Liệu có cứu được Syria khỏi cuộc chiến tương tàn?

10:43, 26/11/2013
|

(VnMedia) - Trong khi các cường quốc đã đạt được sự thống nhất về ngày giờ cụ thể cho một hội nghị hòa bình Syria Geneva sắp tới thì các phe phái trong cuộc nội chiến ở nước này vẫn lao vào những cuộc giao tranh tương tàn, thảm khốc. Nhiều người đang tự hỏi, liệu các cường quốc quyền lực hàng đầu thế giới có cứu nổi được đất nước Syria  thoát khỏi tình trạng hiện nay hay không?

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy Syria đang leo thang ngày một nghiêm trọng trong những ngày qua. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc vừa thông báo về việc cơ quan này cùng với Nga và Mỹ đã đạt được sự nhất trí về kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình Geneva II vào ngày 22/1 tới.

 

Các cuộc giao tranh bắt đầu bùng phát dữ dội từ hôm thứ Bảy (23/11) khi lực lượng chiến binh nổi dậy tìm cách phá vỡ vòng vây của quân chính phủ ở khu vực nông thôn Đông al-Ghouta của thủ đô Damascus .

 

Phe nổi dậy cũng phát động một chiến dịch phản công mạnh mẽ nhằm tìm cách giành giật lại những mất mát mà họ phải hứng chịu trong các cuộc chiến trước đó với quân của Tổng thống Bashar al-Assad ở phía bắc thủ đô Damascus, cụ thể là ở khu vực Rặng núi chiến lược al- Qalamoun – nơi nối giữa thủ đô Damascus với các tỉnh miền trung và ben biển của Syria. Khu vực rặng núi này nằm trên đường biên giới với nước láng giềng Li-băng.

 

Báo chí nhà nước Syria đưa tin, quân đội trung thành với Tổng thống Assad đã nỗ lực đẩy lui các cuộc phản công của phe nổi dậy và tiêu diệt hàng chục chiến binh cũng như tịch thu được vũ khí của họ.

 

Tờ al-Watan hôm qua (25/11) đưa tin, hơn 100 chiến binh nổi dậy đã bị tiêu diệt trong hai ngày qua ở chiến trường al-Ghouta.

 

Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy cũng nóng bỏng trở lại ở khu vực phía nam và đông Damascus cũng như ở vành đai phía bắc thủ đô – thành phố Deir Attieh thuộc Rặng núi al-Qalamoun.

 

Chiến thắng của quân Assad ở al-Qalamoun có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lực lượng này bởi nó giúp họ đảm bảo tuyến đường nối từ thủ đô Damascus đến khu vực miền trung và miền bắc Syria đồng thời cắt đứt được đường dây tiếp viện thiết yếu cho phe nổi dậy từ nước láng giềng Li-băng.

 

Ngoài các cuộc giao tranh ở phía nam và bắc Damacus, quân đội Syria còn phát động một chiến dịch quy mô lớn ở vùng nông thông phía đông nam của Aleppo, đánh đuổi phe nổi dậy ra khỏi một loạt thành phố ở đây. Chiến dịch này của quân chính phủ là nhằm để thọc sâu hơn nữa vào các khu vực đang nằm trong sự kiểm soát của phe nổi dậy ở Aleppo .

 

Theo nhận định của giới các nhà phân tích, trong những ngày sắp tới, chiến trường Syria sẽ chứng kiến các cuộc giao tranh đẫm máu hơn, ác liệt hơn bởi ai cũng biết rằng, lực lượng nào nắm thế trận trên chiến trường thì lực lượng đó sẽ có lợi thế trên bàn đàm phán.

 

Tình hình trên chiến trường sẽ có ảnh hưởng lớn đến tiến trình cũng như kết quả của cuộc đàm phán tại hội nghị Geneva II sắp tới.

 

Mọi hy vọng dồn vào hội nghị Geneva II?

 

Giữa lúc chiến sự ở Syria tiếp tục diễn ra ác liệt và cực kỳ căng thẳng thì Liên Hợp Quốc đưa ra thông báo về việc hội nghị hòa bình Geneva II nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc nội chiến ở Syria sẽ diễn ra vào ngày 22/1/2004. Đây là một tín hiệu vui nhưng người ta chưa rõ liệu có thể trông chờ được vào hội nghị này để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài đã gần 3 năm qua ở đất nước Trung Đông hay không?

 

Sau nhiều tháng trì hoãn liên tục, cuối cùng, các nước cũng lên được một kế hoạch cụ thể, theo đó sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế ở Geneva vào ngày 22/1 tới, Liên Hợp Quốc sáng qua (25/11) thông báo.

 

"Cuối cùng, lần đầu tiên, chính phủ Syria và phe đối lập sẽ có cơ hội gặp gỡ nhau trên bàn đàm phán thay vì trên chiến trường”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết trong cuộc họp báo.

 

Theo lời ông Ban, mục đích tổ chức hội nghị hòa bình Geneva II bao gồm “việc thiết lập dựa trên sự đồng thuận một chính phủ chuyển tiếp ở Syria với đầy đủ chức năng điều hành, quản lý, trong đó có cả sự chỉ đạo với quân đội và các thực thể an ninh khác”.

 

Trong khi ông Ban miêu tả hội nghị do Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian sắp tới là một “sứ mệnh mang theo hy vọng” và kêu gọi các bên ngừng bạo lực, phóng thích tù nhân để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thì ông này không cho biết bên nào sẽ tham gia hội nghị. Đây chính là chủ đề từng khiến hội nghị Geneva II nhiều lần bị cản trở trong những tháng qua.

 

Việc ấn định được ngày giờ cho hội nghị hòa bình Geneva II thể hiện nỗ lực và quyết tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc như Nga, Mỹ trong tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng mỗi lúc một trầm trọng ở đất nước Syria. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng thành công của hội nghị Geneva sắp tới. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu các cường quốc có đủ sức để cứu nổi đất nước Syria trong tình hình hiện nay hay không?

 

Chẳng ai nói trước được điều gì nhưng chắc chắn, người ta không dám hy vọng nhiều vào hội nghị hòa bình ở Geneva khi mà hai phe đối lập ở Syria quá khác biệt nhau, và điều quan trọng hơn là họ không chịu nhượng bộ nhau.

 

Ngay sau khi có thông báo về kế hoạch tổ chức hội nghị Geneva II vào ngày 22/1 tới, bản thân phe nổi dậy Syria đã lập tức thể hiện sự hoài nghi về việc một hội nghị như vậy có tạo được bất kỳ sự khác biệt nào cho cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 3 ở quốc gia Trung Đông.

 

Phe nổi dậy tự nội bộ không tin tưởng lẫn nhau nên không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tìm kiếm lực lượng đại diện. Phe nổi dậy và chính quyền Syria cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề số phận của Nhà lãnh đạo Assad. Đây là những yếu tố khiến hội nghị Geneva II khó thành công.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc