Mỹ “tung” máy bay ném bom B-52 thách thức Trung Quốc

08:17, 27/11/2013
|

(VnMedia) - Hai chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ hôm qua (26/11) đã nghễu nghện bay qua bầu trời trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Đây được cho là một hành động thách thức trực tiếp của Mỹ đối với vùng phòng không mà Trung Quốc vừa tuyên bố xác lập hồi cuối tuần trước.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo các quan chức Mỹ cho biết, hai chiếc máy bay ném bom không được trang bị vũ khí của họ đã cất cánh từ Guam và bay trong vùng trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khoảng chưa đầy một giờ, gầm rú khắp bầu trời Thái Bình Dương trong buổi giữa trưa ngày hôm qua mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.
 
Mỹ nhấn mạnh rằng, chuyến bay trên là một đợt huấn luyện định kỳ đã được lên kế hoạch từ trước và không phải là hành động phản ứng của nước này trước tuyên bố lập vùng phòng không mới nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, hành động của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc vừa thông báo về việc lập vùng phòng không, đưa ra một bộ quy định mới buộc các máy bay nước khác phải tuân thủ nếu không muốn bị Trung Quốc áp dụng các biện pháp an ninh khẩn cấp. Vùng phòng không của Trung Quốc bao trùm cả bầu trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp nóng bỏng với phía Nhật Bản.
 
Trước đó, hồi cuối tuần vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố, tất cả các máy bay ra vào vùng phòng không mà họ mới thành lập phải thông báo cho giới chức Trung Quốc và phải chịu các biện pháp an ninh khẩn cấp nếu không xác định danh tính hay tuân theo những yêu cầu của phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, máy bay ném bom B-52 của họ đã tự do bay vào vùng phòng không của Trung Quốc mà không vấp phải phản ứng gì của cường quốc Châu Á này.
 
Chuyến bay của hai chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã làm nổi rõ phản ứng tức thì của Washington đối với những quy định mới của Trung Quốc. Mỹ - cường quốc đang có hàng trăm máy bay quân sự đóng tại khu vực Châu Á, tuyên bố, nước này không có ý định tuân theo các quy định mà Trung Quốc đặt ra trong cái gọi là vùng phòng không của ở biển Hoa Đông của cường quốc Châu Á. Tương tự, Nhật Bản cũng tuyên bố vùng phòng không của Trung Quốc là vô giá trị, không thể được thực thi và cực kỳ nguy hiểm. Cùng với đó, Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng phản đối vùng phòng không của Trung Quốc.
 
Nhật Bản cũng thách thức vùng phòng không của Trung Quốc
 
Vùng phòng không của Trung Quốc liên quan trực tiếp đến Nhật Bản bởi nó bao trùm cả bầu trời trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Vì vậy, lẽ đương nhiên, Nhật Bản là nước phản đối mạnh mẽ nhất đối với hành động của Trung Quốc. Giới chức ở Tokyo đã đưa ra không ít lời chỉ trích, lên án đồng thời thẳng thừng tuyên bố không thừa nhận vùng phòng không của nước láng giềng.
 
Trong một động thái thể hiện rõ lập trường của mình, Nhật Bản đã yêu cầu hai hãng hàng không lớn nhất của nước này không tuân theo những quy định về vùng phòng không của Trung Quốc.
 
Hai hãng hàng không hàng đầu của Nhật Bản - All Nippon Airways (ANA) Holdings và Japan Airlines đều đã đồng ý thực hiện theo yêu cầu của chính phủ trong việc không thông báo kế hoạch bay cho phía Trung Quốc trong chặng bay xuyên qua vùng phòng không của Trung Quốc.
 
Trước đó, cả ANA Holdings và Japan Airlines đều đã thông báo về lịch trình bay của họ cho giới chức hàng không Trung Quốc khi đi bay qua vùng phòng không mà Bắc Kinh lập ở biển Hoa Đông từ hôm thứ Bảy (23/11). Tuy nhiên, chính thức từ ngày hôm nay (27/11), hai hãng hàng không của Nhật Bản sẽ ngừng hoạt động này, phát ngôn viên của hai hãng hàng không ANA Holdings và Japan Airlines hôm qua cho biết.
 
Bằng cách yêu cầu các hãng hàng không của Nhật Bản thông báo về kế hoạch bay nếu không sẽ bị chặn bởi các máy bay quân sự, Trung Quốc có ý định bắt các hãng hàng không như Japan Airlines và ANA phải thừa nhận trên thực tế thẩm quyền của Bắc Kinh đối với “Vùng Nhận dạng Phòng không biển Hoa Đông” mà họ vừa thành lập.
 
Tuy nhiên, cũng bằng cách thuyết phục các hãng hàng không của mình như ANA, Japan Airlines và các hãng hàng không khác phớt lờ vùng phòng không của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể đã khiến Trung Quốc phải bẽ mặt.
 
Trước đó, chính quyền của ông Abe cũng đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả không lường trước được nếu Bắc Kinh thực thi các quy định ở vùng phòng không mà nước này lập ra. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel miêu tả bước đi của Trung Quốc là một “nỗ lực gây bất ổn nhằm thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực”.
 
Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó đã phản pháo lại sự chỉ trích của cả Mỹ và Nhật Bản bằng cách thể hiện sự phản đối thông qua Đại sứ quán của hai nước trên ở thủ đô Bắc Kinh.
 
Việc Trung Quốc lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông trước mắt được dự đoán là sẽ chưa gây ra những cuộc đối đầu với máy bay nước ngoài. Tuy nhiên, bước đi này của Bắc Kinh được cho là nằm trong chiến lược nhằm tranh giành chủ quyền đối với một số khu vực ở biển Hoa Đông và vì thế, nó có thể sẽ dẫn tới những cuộc đụng độ, đối đầu nguy hiểm giữa máy bay Trung Quốc với máy bay nước ngoài phụ thuộc vào cách Bắc Kinh thực hiện các quy định ở vùng phòng không của họ quyết liệt như thế nào, cách họ chặn những chiếc máy bay từ Mỹ, Nhật và các nước khác bay vào vùng phòng không như thế nào.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc