Không quân Nhật báo động vì máy bay Nga

21:09, 18/11/2013
|

(VnMedia) - Lực lượng Phòng không Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi hai chiếc máy bay ném bom của Nga bay sát không phận nước này, một tờ báo địa phương dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay (18/11) cho biết.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản đã phát hiện cặp đôi máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 của Nga ở không phận gần Tokyo, trên Biển Thái Bình Dương, hôm Chủ nhật (17/11).

 

Sau khi bay theo hướng nam về phía quần đảo Okinawa, hai chiếc máy bay ném bom chiến lược của Nga đã quay đầu trở lại và bay về phía đông bắc dọc theo chiều dài của quần đảo Nhật Bản và cuối cùng hướng tới phía bắc, bay về đảo Sakhalin của Nga, hãng tin Kyodo cho biết.

 

Tuy nhiên, hai chiếc máy bay ném bom của Nga không xâm phạm không phận Nhật Bản.

 

Trước đó, hôm 16/11, Nhật Bản cũng đặt Lực lượng Phòng không vào tình trạng báo động khi hai chiếc máy bay do thám Tupolev Tu-142 của Nga bay gần quần đảo của họ.

 

Trong hai lần mới nhất nói trên, các máy bay của Nga không hề vi phạm không phận Nhật Bản nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, họ đang phân tích ý định của Nga trong việc liên tục thực hiện những chuyến bay qua lại gần không phận của họ như vậy, hãng tin Kyodo cho biết.

 

Theo giới chức quân sự Nhật Bản tiết lộ, Lực lượng Phòng không nước này đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp trong 105 lần kể từ tháng 7 cho đến tháng 9 chỉ vì những chuyến bay tiếp cận sát không phận Nhật Bản của máy bay Nga.

 

Nhật Bản vẫn còn rất nhạy cảm trước các hoạt động của quân đội Nga gần khu vực biên giới hai nước bởi quan hệ Nga-Nhật từ lâu vẫn bị che phủ bởi bóng đen của một cuộc tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Kuril ở Bắc Thái Bình Dương. Cuộc tranh chấp quần đảo Kuril kéo dài cho đến tận ngày nay đã khiến Nga và Nhật Bản chưa thể ký kết được một hiệp ước hòa bình nhằm kết thúc một cách chính thức Chiến tranh thế giới thứ II.


Quần đảo Kuril, nằm ở vùng Sakhalin của Nga, hình thành nên một biển đảo núi lửa kéo dài 1.300 km từ Hokkaido, Nhật Bản, tới Kamchatka, Nga, phân chia biển Okhotsk với Bắc Thái Bình Dương. Có 56 hòn đảo thuộc quần đảo này và rất nhiều các khối đá nhỏ khác. Toàn bộ diện tích trên đảo là 15.600 km2 và dân số là 19.000 người. Nga tuyên bố mọi hòn đảo đều thuộc lãnh thổ Nga, nhưng Nhật Bản cho rằng 4 hòn xa nhất ở phía nam là thuộc nước họ, dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa hai nước.


Nga, Nhật thỉnh thoảng lại có những bước đi quân sự nhằm thị uy nhau ở vùng tranh chấp nói trên. Hồi tháng 2 đầu năm nay, hai chiếc phi cơ chiến đấu Su-27 của Nga đã từng có cuộc “đối đầu” nghẹt thở với máy bay quân sự của Nhật Bản ở Hokkaido.


Hôm 15/7, Lực lượng Phòng không Nhật Bản từng phải ra lệnh cho các máy bay chiến đấu của mình cất cánh khẩn cấp để đối phó với hai chiếc máy bay ném bom Tu-95 Bear của Nga bay qua Biển Nhật Bản từ bán đảo Triều Tiên và một máy bay IL-20 bay qua quần đảo tranh chấp Kuril.

 

Tiếp đó, hôm 22/8, chính phủ Nhật Bản cáo buộc hai chiếc máy bay ném bom TU-95 của Nga xâm nhập vào không phận Nhật Bản trong khoảng thời gian chưa đầy 2 phút., khiến họ phải hạ lệnh cho các chiến đấu cơ hiện đại cất cánh khẩn cấp để đi chặn đuổi máy bay Nga. Tokyo cũng nhanh chóng gửi văn bản phản đối động thái của Nga. Tuy nhiên, giới chức Nga đã bác bỏ thẳng thừng lời cáo buộc trên.

 

Chỉ ba ngày sau, hôm 25/8, Nhật Bản tiếp tục ra lệnh cho các máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để đối phó với một cặp máy bay quân sự của Nga khi hai chiếc máy bay này bay dọc đường bờ biển phía bắc của Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay.

 

Hai chiếc máy bay quân sự IL-38 đã bay dọc đường bờ biển ở Hokkaido, Aomori và Akita, đối diện với biển Nhật Bản, nhưng đã tránh không bay vào không phận Nhật Bản. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn “đáp trả bằng cách ra lệnh cho máy bay chiến đấu của mình cất cánh khẩn cấp” để đi đối phó với hai chiếc máy bay của Nga.

 

Bất chấp những sự kiện trên, mối quan hệ thương mại giữa Nga và Nhật Bản vẫn phát triển tốt đẹp. Thủ tướng Shinzo Abe được cho là còn đang “ve vãn” Moscow để tìm cách lôi kéo cường quốc Châu Âu này về phía họ nhằm tạo thế đối trọng với Trung Quốc.  


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc