Israel sốc trước tin 6 cường quốc "chiều chuộng" Iran

19:09, 08/11/2013
|

(VnMedia) - Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran hôm qua (7/11) đã có những phát biểu ám chỉ về những tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nước này với 6 cường quốc hàng đầu thế giới.

Cụ thể, Iran và các cường quốc dường như sắp đạt được một thỏa thuận về việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được tháo dỡ bớt những biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế của Nhà nước Hồi giáo. Tin tức này được phát đi đã gây sốc cho Israel – nước láng giềng cũng là địch thủ lâu đời của Iran .



Ảnh minh họa

Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc


Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Iran, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu nước này – ông Abbas Araghchi cho biết, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức “đã nói rõ ràng rằng, họ chấp nhận khung thỏa thuận mà Iran đề xuất lên”. Sau đó, phát biểu trên hãng thông tấn CNN của Mỹ, ông Araghchi còn nói thêm rằng, các nhà đàm phán hiện “đã sẵn sàng bắt đầu phác thảo” một thỏa thuận trong đó vạch ra những bước đi cụ thể cho cuộc “trao đổi” giữa Iran và các cường quốc..

 

Mặc dù ông Araghchi miêu tả các cuộc đàm phán diễn ra “rất khó khăn” nhưng ông này cũng nói trên đài truyền hình Iran rằng, ông mong đợi thỏa thuận chi tiết sẽ được ký kết trong ngày hôm nay (8/11).

 

Những phát biểu mang đầy tính lạc quan trên cho thấy, các nhà đàm phán ở Geneva đang đi từ những cuộc thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân chung đến các chi tiết nhằm hạn chế năng lực của Tehran trong việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Iran sẽ bắt đầu được nới lỏng khỏi các biện pháp trừng phạt đã và đang gây tác động mạnh lên nền kinh tế của nước này.

 

Giới chức Mỹ cho biết, Ngoại trưởng John Kerry hôm nay sẽ bay đến Geneva để tham dự vào các cuộc đàm phán hạt nhân. Đây là một quyết định được đưa ra vào phút cuối cùng và nó là một dấu hiệu chứng tỏ khả năng thỏa thuận lịch sử giữa Iran với các cường quốc sắp được ký kết.

 

Thỏa thuận trên nếu được ký kết sẽ là một bước đột phá quan trọng trong các cuộc đàm phán 6 bên và là một tín hiệu tốt lành trong bối cảnh trong gần một thập kỷ qua, Iran thường xuyên bác bỏ đàm phán về việc hạn chế chương trình hạt nhân của họ chứ chưa nói đến việc xóa bỏ chương trình này.

 

Tuy nhiên, bất kỳ một thỏa thuận nào như vậy cũng sẽ chỉ là một bước khởi đầu trong một tiến trình lâu dài nhằm làm giảm dần mối đe dọa hạt nhân tiềm năng từ Iran trong đó không có sự đảm bảo về một thành công cuối cùng. Dù một thỏa thuận hạn chế được đánh giá là một bước đột phá, là một thành công nhưng chương trình hạt nhân của Iran vẫn có thể chuyển từ sản xuất điện năng sang vũ khí hạt nhân bất kỳ lúc nào.

 

Trước khi đến Geneva , ông Kerry sẽ có cuộc dừng chân ngắn ở Israel . Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc họp thứ ba với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Thông tin về chuyến đi đến Geneva của ông Kerry được các quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ bởi Ngoại trưởng Kerry không được mời chính thức đến tham gia vào các cuộc đàm phán với các đại diện Châu Âu.

 

Các cuộc đàm phán ở Geneva tập trung chủ yếu vào quy mô và sản lượng của chương trình làm giàu uranium của Iran – đây là quá trình có thể tạo ra nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân hoặc là những nguyên liệu cho thể sản xuất vũ khí nguyên tử. Iran nhấn mạnh, nước này chỉ theo đuổi các mục đích hòa bình như sản xuất điện năng hoặc phục vụ cho công tác nghiên cứu và điều trị y học.

 

Israel “sốc và choáng váng”

 

Cho đến thời điểm này, các nhà đàm phán quốc tế đại diện cho 6 cường quốc vẫn từ chối không bình luận về những phát biểu đầy lạc quan của nhà đàm phán hạt nhân Iran – ông Araghchi. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã miêu tả đó là “bước đầu tiên” trong một chiến lược nhằm mục đích cuối cùng là kiềm chế năng lực của Iran trong việc sử dụng chương trình hạt nhân của họ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

 

Một thỏa thuận ban đầu sẽ “giải quyết các hoạt động hạt nhân tiên tiến nhất của Iran; tăng cường tính minh bạch để Iran sẽ không thể sử dụng vỏ bọc là các cuộc đàm phán cho mục đích thúc đẩy chương trình hạt nhân; đồng thời tạo thời gian và không gian để chúng ta đạt được một thỏa thuận toàn diện”, ông Carney đã phát biểu như vậy với cánh phóng viên ở thủ đô Washington.

 

6 cường quốc sẽ cân nhắc “việc tạo ra một sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt một cách hạn chế, có mục tiêu nhưng vẫn có thể thay đổi cho Iran . Sự nới lỏng đó sẽ không làm ảnh hưởng đến các biện pháp trừng phạt cốt lõi của chúng ta”, ông Carney tuyên bố, ám chỉ đến các biện pháp trừng phạt đang làm tê liệt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran . Nếu Iran nuốt lời, “các biện pháp nới lỏng tạm thời và ít ỏi đó nhanh chóng sẽ bị ngừng lại và chúng tôi vẫn đang ở trong tư thế sẵn sàng tăng thêm áp lực hơn nữa bằng cách đưa ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo.

 

Tuy nhiên, những lời cảnh báo trên của Mỹ cũng không thể làm cho đồng minh thân thiết nhất của họ là Israel yên lòng. Giới chức Israel đang “sục sôi” lên trước thông tin về việc nước láng giềng Iran của họ và 6 cường quốc sắp đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá.

 

Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm qua cho biết, “nếu thông tin về lời đề nghị của các cường quốc cho Iran là sự thực thì đó sẽ là một thỏa thuận thế kỷ dành cho Iran ”. Ông Netanyahu cho biết, ông “kinh ngạc và choáng váng” trước thông tin về việc Iran “gần như không phải từ bỏ điều gì mà vẫn được các cường quốc giảm áp lực mà họ đã mất nhiều năm để tạo ra”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc