Những cú đúp thất bại của Tổng thống Obama

07:11, 10/11/2013
|

(VnMedia) - Trong vòng 12 tháng qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải chuyển sang hai thái cực đối lập nhau, từ niềm vui vỡ tràn vì tác đắc cử nhiệm kỳ thứ hai sang tâm trạng cay đắng, bẽ bàng khi phải đối mặt với liên tiếp thất bại này đến thất bại khác. Và trong năm cầm quyền đầu tiên ở nhiệm kỳ mới, ông chủ Nhà Trắng hầu như không đạt được bất kỳ điều gì ông mong muốn hay hứa hẹn.


Có lẽ ông Obama vẫn chưa thể quên được niềm vui đã vỡ òa như thế nào khi đứng nhìn hàng nghìn người ủng hộ lèn chật kín khu vực McCormick Place vào thời điểm 12h38 buổi sáng ngày 7/11/2012. Ngay ở đó, tại quê hương Chicago, ông Obama đã giành chiến thắng, trở thành tổng thống đương nhiệm thứ 15 đắc cử nhiệm kỳ hai. Dường như không có một chút khoe khoang, khoác lác nào khi ông Obama tuyên bố trước đám đông đang hò reo phía dưới rằng nước Mỹ đã “bỏ phiếu cho hành động chứ không phải chính trị như thường lệ”.

 

Hiện tại, một năm sau, ông Obama đang ở Washington , đón nhận liên tiếp những bước thụt lùi và không còn chắc chắn rằng ông đang nhìn thấy bất kỳ thứ gì ngoài chính trị thông thường. Đối với Tổng thống Obama, đó là một năm rất khó khăn. Gần như không có điều gì mà ông Obama công khai tuyên bố theo đuổi đến với ông. Ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố đầy lạc quan trong cuộc trả lời phỏng vấn Rolling Stone rằng, chiến thắng của ông “có thể phá vỡ cơn sốt” của những người Cộng hòa - lực lượng tuyên bố mục tiêu tối cao của họ là không để ông Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Và ông bày tỏ hy vọng, những người của Đảng Cộng hòa sẽ nói với chính họ rằng: “Chúng ta đang đi lạc đường và chúng ta cần tái tập trung vào sứ mệnh làm cho mọi việc diễn ra suôn sẻ vì nhân dân Mỹ”.

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNBC gần đây, Tổng thống Obama tiếp tục bày tỏ hy vọng “đa số người của Đảng Cộng hòa ở trên khắp nước Mỹ muốn làm việc với ông”. Tuy nhiên, ông thừa nhận, điều đó không có ở những người Cộng hòa ở Washington . Ông nói: “Tôi đã cố gắng hết sức để làm việc với Đảng Cộng hòa. Tôi có tức giận hay không ư? Tôi thật sự rất tức giận".

 

Rốt cuộc, ông Obama là vị Tổng thống từng nghĩ rằng ông có thể tránh hầu hết được cạm bẫy ở nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, trên thực tế, thay vào đó, Nhà lãnh đạo nước Mỹ đang phải trải qua một trong những thời kỳ khó khăn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai. Những rắc rối đã ập đến với ông chỉ chưa đầy 24 giờ sau bài phát biểu chiến thắng của ông này. Khi đó, tân Tổng thống Obama biết tin Giám đốc CIA David Petraeus phải đệ đơn từ chức vì lý do ngoại tình. Trước khi tháng 11 kết thúc, các nhà điều tra do Đảng Cộng hòa dẫn đầu đã phanh phui được nhiều sai lầm mà chính quyền Mỹ mắc phải trong vụ tấn công ở Benghazi và nạn nhân lớn nhất của vụ việc là bà Susan Rice đã buộc phải rút tên mình khỏi vị trí ứng cử chức Ngoại trưởng.

 

Trong khi vụ scandal trên vẫn còn đang phát triển thì Tổng thống Obama lại rơi vào một cuộc chiến “vách đá tài chính” với Đảng Cộng hòa. Dù sau đó, ông Obama đã đạt được mục đích tăng thuế đối với những người giàu nhất nước Mỹ nhưng ông cũng đã phải đánh đổi một số điều với Đảng Cộng hòa. Trong bối cảnh nội bộ ở Washington đang mâu thuẫn nhau và đúng một ngày sau khi bà Rice vừa rút lui khỏi vị trí Ngoại trưởng được đề cử, một kẻ sát nhân đã khiến cả nước Mỹ rúng động khi xả súng giết chết 20 trẻ em và 6 người lớn tại một trường tiểu học ở Newtown, Conn.

 

Bước sang năm mới, mọi việc càng trở nên tồi tệ với Tổng thống Obama. Thay vì tiến hành cải cách nhập cư như ưu tiên lập pháp ban đầu của ông, Nhà lãnh đạo Mỹ đã đổ rất nhiều công sức vào một nỗ lực vô vọng là ban hành luật giới hạn việc dùng súng. Trong tháng 3 và 4, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã “hành” ông Obama một trận tơi tả về vấn đề Benghazi. Tiếp đó, vào tháng 5, ông Obama phát hiện Cơ quan Thuế vụ Mỹ đã giám sát một cách không thích hợp những nhóm bảo thủ, đặt ông Obama vào tình thế phải lên tiếng biện hộ. Cùng thời điểm đó, ông Obama còn vấp phải sự chỉ trích vì cuộc điều tra của Bộ Tư pháp đối với các nhà báo.

 

Hồi tháng 6, Edward Snowden bắt đầu làm rò rỉ những thông tin cực kỳ nhạy cảm và gây khó xử cho Cục An ninh Quốc gia Mỹ. Sang tháng 7, Snowden xin tị nạn chính trị ở Nga, dẫn tới việc ông Obama buộc lòng phải hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin đúng thời điểm ông này đang phải trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà lãnh đạo Nga để cứu ông một bàn thua trong thấy tại Quốc hội về vấn đề Syria.

 

Những khó khăn vẫn chưa chịu buông tha cho Tổng thống Obama. Hiện tại, ông này đang phải xử lý mớ lùng bùng liên quan đến đạo luật cải cách y tế. Hôm 7/11, ông chủ Nhà Trắng đã phải xin lỗi những người dân Mỹ bị hủy hợp đồng bảo hiểm y tế vì đạo luật cải cách y tế của ông. Tổng thống Mỹ đã phải đưa ra lời xin lỗi trên vì trước đó ông hứa với người dân sẽ không xảy ra tình trạng trên.

 

Kết quả của chuỗi những khó khăn, vấn đề rắc rối nảy sinh liên tiếp trên, Tổng thống Obama đã phải kỷ niệm một năm cầm quyền nhiệm kỳ hai ở tình thế tỉ lệ ủng hộ ông đang sụt giảm ở mức thấp kỷ lục. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất của Gallup, ông Obama chỉ nhận được 39% số phiếu ủng hộ, chỉ hơn một điểm so với thời kỳ tồi tệ nhất của ông này hồi tháng 10 năm 2011. Trong lịch sử 60 năm qua, chỉ có hai cựu Tổng thống là Richard Nixon (29%) và George W. Bush (38%) là có mức tỉ lệ ủng hộ thấp hơn ông Obama trong năm đầu sau khi tái đắc cử. Con số này quá thấp so với tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Ronald Reagan - 64%; Bill Clinton - 60%; và Dwight Eisenhower - 58%.

 

Rõ ràng, 12 tháng vừa rồi là khoảng thời gian đáng buồn cho Tổng thống Obama. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng, ông này vẫn còn cơ hội để có thể khôi phục niềm tin và uy tín trong lòng người dân Mỹ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc