Iran khiến các cường quốc “nóng mặt”, Israel hoan hỉ

10:15, 22/11/2013
|

(VnMedia) - Một nguồn tin ngoại giao Israel hôm qua (21/11) tiết lộ, việc Iran khăng khăng giữ lập trường cứng rắn, không chịu khuất phục trước các cường quốc trong vòng đàm phán hạt nhân mới nhất với nhóm P5+1 đã khiến cho khả năng hai bên ký kết một thỏa thuận được chờ đợi từ lâu và được kỳ vọng trong suốt thời gian qua đang trở nên khó khăn hơn. Thông tin này chắc chắn sẽ khiến Israel thực sự vui mừng, hoan hỉ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Trong ngày thứ hai của các cuộc đàm phán ở Geneva, Iran vẫn tiếp tục khẳng định lập trường cứng rắn như ở những vòng đàm phán trước đó bằng câu tuyên bố họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ lệnh cấm nào nhằm vào quyền làm giàu uranium của nước này.
 
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran – ông Abbas Araqchi đã phát biểu, quyền tiếp tục làm giàu uranium là một “lằn ranh đỏ” đồng thời yêu cầu các cường quốc phương Tây dỡ bỏ những lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh doanh dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo.
 
"Iran vẫn lớn tiếng khăng khăng đòi làm giàu uranium”, nguồn tin từ Israel cho biết đồng thời nói thêm rằng Tehran đang cho thế giới thấy “bộ mặt thật” của mình bất chấp những nỗ lực của Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức ở Geneva.
 
Trong khi phương Tây muốn Iran ngừng làm giàu uranium thì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 20/11 cho biết vấn đề đó sẽ không được quyết định trong thỏa thuận tam thời. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ cho biết, họ không vội vã trong việc đạt được thỏa thuận với Iran.
 
Nhật báo Ma'ariv dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết: “Đó phải là một thỏa thuận tốt và là bước đầu tiên cần thiết để đưa chúng tôi tiến tới một thỏa thuận toàn diện hơn”.
 
Nhiều quan chức Israel lo sợ rằng, cuộc chiến nhằm ngăn không cho Iran ký được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc của Nhà nước Do Thái sẽ bị thất bại khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu trở về từ Nga mà không giành được mấy sự ủng hộ.
 
Sau khi đảm bảo có được lập trường cứng rắn của Pháp trong vấn đề Iran hồi đầu tuần này, ông Netanyahu đã vội vã đến Moscow vào những thời khắc cuối cùng nhằm thuyết phục Nga không ủng hộ thỏa thuận tạm thời giữa Iran với nhóm P5+1. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Israel được cho là đã không thể thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng về phía mình.
 
Thủ tướng Israel thường cáo buộc, một Iran có vũ khí hạt nhân sẽ là mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước Israel. Bằng chứng mà ông này đưa ra là những phát biểu chống Do Thái và phương Tây mạnh mẽ của giới chức Iran. "Họ không nên có vũ khí hạt nhân và tôi quyết tâm ngăn cản họ đạt được điều đó”, ông Netanyahu đã phát biểu như vậy ở thủ đô Damascus trước khi trở về Israel.
 
Hiện tại, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 vẫn còn kéo dài sang ngày thứ hai. Vì vậy, người ta chưa thể nói trước về việc liệu Iran và nhóm các cường quốc có một lần nữa thất bại trong việc tìm được một tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân hay không.
 
Trước đó, đã không có ít kỳ vọng được đặt vào vòng đàm phán lần này. Suốt thời gian qua, nhiều nguồn tin đã tỏ ra hy vọng và lạc quan về việc Iran và các cường quốc sẽ đạt được một thỏa thuận tạm thời nhưng mang tính đột phá, giúp khai thông thế bế tắc tồn tại bao lâu nay trong cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran.
 
Ngày thứ hai của cuộc đàm phán sẽ tập trung vào một loạt cuộc gặp gỡ kín trên cơ sở song phương. Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) – bà Catherine Ashton, đại diện cho nhóm P5+1, sẽ có cuộc gặp riêng với trưởng phái đoàn Iran – ông Mohammad Javad-Zarif.
 
Thượng viện Mỹ dọa tiếp tục trừng phạt Iran
 
Trong khi các cuộc đàm phán vẫn còn đang diễn ra, Thượng viện Mỹ hôm nay (22/11) đã tuyên bố sẽ áp đặt thêm một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Iran nếu vòng đàm phán hạt nhân hiện nay giữa các cường quốc phương Tây và Tehran không đạt được kết quả gì.
 
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ - ông Harry Reid cho biết: “Thượng viện phải chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra một dự luật trừng phạt Iran mới sau khi hội họp trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn. Tôi đã sẵn sàng cho điều đó”.
 
Các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện nay ở Geneva được xem là hy vọng tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây để các bên giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
 
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phải trông chờ rất nhiều vào Quốc hội Mỹ để ngăn cản một dự luật trừng phạt mới nhằm tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán hiện nay. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải đến Đồi Capitol nhiều lần để thuyết phục điều này.
 
Các Thượng nghị sĩ đã nhất trí “mở cơ hội” cho Iran bằng cách tạm thời chưa đưa ra dự luật trừng phạt mới.
 
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của ông Reid, sự trì hoãn này sẽ kết thúc vào tháng tới. Đây được xem là lời cảnh báo sắc lạnh dành cho Iran, theo đó, nước Cộng hòa Hồi giáo phải lựa chọn một là tìm kiếm một thỏa thuận với phương Tây, hai là phải đối diện với các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn nữa.
 
Những tín hiệu không vui từ vòng đàm phán hạt nhân Iran với nhóm P5+1 là kết quả mà giới chức Israel chờ đợi nhất. Nhà nước Do Thái không hề muốn Iran và các cường quốc đạt được một thỏa thuận hạt nhân kiểu tự nguyện như thế này mà muốn các cường quốc mạnh tay “ép” Tehran hơn nữa bằng các biện pháp trừng phạt để nước Cộng hòa Hồi giáo phải chịu quy phục. Hồi đầu tháng này, khi báo chí quốc tế rầm rộ đưa tin về việc Iran và các cường quốc sắp đạt được một thỏa thuận về việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được tháo dỡ bớt những biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế của Nhà nước Hồi giáo, Israel đã tỏ ra rất sốc.
 
Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi đó cho biết, “nếu thông tin về lời đề nghị của các cường quốc cho Iran là sự thực thì đó sẽ là một thỏa thuận thế kỷ dành cho Iran”. Ông Netanyahu cho biết, ông “kinh ngạc và choáng váng” trước thông tin về việc Iran “gần như không phải từ bỏ điều gì mà vẫn được các cường quốc giảm áp lực mà họ đã mất nhiều năm để tạo ra”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc