Chính phủ Thái chao đảo vì biểu tình

06:47, 26/11/2013
|

(VnMedia) - Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ Thái Lan hôm nay (25/11) đã ào lên phá vỡ các rào chắn và hàng rào cảnh sát để xông vào chiếm giữ trụ sở của Bộ Tài chính ở Bangkok .

Ảnh minh họa

 Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đang gây sức ép đòi nữ Thủ tướng Yingluck từ chức


Trong khi đó, hàng chục nghìn người biểu tình khác cũng đang đổ ra khắp các đường phố ở thủ đô Bangkok . Tất cả những hành động này đều là nhằm để gây sức ép buộc chính phủ của nữ Thủ tướng trẻ tuổi và xinh đẹp – Yingluck Shinawatra phải từ chức. Có lẽ chưa thời điểm nào kể từ khi lên cầm quyền, bà Yingluck lại phải đối mặt với một tình thế khó khăn như thời điểm này.

 

Sau nhiều giờ đối mặt căng thẳng, cảnh sát đứng bảo vệ bên ngoài trụ sở của Bộ Tài chính Thái Lan và Cục Ngân sách ngay bên cạnh đã rút lui khỏi vị trí, nhường đường cho người biểu tình xâm nhập vào bên trong và chiếm giữ những nơi này.

 

Lãnh đạo làn sóng biểu tình chống chính phủ Thái Lan hiện nay – cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cho biết, ông đang kêu gọi những người biểu tình chiếm đóng trụ sở của tất cả các bộ khác từ ngày mai (26/11) với mục đích là làm tê liệt chính phủ của bà Yingluck.

 

"Tôi đã mời những người biểu tình ở lại cố thủ tại trụ sở của Bộ Tài chính đêm nay. Tôi kêu gọi họ làm tương tự và chiếm giữ các tòa nhà cũng như văn phòng chính phủ khác trên khắp đất nước”, ông Suthep đã hùng hồn phát biểu như vậy trước đám đông đang tụ tập trước cổng Bộ Tài chính.

 

Ông Suthep không cho biết bộ nào sẽ là mục tiêu tiếp theo của những người biểu tình bởi hầu hết trụ sở của các cơ quan chính phủ đều được đặt tại trung tâm thủ đô Bangkok .

 

Những người biểu tình không chỉ xâm nhập vào trong khuôn viên của Bộ Tài chính và Cục Ngân sách mà còn xông hẳn vào bên trong các khu nhà và văn phòng, buộc nhân viên chính phủ phải rời khỏi vị trí làm việc. Ngay sau khi chiếm được Bộ Tài chính, toàn bộ mạng lưới điện ở tòa nhà này đã bị cắt đứt.

 

Lãnh đạo cuộc biểu tình – ông Suthep còn kêu gọi những người làm việc bên trong trụ sở của Cục Quan hệ Công chúng gần đó hãy rời đi để nhường chỗ cho người biểu tình tràn vào, chiếm đóng nơi này.

 

"Cục Ngân sách và Bộ Tài chính phải bị đóng cửa trong một thời gian để tiền của những người đóng thuế không còn được cung cấp cho chính phủ tham nhũng”, ông Suthep đã phát biểu như vậy trước đám đông những người reo hò. Nhiều trong số họ còn huýt còi ầm ĩ.

 

Trong khi đó, những người biểu tình được dẫn dắt bởi nhóm gọi là Mạng lưới Sinh viên và Người dân vì Sự nghiệp Cải cách Thái Lan vẫn đang có cuộc đối đầu căng thẳng với lực lượng cảnh sát bên ngoài trụ sở của Cảnh sát Thành phố Bangkok – nơi cách Tòa nhà Chính phủ chưa đầy nửa km.

 

Hàng ngàn người biểu tình rõ ràng đang tìm cách thắt chặt một vòng vây bao quanh Tòa nhà Chính phủ, khiến Thủ tướng Yingluck phải đổi chỗ cuộc họp nội các sang trụ sở của Bộ Thương mại ở khu vực ngoại ô phía tây bắc.

 

Trên khắp thủ đô Bangkok , khoảng 30.000 người biểu tình vừa diễu hành vừa hô to khẩu hiệu yêu cầu nữ Thủ tướng Yingluck từ chức. Lực lượng này tỏa đi khắp nơi nhằm tìm cách bao vây các văn phòng chính phủ, các căn cứ quân sự, hải quân và một số đài truyền hình.

 

Giới lãnh đạo biểu tình ước tính, ít nhất 1 triệu người biểu tình chống chính phủ tụ về gần Đài Tưởng niệm Dân chủ cho một cuộc diễu hành khắp thành phố. Tuy nhiên, con số ước tính của cảnh sát dao động khoảng 180.000 đến 200.000 người biểu tình và đây là cuộc biểu tình rầm rộ nhất ở đất nước Thái Lan trong vòng 3 năm trở lại đây.

 

Làn sóng biểu tình lớn nhất nói trên được châm ngòi từ sự kiện chính phủ tìm cách đưa trở lại dự luật ân xá – một dự luật mà phe đối lập tin là một nỗ lực của Thủ tướng Yingluck nhằm “rửa sạch tội lỗi” cho cựu Thủ tướng Thaksin cũng là anh trai của bà và đưa ông này trở về nước.

 

Mặc dù dự luật gây tranh cãi trên đã bị Quốc hội Thái Lan bác bỏ nhưng những người chống chính phủ vẫn đổ ra đường biểu tình nhằm tìm cách lật đổ chính phủ mà họ cáo buộc chỉ là con rối trong tay cựu Thủ tướng Thaksin.

 

Thủ tướng Thái tuyên bố không từ chức

 

Trước làn sóng biểu tình rầm rộ của những người chống đối chính phủ, nữ Thủ tướng Yingluck xinh đẹp tự tin và rắn rỏi tuyên bố, bà sẽ không từ chức. "Tôi không có ý định từ chức hay giải tán Quốc hội. Nội các vẫn có thể hoạt động đúng chức năng mặc dù chúng tôi đang phải đối mặt với một số khó khăn. Tất cả các bên đều có những mục đích chính trị của họ. Vì thế, lúc này họ cần phải đối mặt với nhau và đàm phán để có thể tìm kiếm một con đường hòa bình cho đất nước”.

 

Sau khi thể hiện sự kiên quyết và cứng rắn, bà Yingluck cũng không quên chỉ trích những người biểu tình. Nữ Thủ tướng Thái Lan nói rằng, hành động chiếm đóng Bộ Tài chính của những người chống chính phủ trong ngày hôm nay có thể làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư và làm phương hại đến ngành du lịch.

 

Theo bà Yingluck, sự leo thang trong các cuộc biểu tình đường phố đang đe dọa gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, bà Yingluck khẳng định, chính phủ sẽ không áp dụng thêm bất kỳ biện pháp an ninh nào.

 

“Các quan chức không có vũ khí và chúng tôi không muốn chứng kiến bất kỳ vụ bạo lực nào. Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra như thế này, tôi lo ngại rằng tình hình có thể sẽ leo thang”, Thủ tướng Thái Lan đã phát biểu như vậy trước cánh phóng viên.

 

Lực lượng cảnh sát Thái Lan đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn tình trạng leo thang bạo lực. Tuy nhiên, phát ngôn viên cảnh sát – ông Piya Utayo khẳng định: “Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực và sẽ cố gắng tránh để xảy ra bất kỳ tình trạng thương vong nào”.

 

Cùng thời điểm này, ít nhất 20.000 (có nguồn tin là 50.000) người ủng hộ chính phủ Thái Lan cũng đã tụ tập về một sân vận động địa phương để thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ của họ đối với chính phủ. Những người “áo đỏ” thề sẽ sát cánh bên nữ Thủ tướng Yingluck đồng thời cáo buộc phe đối lập đang tìm cách kích động quân đội nhảy vào can thiệp tình hình trên chính trường Thái Lan hiện nay.

 

“Việc có bao nhiêu người biểu tình chống chính phủ có mặt ở thủ đô không quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ nếu họ cố tình gây bạo lực, mọi việc sẽ thay đổi. Nếu các kẻ thù của chúng tôi tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính quân sự thì chúng tôi sẽ xuất hiện đúng lúc”, ông Thida Thawornseth – lãnh đạo lực lượng áo đỏ ủng hộ chính phủ, tuyên bố đầy mạnh mẽ như vậy.

 

Cả hai nhóm chống và ủng hộ chính phủ đều thề sẽ ở lại thủ đô Bangkok để tiếp tục cuộc biểu tình. Diễn biến này đã cho thấy cuộc chiến mới nhất giữa hai thành phần chống và ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc