Gặp nguy, nữ Thủ tướng Thái bấu víu vào đâu?

07:42, 26/11/2013
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ liên tiếp gây sức ép mạnh mẽ đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức, nữ chính khách trẻ tuổi và xinh đẹp này đã buộc phải cậy nhờ đến một luật an ninh khẩn cấp.

 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Yingluck đang đối mặt với sức ép đòi bà từ chức.


Thủ tướng Yingluck đã quyết định áp dụng Luật An ninh Nội địa ở một số khu vực trên đất nước khi các cuộc biểu tình chống chính phủ đang “sôi sùng sục”. Động thái áp dụng luật an ninh khẩn cấp trên được đưa ra sau khi hàng ngàn người biểu tình xông vào chiếm giữ trụ sở của Bộ Tài chính và Cục Ngân sách.

 

Theo thông báo được bà Yingluck đọc trên chương trình truyền hình đêm qua (25/11), Luật An ninh Nội địa sẽ được áp dụng mở rộng ở các khu vực gồm thủ đô Bangkok, tỉnh Nonthaburi và một số quận trong hai tỉnh Samut Prakan, Pathum Thani. Trước đó, Luật An ninh Nội địa đã được áp dụng ở 3 quận thuộc thủ đô Bangkok từ hồi tháng 10.

 

Quyết định áp dụng Luật An ninh Nội địa là cần thiết sau khi những người biểu tình chống chính phủ chiếm đóng các tòa nhà chính phủ, phá rối các hoạt động của chính phủ và đe dọa an ninh quốc gia, nữ Thủ tướng Yingluck cho biết.

 

Luật An ninh Nội địa cho phép cảnh sát phong tỏa các con đường, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập và thực hiện những vụ tìm kiếm. Bất chấp việc đã phải dùng đến luật an ninh khẩn cấp, Thủ tướng Thái Lan vẫn bày tỏ hy vọng rằng, những cuộc biểu tình sẽ “miễn trừ” đối với tình trạng bạo lực, không lặp lại kịch bản đẫm máu như năm 2010.

 

Bà Yingluck tiếp tục cam kết sẽ không dùng đến bạo lực trong tiến trình giành lại quyền kiểm soát những khu vực mà người biểu tình đang chiếm giữ. "Trong khi chính phủ áp dụng luật an ninh, chúng tôi sẽ không dùng đến vũ lực để chống lại người dân”, bà Yingluck nhấn mạnh.

 

"Chính phủ muốn yêu cầu mọi người không tham gia những cuộc biểu tình bất hợp pháp và tôn trọng pháp luật”, bà Yingluck nói thêm.

 

Ngày hôm qua (25/11), hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đã xông vào 13 văn phòng nhà nước ở thủ đô Bangkok để gây sức ép đòi nữ Thủ tướng Thái Lan từ chức. Trước tình cảnh khó khăn này, bà Yingluck vẫn rắn rỏi tuyên bố sẽ không từ chức cũng như không giải tán Hạ viện vì sức ép của phe đối lập.

 

Cảnh sát ước tính, con số người biểu tình đổ về thủ đô Bangkok ngày hôm qua là 30.000 người. Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban – người dẫn dắt hàng nghìn người biểu tình xông vào trụ sở của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, đã kêu gọi đám đông không được phá hủy bất kỳ thứ gì trừ việc “làm cho chính phủ thấy đây là sức mạnh của nhân dân”. Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao là hai trong số một loạt các mục tiêu của người biểu tình, trong đó có các đài truyền hình.

 

Kịch bản đẫm máu năm 2010 có tái diễn?

Diễn biến mới nhất trên cho thấy tình trạng phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Những người biểu tình muốn bà Yingluck từ chức bởi họ tin rằng đất nước của họ thực chất đang được điều hành bởi cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai của nữ Thủ tướng Yingluck. Ông Thaksin nắm giữ cương vị Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 đến 2006 trước khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu. Mặc dù đã rời khỏi Thái Lan trong suốt 7 năm qua nhưng cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là nguồn cơn chính gây nên mọi xáo trộn trên chính trường Thái Lan.

 

Em gái của ông Thaksin – bà Yingluck lên cầm quyền vào năm 2011 nhờ phần lớn vào uy tín và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của cựu Thủ tướng bị lật đổ. Tuy nhiên, cũng chính vì ông Thaksin mà chính phủ của bà Yingluck nhiều phen lao đao. Những cuộc biểu tình mới nhất bắt đầu được châm ngòi từ việc chính phủ đưa trở lại dự luật ân xá mà phe đối lập cáo buộc là nỗ lực của chính phủ nhằm “rửa sạch tội” cho ông Thaksin và đưa ông này trở về nước sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài để trốn tránh án tù.

 

Dù dự luật trên đã bị Thượng viện Thái Lan bác bỏ, những người biểu tình chống chính phủ vẫn không chịu rút lui mà thay vào đó còn tiếp tục tiến lên mạnh mẽ để đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ của bà Yingluck.

 

Làn sóng biểu tình ngày hôm qua diễn ra sau khi có tới hơn 100.000 người biểu tình chống và ủng hộ chính phủ đổ về thủ đô Bangkok . Cao điểm là vào tối ngày Chủ nhật (24/11), số lượng người biểu tình đổ về thủ đô đã lên tới con số 400.000 người với rất nhiều người đến từ miền nam Thái Lan – thành trì trung thành với Đảng Dân chủ đối lập.

 

Đảng Dân chủ đối lập đang đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay. Đảng này sẽ thách thức chính phủ trogn một cuộc tranh luận bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày hôm nay (26/11).

 

Cho đến thời điểm hiện tại, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tương đối hòa bình nhưng ngày hôm qua (25/11), Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước thông tin về việc các trụ sở bộ và nhiều cơ quan ban ngành của chính phủ Thái Lan đã bị người biểu tình xông vào chiếm giữ. Rõ ràng, người ta không thể tránh khỏi nỗi lo ngại về kịch bản những cuộc biểu tình đẫm máu diễn ra năm 2010 khi có tới hơn 90 người biểu tình “áo đỏ” thiệt mạng vì căng thẳng leo thang trong cuộc đàn áp của chính quyền do Đảng Dân chủ lãnh đạo khi đó.

 

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy kiềm chế, không dùng đến bạo lực và tôn trọng pháp quyền. Bạo lực và chiếm đóng các cơ quan của chính phủ hay tư nhân đều là cách thức không thể chấp nhận được trong việc giải quyết các bất đồng chính trị”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Jen Psaki phát biểu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc