Mỹ hối hả “sửa lỗi” với Châu Á

07:34, 23/11/2013
|

(VnMedia) - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - bà Susan E. Rice mới đây đã có đã phát biểu khẳng định cam kết mạnh mẽ của siêu cường số 1 thế giới đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Obama vừa gây thất vọng cho các đồng minh và đối tác ở Châu Á vì không đến tham dự các cuộc họp thượng đỉnh quan trọng của khu vực. 
 

Ảnh minh họa

 Mỹ đã huy động cả đội tàu sân bay tấn công hùng hậu đến Philippines để trợ giúp cho các nạn nhân của cơn bão haiyan. 


Sự kiện Tổng thống Obama hủy bỏ chuyến công du đến Châu Á mới đây nhất từng khiến các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Á hoang mang về cam kết của siêu cường số 1 thế giới đối với khu vực. Tuy nhiên, gần đây, Washington đang hối hả, nỗ lực tìm cách “sửa lỗi”, trấn an các đồng minh trong khu vực. Điều đó được thể hiện qua hành động tích cực của Mỹ trong việc sát cánh bên Philippines trong thảm họa bão haiyan. Cùng với đó, giới chức quân sự cũng như dân sự Mỹ liên tiếp có các chuyến thăm đến các nước Châu Á cũng như đưa ra một loạt cam kết mạnh mẽ đối với khu vực.
 
Phát biểu trước các sinh viên của trường Đại học Georgetown ở thủ đô Washington hôm 20/11, bà Rice cho biết, tái cân bằng hướng về châu Á-Thái Bình Dương vẫn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Barack Obama và Washington sẽ đặt sự quan tâm cao nhất cho “bạn bè” của mình ở trong khu vực này.
 
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ngoài an ninh là vấn đề nền tảng mà Mỹ muốn củng cố ở Châu Á- Thái Bình Dương, siêu cường số 1 thế giới còn cam kết mạnh mẽ với sự thịnh vượng kinh tế trong khu vực. “Mục tiêu an ninh tạo thành một yếu tố chủ chốt trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cũng có một chương trình nghị sự kinh tế quan trọng tương đương ở khu vực”, bà Rice nhấn mạnh.
 
Đến cuối năm 2016, Mỹ có mục tiêu chuyển đổi quan hệ kinh tế với khu vực thông qua việc tăng mạnh xuất khẩu của Mỹ vào đây; thực hiện các hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ ngay chính tại khu vực này; và hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Ấn Độ cũng như với các nền kinh tế mới nổi khác nhằm duy trì tăng trưởng toàn cầu.
 
“Tương lai kinh tế của Mỹ gắn bó chặt chẽ của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 1/4 tổng hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Mỹ đi đến Châu Á, và khoảng 30% hàng nhập khẩu của chúng ta đến từ khu vực. Hơn một triệu người Mỹ làm các công việc dựa vào xuất khẩu sang Châu Á. Và, con số đó đã tăng 50% trong thập kỷ qua. Mỹ cam kết gia tăng những con số này đồng thời đảm bảo rằng những lợi ích được chia sẻ rộng rãi. Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ đang hợp tác để định hình một tương lai năng động hơn cho toàn bộ khu vực bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Mỹ và xây dựng những mối quan hệ thương mại mới”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu.
 
Theo lời bà Rice, mục tiêu kinh tế quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực là kết thúc đàm phán về hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và được Quốc hội thông qua. 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP đại diện cho hơn 40% thương mại toàn cầu. Vì vậy, các quy tắc Mỹ thiết lập thông qua hiệp định này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn cho các hiệp định thương mại trong tương lai. Nó sẽ xử lý những hoạt động không công bằng của các doanh nghiệp nhà nước và các rào cản pháp lý mà hàng hóa gặp phải tại biên giới và sau biên giới. Điều này sẽ giúp tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. TPP sẽ thúc đẩy quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, tạo ra sự bảo vệ chắc chắn hơn cho sở hữu trí tuệ, cải thiện các điều kiện kinh tế cho tất cả mọi người, chứ không chỉ vài người.
 
“Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng tuân theo những tiêu chuẩn cao của hiệp định này, mời họ tham gia và chia sẻ các lợi ích của TPP, kể cả Trung Quốc. TPP có thể là cốt lõi của một hiệp định rộng lớn hơn mở rộng sang các nước trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Để giúp hiện thực hoá tầm nhìn đó, chúng tôi đang làm việc để thương lượng một loạt các hiệp định với các nước ASEAN mà những hiệp định đó sẽ đưa các quốc gia đó vào vị trí tốt hơn để tham gia các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao như TPP. ASEAN đại diện cho một khối kinh tế có sức mạnh 2,5 nghìn tỷ USD bao gồm cả một số quốc gia phát triển nhanh nhất ở châu Á lẫn một số nước nghèo nhất”, bà Rice nói.
 
Ngoài việc cam kết phát triển và giúp đỡ các nền kinh tế năng động của ASEAN để từ đó mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư lớn hơn cho Mỹ ở Đông Nam Á, Mỹ còn hướng đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Ấn Độ. Dự đoán, đến năm 2030, Ấn Độ sẽ có dân số lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ và Mỹ đã phát triển một quan hệ đối tác toàn cầu quý giá, và Tổng thống Obama có mục đích làm cho thập kỷ tới thậm chí còn có tính chuyển đổi nhiều hơn. “Từ Chính sách Hướng Đông cho đến những đóng góp cho an ninh hàng hải của Ấn Độ lẫn việc họ tham gia nhiều hơn vào các tổ chức khu vực, Ấn Độ có thể làm được nhiều điều cho châu Á và thế giới”, bà Rice cho biết.
 
Mỹ cũng tìm cách nâng cao mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong những năm tới. Tuần trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc công bố các kế hoạch cải cách sâu rộng, mà nếu được thực hiện có thể đi một chặng đường dài tiến tới lập ra sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài và đưa nền kinh tế của Trung Quốc tiến tới các nguyên tắc thị trường. Mỹ coi đây là một cơ hội mà họ cần phải nắm bắt.
 
Đẩy mạnh an ninh chung và thúc đẩy thịnh vượng chung của chúng ta là các thành phần quan trọng trong cam kết của Mỹ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - bà Rice đã một lần nữa khẳng định chắc chắn như vậy.
 
Để minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Mỹ với Châu Á-Thái Bình Dương, bà Rice đã đề cập đến sự kiện Mỹ sát cánh bên Philippines trong thảm họa bão haiyan kinh hoàng vừa mới đây. Theo bà Rice, Philippines là “nơi mà tất cả các yếu tố như an ninh, liên minh, quan hệ kinh tế, phát triển, các định chế và các giá trị phổ quát mới đây đã tụ hội khi Mỹ thể hiện rõ ràng sự cam kết của mình đối với khu vực”.
 
Mỹ là nước đi đầu trong việc hỗ trợ, giúp đỡ và viện trợ cho hàng triệu nạn nhân của cơn bão ở Philippines. “Cam kết của chúng tôi đối với người dân Philippin phản ánh cam kết lớn hơn của chúng tôi đối với người dân khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cam kết của Mỹ sẽ không hết hiệu lực trong một vài tháng hoặc một vài năm tới. Mỹ sẽ ở đó, đáng tin cậy, kiên định, mạnh mẽ và vững chắc trong thời gian dài. Và cùng với người dân khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và phẩm giá chung mà tất cả chúng ta đều ấp ủ”, bà Rice khẳng định.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc