Nga triển khai loạt tàu ngầm hạt nhân uy lực nhất thế giới

09:45, 29/11/2013
|

(VnMedia)Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (28/11) cho biết, hải quân Nga sẽ tiếp nhận 2 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Borey trong năm 2014.

Các quan chức hải quân Nga trước đó cho biết, hai con tàu này dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trong năm nay. Tuy nhiên, một người phát ngôn của bộ quốc phòng Nga hôm qua cho biết: “Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh sẽ được đưa vào biên chế của lực lượng hải quân trong năm 2014”.

Ảnh minh họa

Theo dự kiến ban đầu, Alexander Nevsky, chiếc thứ hai trong sê-ri tàu ngầm lớp Borey sẽ gia nhập Hải quân trong năm nay, nhưng các cuộc thử nghiệm trên biển cũng như đợt kiểm tra kỹ thuật gần đây đã cho thấy một số lỗi cần khắc phục, khiến việc bàn giao con tàu bị trì hoãn tới đầu năm sau.

Người phát ngôn này cho biết, công tác chuẩn bị để đưa tàu Alexander Nevsky vào biên chế đã được bắt đầu.

Trong khi đó, tàu Vladimir Monomakh đã được hạ thủy từ tháng 1 năm ngoái và đang trong quá trình thử nghiệm trên biển.

Tàu ngầm này đã vượt qua được một loạt các cuộc kiểm tra của một ủy ban nhà nươc hồi tháng 12 năm ngoài và sẽ được bàn giao cho hải quân vào năm tới, quan chức trên nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trước đó hồi tháng 9 vừa qua đã chỉ thị tạm ngừng các cuộc thử nghiệm trên biển đối với hai con tàu trên sau vụ phóng thử thất bại của tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava mà sẽ được triển khai trên cả hai con tàu.

Tuy nhiên, công tác thử nghiệm đã được nối lại hồi tháng 10 và hai chiếc tàu ngầm trên có khả năng sẽ được đưa vào biên chế mà không cần chờ đời thêm các cuộc thử nghiệm của tên lửa Bulava.

Tàu ngầm lớp Borey đầu tiên – Yury Dolgoruky đã được đưa vào biên chế Hạm đội phương Bắc hồi tháng 1/2013.
.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borey được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của sức mạnh phòng thủ hạt nhân chiến lược của Hải quân Nga. Tàu lớp này sẽ thay thế các loại tàu ngầm đã lỗi thời thuộc Đề án 941 (lớp Typhoon) và Đề án 667 (thuộc lớp Delta-3 và Delta-4).

Được biết, sẽ có tổng cộng 8 tàu ngầm lớp Borey được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava sẽ được chế tạo cho hải quân Nga cho tới trước năm 2020.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey còn được mệnh danh là "quái vật biển" bởi sức mạnh hủy diệt ghê gớm của 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm Bulava, có tầm bắn tới trên 8.000 km. Do vậy, nó có thể hủy diệt bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất.

Tàu ngầm lớp Borey nằm trong một dự án nâng cấp lực lượng tấn công hạt nhân dưới biển của Hải quân Nga với trị giá 755 triệu USD.

Tàu ngầm lớp Borey có chiều dài 170m, rộng 13,5m, lượng choán nước tối đa đạt đến 24.000 tấn. Tàu có khả năng lặn ở độ sâu tối đa 480m và di chuyển với tốc độ 29 dặm/giờ. Tàu có thể hoạt động độc lập trong 90 ngày đêm với thủy thủ đoàn 107 người mà không cần hỗ trợ từ bên ngoài.

Về trang bị vũ khí, tàu ngầm lớp Borey được trang bị hệ thống MGK-600 dò ngư lôi, mìn, đo độ dày của băng, phát hiện những vùng nước không có băng… Ngoài ra, gần như chắc chắn tàu ngầm lớp này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava có tầm bắn 8.000km và có khả năng mang theo 6-10 đầu đạn hạt nhân tấn công độc lập các mục tiêu.

Tên lửa Bulava được thiết kế dành riêng cho tàu ngầm hạt nhân lớp Borey và nó được xem là tên lửa hạt nhân tối tân nhất, hùng mạnh nhất của Nga. Nga muốn phát triển tên lửa Bulava thành thứ vũ khí trụ cột trong kho hạt nhân của nước này. Dự án phát triển tên lửa Bulava (SS-NX-30) là một trong những dự án vũ khí đắt nhất của Nga. Một tên lửa Bulava có sức công phá khủng khiếp gấp 100 lần vụ nổ phá hủy thành phố Hiroshima năm 1945.

Hạ thủy tàu ngầm "hố đen giữa đại dương"

Trong một diễn biến liên quan khác, một xưởng đóng tàu ở St.Petersburg hôm qua (28/11) đã hạ thủy chiếc đầu tiên trong sê-ri 6 chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel lớp Varshavyanka mà xưởng này chế tạo để chuẩn bị bàn giao cho Hạm đội Biển Đen trong hai năm tới.
 
Việc bàn giao lô tàu ngầm mà Hải quân Mỹ gọi là “hố đen giữa đại dương” này là một phần chính trong chiến lược tăng cường sức mạnh hải quân ở Địa Trung Hải của Nga. Hiện Moscow đã triển khai một lực lượng đặc nhiệm thường trực bao gồm 10 tàu nổi ở Địa Trung Hải.
 
Tàu ngầm Novorossiisk đã được khởi đóng tại Xưởng đóng tàu Admiralty hồi tháng 8/2010, ngay sau khi tàu Rostov-on-Don được khởi đóng hồi tháng 11/2011 và tàu Stary Oskol khởi đóng  hồi tháng 8/2012.

Tàu ngầm lớp Varshavyanka, với công nghệ tàng hình tiên tiến hơn, và thời gian tham chiến dài hơn, là phiên bản nâng cấp của “người tiền nhiệm”, tàu ngầm lớp Kilo. Hải quân Mỹ gọi đây là tàu ngầm diesel-điện “lỗ đen giữa đại dương” bởi tàu gần như không bị phát hiện mỗi khi trồi lên mặt nước nhờ công nghệ tàng hình vượt trội.
 
Các tàu ngầm lớp Varshavyanka có thể hoạt động trong tầm xa 640km và có thể tuần tra trong 45 ngày. Tàu loại này có sức chứa 52 thủy thủ và được trang bị ống ngư lôi 533mm, tên lửa hành trình Kalibr 3M54, do Cục thiết kế Novator của Nga phát triển. Tốc độ tối đa của tàu ngầm là 20 hải lý và tàu lặn sâu khoảng 300m.  Tàu có khả năng tấn công cả các mục tiêu trên cạn, trên bề mặt và dưới mặt nước.
 
Lô tàu ngầm này được thiết kế chủ yếu nhằm phục vụ cho nhiệm vụ chống tàu ngầm cũng như tàu bề mặt ở các vùng nước nông.
 
Được biết, Hạm đội Biển Đen của  Nga đã không nhận được bất cứ tàu ngầm mới nào trong nhiều thập kỷ qua và hiện hạm đội chỉ đang vận hành một tàu ngầm duy nhất là tàu Alrosa lớp Kilo. Tàu ngầm này gia nhập biên chế hải quân Nga từ năm 1990.
 
Bình luận về sự kiện hạ thủy tàu Novoronssiisk, chuyên gia hải quân Nga – Thiếu tá Mikhaiil Nenashev cho biết, Nga cần ít nhất 10 chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka ở Biển Đen và Địa Trung Hải để bảo vệ các lợi ích của đất nước trong khu vực.
 
Chuyên gia này đặc biệt đề cập tới sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ được trang bị hệ thống tên lửa tối tân Aegis ở Địa Trung Hải, cũng như việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở các quốc gia quanh khu vực trên.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc