“Giờ đây chúng tôi có thể nói rằng một hệ thống phòng không có một không hai này sẽ có độ chính xác cao hơn và tầm hoạt động cũng được mở rộng và được trang bị nhiều tính năng hiện đại mới”, ông Sergei Druzin- người đứng đầu ban nghiên cứu và phát triển của Almaz-Antey cho biết.
Hệ thống Tor-M2
Hệ thống vũ khí đất đối không này được thiết kế để tiêu diệt các máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo tầm gần của đối phương.
Hệ thống tên lửa Tor trước đó do Liên Xô cũ nghiên cứu và chế tạo dưới dự án GRAU 9K330. Loại vũ khí này được NATO định danh là SA-15 "Gauntlet".
Hệ thống này có nhiều phiên bản, Tor-M1 và Tor-M2U được trang bị tên lửa 9M331, hiện đang phục vụ trong biên chế quân đội Nga.
Trong khi đó, phiên bản nâng cấp của hệ thống này sẽ được trang bị tên lửa 9M338 và đã được thử nghiệm thành công hồi cuối tháng 10 vừa qua.
“Chúng tôi đã tiến hành 5 vụ thử nhằm vào các máy bay không người lái đang bay với tốc độ cao. Kết quả thu được rất xuất sắc”, ông Druzin cho hay.
Thêm vào đó, việc tên lửa 9M338 với kích thước nhỏ hơn loại tên lửa trước đó cho phép hệ thống này có khả năng mang số tên lửa gấp đôi, từ 8 lên 16 quả.
Quan chức này cho biết, một ủy ban quốc phòng quốc gia đã thông qua việc sản xuất hàng loạt đối với hệ thống Tor-M2 nâng cấp và tên lửa 9M338.
“Chúng tôi giờ đây đã có thể bắt đầu sản xuất tên lửa này với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga”, ông Druzin nhấn mạnh.
Trình làng hệ thống tên lửa mạnh hơn S-300
Trong một diễn biến liên quan khác, mới đây, tại một cuộc triển lãm quân sự quốc tế, Tập đoàn quốc phòng Almaz-Antei lừng danh thế giới này cũng đã lần đầu tiên trình làng công khai hệ thống tên lửa phòng không siêu hiện đại S-350E.
Hệ thống S-350E
Sản phẩm mới chính của Almaz-Antei trưng bày tại triển lãm là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tương lai S-350E, còn có tên gọi là 50R6A Vityaz.
Xét về các tính năng kỹ-chiến thuật, Vityaz vượt trội so với các loại tương tự của nước ngoài và sẽ thay thế các hệ thống tên lửa phòng không S-300 đời cũ do Liên Xô sản xuất hiện còn khá nhiều trong lực lượng vũ trang Nga, cũng như một phần các hệ thống tên lửa phòng không Buk.
Hệ thống tên lửa phòng không S-350E dùng để thực hiện các nhiệm vụ phòng không và bảo vệ các mục tiêu hành chính, công nghiệp và quân sự chống các cuộc tấn công ồ ạt của phương tiện tiến công đường không hiện tại và tương lai, kể các các binh khí tàng hình, tên lửa đường đạn chiến dịch và chiến dịch-chiến thuật.
S-350E có thể tiến hành tác chiến độc lập, cũng như trong thành phần cụm lực lượng phòng không và được chỉ huy từ các sở chỉ huy cấp trên.
Hệ thống này được phát triển trên cơ sở sử dụng các công nghệ và bộ phận của các tên lửa phòng không có điều khiển đang sử dụng cho S-400. S-350E nhỏ gọn hơn S-400, radar của nó nhỏ hơn nhiều radar của S-400, còn các bệ phóng chỉ sử dụng các tên lửa phòng không “nhỏ” tầm bắn 50 và 150 km.
Trong biên chế của 1 tiểu đoàn S-350E sẽ có không dưới 12 bệ phóng, các đài radar, 1 sở chỉ huy và các khí tài khác. Dự kiến, Hệ thống tên lửa mời này sẽ mạnh hơn S-300 về số lượng mục tiêu có thể bắn đồng thời.
Đồng thời, nhờ thiết kế bệ phóng cải tiến và sử dụng các tên lửa mới nhất họ 9М96, cơ số đạn tên lửa đã tăng mạnh khi trên một bệ phóng bố trí được 12 tên lửa thay vì 4 như ở S-300.
Ngoài ra, S-350E còn có khả năng cơ động và sống còn cao. Ví dụ, thời gian chuyển hệ thống từ trạng thái hành quân sang chiến đấu là không quá 5 phút.
Đan Khanh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc