Đồng minh thân thiết nhất của Mỹ “cầu cứu” Nga

18:45, 21/11/2013
|

(VnMedia) - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua (20/11) đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một nỗ lực cuối cùng nhằm tìm cách thuyết phục Moscow trì hoãn động lực của cộng đồng quốc tế trong việc tiến tới một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Nga và Thủ tướng Israel


Trong thông tin ngắn gọn được đăng tải trên website của điện Kremlin, Moscow chỉ cho biết, Thủ tướng Netanyahu "có chuyến thăm ngắn” đến Nga và hai bên đã bàn về một loạt vấn đề khu vực toàn cầu, quốc tế cũng như mối quan hệ hợp tác song phương.

 

Trên thực tế, Thủ tướng Netanyahu đến Nga với mục đích chính là bàn về cuộc họp giữa nhóm cường quốc P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) với Iran về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Cuộc họp này được cho là sẽ chứng kiến các cường quốc và Iran đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá, giúp “khai thông” thế bế tắc đã tồn tại suốt bao năm nay trong vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, vào thời điểm muộn mằn như thế này, Tổng thống Putin sẽ không thể thay đổi quan điểm của mình trong vấn đề Iran . Nga vốn có quan điểm khá gần với Iran và hoan nghênh nhiệt liệt viễn cảnh P5+1 ký được một thỏa thuận với nước Cộng hòa Hồi giáo.

 

Mặc dù vậy, các cơ quan báo chí dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Israel – ông Ze'ev Elkin – người tháp tùng Thủ tướng Netanyahu đến Moscow, cho biết, thậm chí là chỉ những thay đổi nhỏ trong lập trường của điện Kremlin cũng có thể giúp ích.

 

"Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng làm lung lay quan điểm của Nga như chúng tôi đã làm như vậy với tất cả các người chơi khác. Nga sẽ không chấp nhận hoàn toàn lập trường của Israel . Tuy nhiên, bất kỳ bước thay đổi nào, thậm chí là rất nhỏ, trong lập trường của Nga cũng có thể tác động đến cuộc đàm phán”, ông Elkin cho hay.

 

Trong khi đó, giới chuyên gia Nga cho biết, mục đích của ông Putin trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Netanyahu là cố gắng thuyết phục Nhà lãnh đạo Israel từ bỏ lập trường phản đối cứng rắn đối với bất kỳ thỏa thuận nào với Iran và thừa nhận rằng cộng đồng quốc tế đang tiến tới việc ký kết một thỏa thuận ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và thỏa thuận đó sẽ tốt cho an ninh của đất nước Israel.

 

"Nga sẽ làm hết sức mình để thuyết phục Israel mềm hóa lập trường cứng rắn của nước này và từ bỏ yêu cầu đòi thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với Iran ”, ông Vladimir Sotnikov – một chuyên gia hàng đầu về Trung Đông của Nga, cho biết.

 

"Thực tế về việc Thủ tướng Netanyahu đến Moscow để hội đàm với Tổng thống Putin là một dấu hiệu tích cực. Chắc chắn là sẽ khó để thay đổi lập trường của Israel nhưng tôi vẫn có sự lạc quan một cách thận trọng rằng, điều đó có thể làm được. Những cuộc đàm phán như vậy luôn là một con đường hai chiều”, ông Sotnikov nói thêm.

 

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã nói với giới phóng viên rằng, ông tin tưởng, vòng đàm phán lần này của nhóm P5+1 với Iran sẽ thành công trong việc đạt được một thỏa thuận bất chấp sự phản đối gay gắt của Israel và sự leo thang căng thẳng liên quan đến vụ đánh bom kép hôm 19/11 ở bên ngoài Đại sứ quán Iran ở Beirut khiến ít nhất 23 người thiệt mạng.

 

"Tôi hoài nghi về việc ông Netanyahu có thể thay đổi bất kỳ điều gì. Phái đoàn Nga đến Geneva đã nhận được sự chỉ đạo và họ biết phải làm gì, nói gì. Tất cả mọi người nên bắt đầu nhìn về phía trước, bởi vì phần lớn mọi thứ đều phụ thuộc vào việc Iran sẽ hợp tác như thế nào trong cái khung của thỏa thuận tạm thời” mà các nước có thể ký kết với nhau trong cuộc họp ngày hôm nay, ông Vladimir Sazhin – một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông ở Moscow cho biết.

 

Hồi đầu tháng này, báo chí quốc tế rầm rộ đưa tin về việc Iran và các cường quốc sắp đạt được một thỏa thuận về việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được tháo dỡ bớt những biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế của Nhà nước Hồi giáo. Tin tức này được phát đi đã gây sốc cho Israel – nước láng giềng cũng là địch thủ lâu đời của Iran .

 

Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi đó cho biết, “nếu thông tin về lời đề nghị của các cường quốc cho Iran là sự thực thì đó sẽ là một thỏa thuận thế kỷ dành cho Iran ”. Ông Netanyahu cho biết, ông “kinh ngạc và choáng váng” trước thông tin về việc Iran “gần như không phải từ bỏ điều gì mà vẫn được các cường quốc giảm áp lực mà họ đã mất nhiều năm để tạo ra”.

 

Trước phản ứng trên của Israel , Mỹ - đồng minh thân thiết nhất của Nhà nước Do Thái đã có động tác trấn an. Theo đó, giới chức Mỹ khẳng định, họ chỉ nới lỏng các biện pháp trừng phạt cho Iran “một cách hạn chế, có mục tiêu và vẫn có thể thay đổi”. Sự nới lỏng đó sẽ không làm ảnh hưởng đến các biện pháp trừng phạt cốt lõi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ám chỉ đến các biện pháp trừng phạt đang làm tê liệt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Nếu Iran nuốt lời, “các biện pháp nới lỏng tạm thời và ít ỏi đó nhanh chóng sẽ bị ngừng lại và chúng tôi vẫn đang ở trong tư thế sẵn sàng tăng thêm áp lực hơn nữa bằng cách đưa ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo.

 

Tuy vậy, những lời cảnh báo trên của Mỹ cũng không thể làm cho đồng minh thân thiết nhất của họ là Israel yên lòng. Giới chức Israel vẫn “sục sôi” tìm cách thuyết phục các cường quốc khác, trong đó có Nga để tiếp tục gây sức ép lên nước láng giềng Iran của họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc