(VnMedia) - "Những yêu sách về hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông rất đáng ngờ và mưu đồ lớn hơn của Trung Quốc cần phải được ngăn chặn để bảo vệ hòa bình trong khu vực". Đó là tuyên bố vừa được ông Dana Rohrabacher – Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đưa ra hôm 30/10.
![]() |
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại phiên điều trần của Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về một loạt mối đe dọa hàng hải và địa lý khác từ Trung Quốc, ông Rohrabacher – một nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đến từ bang California – cho rằng, chiến lược lâu dài được chuẩn bị chu đáo của Bắc Kinh là nhằm bành trướng, khiêu khích, thách thức và cuối cùng là thống trị khu vực.
Theo lời Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ là vô nghĩa nếu Mỹ không thực sự hiểu rõ mối đe dọa trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, ông Richard Fisher – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, trong phát biểu trước buổi điều trần đã bày tỏ sự lo ngại rằng, việc Trung Quốc dùng sức ép về mặt quân sự để theo đuổi những yêu sách về hàng hải đang ngày càng làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột quân sự, đặc biệt là với Nhật Bản và Philippines.
Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và theo đó gia tăng các hoạt động dọa dẫm, uy hiếp các đồng minh của Mỹ là nhằm thách thức khả năng của Washington trong việc bảo vệ bạn bè và từ đó làm suy giảm tính đáng tin cậy của những cam kết của Mỹ đối với khu vực, ông Fisher nhận định.
Nhật Bản hiện tại gần như liên tục ở trong tình trạng đối đầu phi bạo lực với các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc vì tranh giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, chưa lúc nào mà khả năng bùng phát một cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á lại cao như thời điểm này. Trong khi đó, Philippines đang bị các lực lượng Trung Quốc đẩy ra khỏi khu vực bên trong và ngoài Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), ông Fisher cho biết thêm.
Ông Steven Mosher – người đứng đầu Viện Nghiên cứu Dân số - một tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, cho rằng, chỉ có sự tồn tại tiếp tục của Hạm đội Thứ 7 của Mỹ ở Nhật Bản mới có thể kiềm chế được Trung Quốc. Nếu không có Hạm đội Thứ 7, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ chiếm đóng những quần đảo còn lại ở Biển Đông bằng vũ lực. Trung Quốc sau đó có thể yêu cầu các tàu thuyền phải xin phép họ trước khi đi qua lại các vùng lãnh hải mà họ gọi là “vùng biển nội địa”, ông Mosher cho hay.
Kiệt Linh -
(theo Philippine Star)
Ý kiến bạn đọc