Bấp bênh số phận siêu tên lửa hủy diệt của Nga

14:47, 14/11/2013
|

(VnMedia) - Hải quân Nga đã quyết định hoãn không tiến hành thêm bất kỳ vụ phóng tên lửa siêu hủy diệt Bulava nào từ tàu ngầm tối tân cho đến năm sau. Thông tin này đã được Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Viktor Chirkov hôm qua (13/11) cho biết.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


“Tất cả các kế hoạch đều được rời sang năm sau theo lịch trình của các vụ thử nghiệm cấp quốc gia”, ông Chirkov cho biết tại một cuộc họp báo về triển vọng ngành đóng tàu quân sự Nga cho đến năm 2050.

 

Trước đó, hồi giữa tháng 9, ông Ivan Kharchenko – Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban Công nghiệp-Quân sự Nga, tuyên bố, những vụ thử tên lửa Bulava mới sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh phải tiến hành thêm ít nhất 5 lần phóng tử tên lửa Bulava SLBM sau một vụ thử thất bại hôm 6/9 mới đây. Khi đó, trong vụ thử cấp quốc gia dành cho tàu ngầm hạt nhân tối tân Alexander Nevsky ở Biển Trắng, một tên lửa Bulava được bắn đi từ con tàu này đã rơi ngay vào phút thứ hai khi tên lửa bay lên trời.

 

Với thất bại đó, 8 trong số 19 hay 20 vụ thử tên lửa Bulava chính thức bị tuyên bố là không thành công. Trên thực tế, một số nhà phân tích tin rằng, số lần thất bại thực sự có thể còn cao hơn rất nhiều con số 8 được công bố.

 

Bulava là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Đây là loại tên lửa 3 giai đoạn dùng nhiên liệu đẩy rắn. Tên lửa này nặng 36,8 tấn, có thể mang từ 6 tới 10 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn lên tới hơn 8.000km. Một tên lửa Bulava có sức công phá khủng khiếp gấp 100 lần vụ nổ phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

 

Tên lửa Bulava được thiết kế dành riêng cho tàu ngầm hạt nhân lớp Borey và nó được xem là tên lửa hạt nhân tối tân nhất, hùng mạnh nhất của Nga. Nga muốn phát triển tên lửa Bulava thành thứ vũ khí trụ cột trong kho hạt nhân của nước này. Dự án phát triển tên lửa Bulava (SS-NX-30) là một trong những dự án vũ khí đắt nhất của Nga.

 

Sau nhiều vụ thử nghiệm tên lửa Bulava thất bại, có không ít các quan chức và chuyên gia quân sự Nga đã tỏ ra hoài nghi về dự án đặt đỏ này. Giới quan chức quân sự hàng đầu Nga từng muốn phá bỏ dự án phát triển tên lửa Bulava nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc các tàu ngầm lớp Borey cần phải thay đổi rất nhiều và chi phí cho dự án này sẽ đội lên rất nhiều. Đây là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh Nga đang thiếu tài chính cho kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Vì thế, Moscow luôn nhấn mạnh, sẽ không có sự thay thế nào đối với tên lửa Bulava.


Kiệt Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc