Các đồng minh lần lượt rời bỏ Mỹ?

13:30, 11/11/2013
|

(VnMedia) - Quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh thân thiết ở Trung Đông đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi nhiều nước thể hiện sự tức giận, bất mãn và thậm chí là sẵn sàng quay lưng với cường quốc số 1 thế giới.

 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang vất vả ngược xuôi lo tìm cách hàn gắn quan hệ với các đồng minh Trung Đông.


Có vẻ như chưa lúc nào, vị thế của Mỹ ở khu vực Trung Đông lại chông chênh như lúc này. Đầu tiên là Ai Cập, rồi đến Ả-rập Xê-út và ngay cả Israel đều đang lần lượt tỏ rõ sự không hài lòng với Mỹ - đồng minh mà họ đã gắn bó chặt chẽ suốt mấy chục năm qua. Thậm chí, Ai Cập còn cho thấy, nước này sẵn sàng quay lưng với Mỹ chạy sang phía Nga - đối thủ lớn nhất tranh giành ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực.

 

Ai Cập-Mỹ: Phá vỡ mối thâm tình 35 năm?

 

Ai Cập vốn là một trong những nước đồng minh vững chắc nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Mối quan hệ thân thiết này đã được duy trì và bảo vệ suốt 35 năm qua. Tuy nhiên, gần đây, người ta bắt đầu phát hiện những vệt rạn nứt ngày càng lớn trong liên minh này.

 

Mỹ đã khiến Ai Cập nổi giận khi có những động thái thể hiện sự không ủng hộ của nước này đối với chính quyền thời hậu Morsi.

 

Sau khi Tổng thống Mohammed Morsi thuộc Đảng Anh em Hồi giáo ở Ai Cập bất ngờ bị quân đội truất quyền dù ông này được bầu lên một cách dân chủ, Tổng thống Barack Obama đã quyết định phong tỏa một phần viện trợ quân sự cho Ai Cập hồi tháng trước. Động thái này được hiểu là hành động thể hiện sự ủng hộ đối với ông Morsi và sự không hài lòng với chính quyền hiện thời ở Ai Cập của phía Wahsington. Đây là lý do khiến quan hệ Ai Cập và Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn không mấy êm ả.

 

Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy đã có phát biểu gây choáng váng khi công khai cảnh báo Mỹ về hành động cắt viện trợ quân sự và ngừng cung cấp vũ khí cho nước này. Ai Cập tuyên bố sẽ tìm đến các nguồn quân sự mới ngoài Mỹ để đáp ứng nhu cầu an ninh của nước này và cụ thể ở đây là Nga. Theo lời ông Fahmy, Ai Cập có “nhiều lựa chọn, nhiều con đường” để tiến lên phía trước, trong đó có những mối quan hệ quân sự. Nói là làm, gần đây, người ta thấy Ai Cập đang tăng cường tiếp xúc với phía Nga và quan hệ giữa hai nước này được cho là đang tiến triển mạnh mẽ.

 

Bước đi đầy thách thức trên của Ai Cập khiến Mỹ không khỏi cảm thấy “cay đắng”. Còn gì bẽ bàng hơn khi Mỹ sắp mất vào tay đối thủ Nga một trong những đồng minh quan trọng nhất khu vực – một đồng minh mà họ đã nâng đỡ suốt mấy thập kỷ qua. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy nguy cơ Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông sống còn vào tay Nga.

 

Nhận thức rõ nguy cơ trên, Ngoại trưởng Nga mới đây cũng đã bí mật thực hiện một chuyến thăm đến Ai Cập để hàn gắn quan hệ giữa hai nước nhưng xem ra chuyến đi này không mấy thành công. Trong lúc đó, quan hệ Nga-Ai Cập lại đang tiến từng bước vững chắc. Giới chức ngoại giao và quân sự Nga và Ai Cập vừa có cuộc gặp gỡ để bàn về việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước.

Đặc biệt, đáng chú ý hơn là chuyến thăm của đích thân Tổng thống Vladimir Putin đến Ai Cập vào cuối tháng này. Theo dự đoán của giới phân tích, trong chuyến thăm đó, Tổng thống Putin sẽ thông báo về một thỏa thuận vũ khí lớn giữa hai nước. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ-Ai Cập đang yếu đi và cán cân ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông đang thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Nga.

 

Ả-rập Xê-út bất mãn với Mỹ về vấn đề Syria , Iran

 

Không chỉ khiến đồng minh Ai Cập nổi giận, Mỹ còn đang ngày một đẩy Ả-rập Xê-út ra xa mình. Ả-rập xê-út gần đây đã thể hiện sự bất mãn rất lớn đối với Mỹ trong vấn đề Syria Iran .

 

Sát cánh với Mỹ trong suốt hơn 2 năm qua trong vấn đề Syria , Ả-rập Xê-út không tránh khỏi sự thất vọng, chán ngán và tức giận trước chính sách ậm ờ, lững lờ và nước đôi của Mỹ đối với tình hình Syria . Ả-rập Xê-út muốn Mỹ phải ra tay quyết liệt, kiên quyết để sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria nhưng Washington hiện tại đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rõ ràng, Mỹ muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng lại không dám ủng hộ hết mình cho phe nổi dậy Syria bởi quá lo ngại viễn cảnh nước này vô tình tiếp tay cho lực lượng Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở đất nước Syria .

 

Chờ đợi trong “mỏi mòn” vì không thấy cường quốc số 1 thế giới hành động kiên quyết trên chiến trường Syria, Ả-rập Xê-út đã phá bỏ chính sách truyền thống lâu nay là thận trọng, kín đáo để công khai đe dọa phá vỡ mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Mỹ để theo đuổi một vai trò lớn hơn, độc lập hơn trong việc hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Assad.

 

Cách đây không lâu, Ả-rập Xê-út từng khiến nhiều nước choáng váng, ngỡ ngàng không nói lên lời khi quốc gia Trung Đông này thẳng thừng từ chối chiếc ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc- một vị trí có tiếng nói quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Lý do mà Ả-rập Xê-út đưa ra là họ không hài lòng trước sự bất lực của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề về Syria hay cuộc chiến giữa Israel Palestine .

 

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, hành động bất ngờ trên của Ả-rập Xê-út là hoàn toàn nhằm vào Mỹ, thể hiện sự bất mãn của nước này với đồng minh siêu cường số 1 thế giới.

 

Mới đây nhất, Ả-rập Xê-út còn tỏ ra tức giận trước thông tin Mỹ đang chìa tay ra với Iran . Thậm chí, Ả-rập Xê-út còn đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng, nước này sẽ tìm kiếm bom hạt nhân trong trường hợp các cường quốc không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran .

 

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến trường hợp của Israel . Nhà nước Do Thái này vốn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, thời gian qua, người ta cũng chứng kiến quan hệ liên minh này có dấu hiệu sứt mẻ. Israel không hài lòng với cách xử lý vấn đề Iran của chính quyền Tổng thống Obama. Thủ tướng Israel mới đây đã bày tỏ sự “kinh ngạc” đến mức không tin được về việc Mỹ có ý định dỡ bỏ bớt những lệnh trừng phạt cho Iran để đổi lấy một số đề xuất mà Iran đưa ra trong chương trình hạt nhân nhưng Israel khẳng định đó là những đề xuất chẳng có ý nghĩa gì.

 

Với những diễn biến trên, có vẻ như nước Mỹ hùng cường và đầy uy lực đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao thực sự trên chính trường thế giới mà bấy lâu nay họ luôn ở vị trí “cầm trịch”.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc