Chìa tay với địch thủ, Mỹ khiến đồng minh giận sôi

07:30, 25/11/2013
|

(VnMedia) - Iran và nhóm các cường quốc P5+1 hôm qua (24/11) đã ký được một thỏa thuận hạt nhân mang tính “lịch sử”. Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới đều lên tiếng hoan nghênh về diễn biến tích cực đó thì chỉ mình Israel là “sôi sục” tức giận, miêu tả thỏa thuận này là một “sai lầm lịch sử”.

 

Ảnh minh họa

 Các cường quốc lạc quan với thỏa thuận vừa đạt được với Iran


Iran đã chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình trong 6 tháng tới để đổi lấy việc được nới lỏng một cách hạn chế các biện pháp trừng phạt. Đây được xem là một thỏa thuận tam thời, sơ bộ ban đầu nhằm đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn diện vào cuối năm nay.

 

Theo thỏa thuận mang tính đột phá vừa được ký kết, Tehran sẽ giới hạn các hoạt động làm giàu uranium. Đây chính là lĩnh vực nhạy cảm gây hoài nghi nhất trong chương trình hạt nhân của Iran . Uranium được làm giàu ở cấp độ thấp chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất điện năng nhưng nếu loại nhiên liệu này được làm giàu ở cấp độ cao, nó có thể được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

 

Trong vòng 6 tháng tới, Tehran đã đồng ý sẽ hủy bỏ số uranium được làm giàu ở mức độ tinh khiết hơn 20% mà nước này đang dự trữ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết. Uranium được làm giàu ở mức độ hơn 20% là tiến rất sát với cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân.

 

Iran cũng sẽ không tăng thêm số lượng uranium được làm giàu ở cấp độ thấp trong kho dự trữ của nước này cũng như không lắp đặt thêm các máy ly tâm hay cho khởi động lò phản ứng nước nặng Arak – nơi có thể sản xuất plutonium cho bom nguyên tử.

 

Thỏa thuận giữa Iran và các cường quốc cũng cho phép các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc có sự tiếp cận thêm nữa “chưa từng có”, trong đó có việc được hàng ngày đến giám sát trực tiếp tại hai cơ sở làm giàu uranium Fordo và Natanz.

 

Đổi lại, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ nhận được sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt có trị giá khoảng 7 tỉ USD đồng thời các cường quốc cũng cam kết không áp đặt thêm bất kỳ đòn trừng phạt nào mới trong 6 tháng tới nếu Tehran tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận.

 

Thỏa thuận lịch sử trên đã được ký kết trong các cuộc đàm phán kéo dài dai dẳng và căng thẳng ở Geneva hồi tuần trước giữa Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc) cùng với Đức.

 

Các nhà lãnh đạo thế giới hôm qua đều đồng loạt lên tiếng ca ngợi thỏa thuận mang tính đột phá trong vấn đề hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1, coi đó là một chiến thắng về ngoại giao. Thảo thuận này chính là bước đầu tiên để ngăn chặn viễn cảnh leo thang quân sự trong khu vực – một bước đột phá mang tính địa chính trị mà chẳng ai dám nghĩ đến chỉ cách đây vài tháng. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo thế giới cũng tỏ ra thận trọng khi nói, nhiệm vụ khó khăn trong việc ngăn không cho Iran chế tạo bom hạt nhân mới chỉ bắt đầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng: “Thỏa thuận vừa đạt được là một danh sách cân bằng các biện pháp mà chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến diễn biến tình hình quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông”. Trong khi đó, Tổng thống Obama phát biểu: “Ngày hôm nay, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác thân thiết đã đạt được bước đi quan trọng đầu tiên tiến tới một giải pháp toàn diện nhằm giải quyết mối quan hệ của chúng ta với chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ”.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, thỏa thuận mới có thể “là bước khởi đầu cho một thỏa thuận lịch sử” ở khu vực Trung Đông.

 

Về phần mình, Tehran tự hào khi thỏa thuận mà họ vừa đạt được với các cường quốc đã công nhận “quyền” làm giàu uranium của họ cho mục đích hòa bình.

 

Israel sôi sục tức giận

 

Trong khi cộng đồng quốc tế phản ứng tích cực với thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 thì riêng minh Israel lại có phản ứng vô cùng gay gắt trước diễn biến này.

 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua (24/11) chỉ trích thỏa thuận trên là một “sai lầm lịch sử” đồng thời tái khẳng định quan điểm về việc thỏa thuận đó nguy hiểm ra sao đối với sự an toàn của Nhà nước Do Thái. Ông Netanyahu nhấn mạnh, Israel không bị ràng buộc bởi thỏa thuận trên và vẫn để ngỏ khả năng tấn công nước láng giềng Iran .

 

Israel được cho là quốc gia Trung Đông duy nhất có vũ khí nguyên tử và nước này không ký vào Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Nhà nước Do Thái luôn coi Iran là “mối đe dọa” đối với sự tồn tại của họ.

 

Thủ tướng Netanyahu cùng với các quan chức của mình liên tục khẳng định, Israel có quyền bảo vệ chính mình và vì thế họ có quyền tấn công Iran nếu cần thiết.

 

Quan hệ giữa Israel với đồng minh truyền thống lâu đời Mỹ đã trở nên giá lạnh trong nhiều tháng trở lại đây, vì bất đồng trong cách thức giải quyết vấn đề Iran . Trong khi Mỹ thể hiện thiện chí sẵn sàng chìa tay với Iran thì Israel chỉ muốn đồng minh thân thiết nhất của họ gây áp lực mạnh hơn với nước Cộng hòa Hồi giáo láng giềng bằng các biện pháp trừng phạt thêm nữa.

 

Sự căng thẳng trên đã leo lên đến đỉnh điểm hồi tuần trước khi Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố, Nhà nước Do Thái có lẽ nên tìm kiếm một đồng minh mới thay vì Mỹ.

 

Trong một phát biểu được cho là nhằm để trấn an đồng minh, giới chức Mỹ cho biết, phần lớn các biện pháp trừng phạt quốc tế gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế Iran vẫn giữ nguyên. Những nới lỏng về biện pháp trừng phạt của quốc tế “chỉ giới hạn, tạm thời, có mục tiêu và có thể đảo ngược”, Nhà Trắng cho biết đồng thời khẳng định, “mọi biện pháp trừng phạt có sức nặng đối với cấu trúc ngân hàng, tài chính và dầu mỏ” của Iran vẫn được giữ nguyên.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc