Những tên lửa và hệ thống pháo gây khiếp đảm của Nga

11:16, 20/11/2013
|

(VnMedia) - Nga hôm qua (19/11) đã kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng Pháo binh và Tên lửa thiện chiến hàng đầu trong quân đội nước này.

Nhân dịp đặc biệt đó, hãng tin RIA Novosti đã giới thiệu một loạt những hệ thống pháo binh và tên lửa tốt nhất của Nga đã và đang phục vụ trong quân đội Liên Xô trước đây cũng như quân đội Nga hiện nay. Với tư cách là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, các hệ thống tên lửa và pháo binh của Nga có thể khiến bất kỳ kẻ thù nào, kể cả cường quốc quân sự số 1 thế giới là Mỹ, cũng phải e dè, kiêng sợ.
 
1. Hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad
 
Pháo phản lực BM-21 Grad (Mưa đá) là một loại pháo phản lực Cachiusa do Liên Xô chế tạo. Nó được đưa vào sử dụng trong quân đội từ đầu những năm 1960. Loại pháo này được thiết kế để có thể tàn phá toàn bộ một khu vực rộng lớn với chất nổ cực mạnh. Với số ống phóng lên tới 40, có cơ chế bắn đồng loạt, 1 tiểu đoàn BM-21 có thể nã 720 quả đạn trong vòng 20 giây và sau đó rút thật nhanh trước khi đối phương kịp phản ứng. 

Ảnh minh họa


Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết trong một bản báo cáo rằng, bất kỳ quả rocket nào được phóng đi từ hệ thống BM-21 Grad đều có thể gây ảnh hưởng đến một khu vực tam giác rộng 54.000 mét vuông. 

Với lý do trên, BM-21 là pháo phản lực thành công lớn trên thị trường xuất khẩu vũ khí khi có mặt trong biên chế quân đội của gần 70 quốc gia. Nó là hệ thống pháo phản lực phổ biến nhất thế giới.
 
Ngày nay, BM-21 bản nâng cấp được thiết kế để tiêu diệt binh lính đối phương cả trong và ngoài công sự, phá hủy phương tiện xe bọc thép hạng nhẹ hay xe tăng, pháo cối các loại ở các bãi tập kết, các máy bay trực thăng hay cánh cố định trên bãi đáp, bộ phận chỉ huy và nhiều mục tiêu khác. Thậm chí, BM - 21 Grad cũng có thể dùng để rải mìn.
 
2. Hệ thống pháo phản lực đa nòng hạng nặng BM-30 Smerch
 
Hệ thống BM-30 Smerch ("Cơn lốc") ra đời từ năm 1987 và hiện vẫn đang phục vụ trong quân đội Nga. Hệ thống này bao gồm 12 ống phóng đạn tên lửa cỡ 300 mm được đặt trên khung xe 8x8. BM-30 có thể phóng hết 12 quả đạn của mình trong 38 giây và bắn loạt thứ hai sau 36 phút. Đạn của BM-30 có loại dài tới 7,6m, do đó tầm bắn được nâng lên đáng kể. Biến thể Smerch-M có tầm bắn tối đa lên tới 90km, vượt xa so với hầu hết các loại pháo binh truyền thống.

Ảnh minh họa


Bên cạnh tính cơ động, khả năng chế áp, những cải tiến không ngừng về đạn giúp nâng độ chính xác, mở rộng nhiệm vụ của pháo phản lực, uy thế của hệ thống vũ khí BM-30 Smerch ngày càng cao.

3. Pháo tự hành 2S1 Gvozdika 122-mm
 
2S1 Gvozdika là một loại pháo tự hành của Liên Xô được phát triển vào đầu những năm 1970 và được sản xuất cho đến năm 1991.

Ảnh minh họa


Pháo tự hành 2S1 Gvozdika có nhiệm vụ tiêu diệt và chế áp lực lượng cơ động, các hỏa điểm của bộ binh, phá hủy các loại công sự dã chiến, vượt qua các bãi mìn, các chướng ngại vật (hàng rào thép gai), đấu lại các loại pháo, súng cối và phương tiện bọc thép của đối phương.

4. Pháo hạng nặng mặt đất 152mm 2A36 Giatsint 
 

Ảnh minh họa

2S5 Giatsint-S là một loại pháo tự hành 152 mm của Nga được trang bị hệ thống bảo vệ xạ-sinh-hóa. 2S5 Giatsint-S bắt đầu được sản xuất vào năm 1976 cùng với phiên bản của pháo 2A36 Giatsint-B.
 
5. Hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường siêu âm 9M123 Khrizantema 
 

Ảnh minh họa

9M123 Khrizantema (AT-15 Springer) là một tổ hợp tên lửa chống tăng hiện đại được Nga chế tạo vào giữa những năm 1990. Loại vũ khí này được đưa vào phục vụ trong biên chế quân đội Nga năm 2005. Khrizantema được thiết kế nhằm tiêu diệt các loại xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ hiện nay và tương lai, như M1A2 và Leopard 2, và cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu bay chậm và thấp như trực thăng. Loại tên lửa chống tăng đa năng này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
 
6. Pháo tự hành 2S19 Msta-S 
 

Ảnh minh họa


2S19 Msta-S được phát triển từ cuối những năm 1980 và được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1989. Hệ thống pháo này có tầm bắn 29km và có thể kéo dài tầm bắn lên 36km bằng đạn tăng tầm.
 
2S19 Msta-S là loại pháo tự hành hiện đại nhất của quân đội Nga hiện tại, sử dụng khẩu pháo cỡ nòng 152mm có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau. Về phương châm hoạt động, tính năng lẫn thiết kế thì 2S19 Msta-S khá giống với các loại pháo tự hành phương Tây như PzH 2000 của Đức hay M109 Paladin của Mĩ dựa trên bộ khung bánh xích. Hàng trăm chiếc xe pháo tự hành Msta-S đã được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga và một số quốc gia khác như Belarus, Venezuela, Azerbaijan,…
 
7. Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật cơ động 9K720 Iskander  

9K720 Iskander (SS-26 Stone) là tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật tầm ngắn cực kỳ lợi hại. Iskander được thiết kế để phá hủy các hệ thống vũ khí của đối phương,  trung tâm chỉ huy, các máy bay đang đậu tại sân bay, các nút giao thông quan trọng, xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương. Mục tiêu của chương trình là phải chế tạo được một vũ khí phi hạt nhân có tính răn đe cực mạnh.
 

Ảnh minh họa


Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo Iskander được khởi động từ những năm 1990. Đến năm 2004, các quan chức quốc phòng Nga mới lần đầu tiên tiết lộ về loại tên lửa này.
 
Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù.
 
Hệ thống tên lửa Iskander có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 400-480km với bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ từ 5-7 mét, với đầu đạn nặng 480kg chất nổ mạnh thì chẳng còn mục tiêu nào có thể sống sót trong bán kính 5-7 mét. Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.

8. Pháo tự hành 2S3 Akatsiya 
 
2S3 Akatsiya 152-mm được phát triển vào cuối những năm 1960 và được sản xuất đến năm 1993. Loại pháo này có tầm bắn xa 18,5km.
 

Ảnh minh họa


2S3 Akatsiya được thiết kế nhằm đối phó lại với loại vũ khí tương tự của Mỹ là pháo tự hành M109 155 ly.
 
9 Hệ thống pháo phản lực tự hành BM-27 Uragan 
 

Ảnh minh họa


BM-27 Uragan là một tổ hợp pháo phản lực bắn loạt tự hành do Liên Xô chế tạo. Nó bắt đầu được trang bị cho Lục quân Liên Xô vào cuối thập niên 1970. Tổ hợp này có khả năng bắn các đạn phản lực 220 mm từ 16 ống phóng đặt trên khung gầm của xe ZIL-135 8x8.

10. Pháo tự hành 2S7 Pion

Ảnh minh họa


2S7 Pion ("Hoa mẫu đơn") hay Malka là loại pháo tự hành được Liên Xô phát triển đầu năm 1970 và được sản xuất đến năm 1990. 2S7 đạt tầm bắn xa 37,5km và có thể mở rộng lên 55,5km bằng đạn pháo tăng tầm. Nó được thiết kế dựa trên khung gầm của xe tăng T-80, trang bị một khẩu pháo 2A44 203 mm.
 
Khẩu đội pháo 2S7 gồm 7 người, thời gian chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu là 5-6 phút, thời gian thu hồi là 3-5 phút. 2S7 có thể bắn cả đạn hạt nhân.
 
11. Dàn pháo phản lực BM-13 Katyusha
 

Ảnh minh họa


Pháo phản lực huyền thoại BM-13 Katyusha (hay còn được gọi là tên lửa Cachiusa) là một dạng bệ phóng đạn phản lực được chế tạo bởi Liên Xô trong Thế chiến thứ 2. Đây là thứ vũ khí được dùng rộng rãi trong cuộc chiến chống lại quân phát xít Đức. So sánh với các loại pháo khác, Katyusha có khả năng oanh tạc một địa điểm trong thời gian rất ngắn với sức công phá cao. Nó từng là loại vũ khí khiến quân phát xít Đức khiếp sợ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc