc đối đầu này kéo dài đến qua nửa đêm.

 

Những người biểu tình cáo buộc nữ Thủ tướng Yingluck là “con rối” trong tay của anh trai.

 

Hiện tại, bà Yingluck đang phải đối mặt với cuộc chiến chính trị trên hai mặt trận. Một mặt là những buộc biểu tình rầm rộ trên khắp các đường phố và mặt kia là cuộc tranh luận bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Bà Yingluck đang phải tìm cách tự bảo vệ mình trước sự chỉ trích của các thành phần đối lập đang nhăm nhe tìm cách lật đổ bà.

 

Nữ Thủ tướng xinh đẹp đã kêu gọi các bên bình tĩnh và đề nghị đàm phán với giới thủ lĩnh của các cuộc biểu tình hiện nay. "Nếu chúng ta có thể ngồi xuống nói chuyện thì tôi tin, đất nước chúng ta sẽ trở lại bình thường”, bà Yingluck nói. Nữ Thủ tướng Thái tiếp tục cam kết sẽ không sử dụng vũ lực để ngăn chặn người biểu tình.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc