Ấn Độ đã có vũ khí “ép" tàu sân bay Trung Quốc

19:45, 16/11/2013
|

(VnMedia) - Nga hôm nay (16/11) đã chính thức chuyển giao chiếc tàu sân bay mà nước này tân trang lại cho Ấn Độ sau 5 năm trì hoãn với chi phí đội lên rất cao. Sự kiện này giúp chấm dứt mối quan hệ căng thẳng giữa New Delhi với Moscow - nhà cung cấp vũ khí chính của quốc gia Châu Á. Và với tàu sân bay được chuyển giao, Hải quân Ấn Độ chính thức có vũ khí “hù dọa” tàu sân bay Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa

Tàu sân bay mới của Ấn Độ


INS Vikramaditya sẽ khởi hành từ xưởng đóng tàu Sevmash ở thành phố Severodvinsk của nước Nga và dự kiến sẽ đi qua Kênh đào Suez trước khi đến vùng lãnh hải của Ấn Độ vào năm sau.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A K Antony hôm nay đã chính thức tiếp nhận tàu sân bay INS Vikramaditya. Sẽ có một số con tàu đi theo để hộ tống tàu Vikramaditya trở về cảng ở Ấn Độ. Cụ thể, một nhóm gồm 5 tàu sẽ hộ tống tàu sân bay Vikramaditya dưới sự giám sát chặt chẽ vì vấn đề an ninh khi con tàu này đi qua Kênh đào Suez và các tuyến đường nhạy cảm khác, tờ Indian Express cho biết.
 
Việc đưa tàu sân bay Vikramaditya vào biên chế của Hải quân Ấn Độ sẽ giúp nước này tăng cường năng lực phòng thủ khi đang phải đối diện với một nước láng giềng Trung Quốc ngày càng mạnh về quân sự và ngày càng quyết liệt trong chính sách đối ngoại.
 
Tàu Vikramaditya (tên cũ của Nga là Đô đốc Gorshkov) được tân trang tại Nhà máy đóng tàu Sevmash ở miền bắc Nga. Bản hợp đồng mua hàng không mẫu hạm này được Nga và Ấn Độ ký kết vào năm 2004 và thời hạn giao tàu dự kiến ban đầu là vào năm 2008. Tuy nhiên, việc bàn giao đã bị trì hoãn đến ba lần, kéo dài tận 5 năm và đẩy giá trị bản hợp đồng từ 947 triệu USD đội lên đến 2,3 tỉ USD.
 
Chính vì sự trì hoãn và giá trị hợp đồng bị đẩy lên cao gấp nhiều lần trên đã khiến quan hệ Nga, Ấn gặp nhiều khúc mắc dù hai nước vốn có mối quan hệ chặt chẽ về mặt quân sự.
 
Hiện Hải quân Ấn Độ cũng đã được trang bị phi đội chiến đấu cơ MiG-29 phiên bản hoạt động trên tàu sân bay đầu tiên của nước này, được đặt tên là "Black Panthers" (Báo đen).
 
Nga từ lâu đã là một nhà cung cấp quân sự chủ chốt cho Ấn Độ. Moscow cung cấp tới 70% số vũ khí và trang thiết bị quân sự cho cường quốc Châu Á. Tuy nhiên, gần đây, New Delhi bắt đầu hướng thêm đến các nhà xuất khẩu như Israel, Mỹ và Pháp.
 
Ấn Độ trở thành nước thứ ba có trên một tàu sân bay

Với việc tiếp nhận chiếc tàu sân bay INS Vikramaditya  có trọng tải 44.500 tấn, Hải quân Ấn Độ không chỉ có được trong tay chiếc tàu chiến lớn nhất của mình mà còn trở thành nước thứ ba sau Mỹ và Italia sở hữu hơn một chiếc tàu sân bay – loại tàu chiến được ví là bá chủ đại dương.
 
Tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ có rất nhiều điểm tương đồng với chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Tàu Liêu Ninh đã được gia nhập vào biên chế của Hải quân Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái. Cả hai con tàu này không chỉ là biểu tượng cho niềm tự hào của lực lượng Hải quân Trung, Ấn mà còn thể hiện tham vọng tăng cường sức mạnh hàng hải của hai nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, tàu sân bay của Trung Quốc và Ấn Độ giống hệt chiếc tàu đô đốc của Hải quân Nga - Kuznetsov. Cả 3 con tàu này đều là thiết kế của cục thiết kế tàu Severonye ở St Peterburg.
 
Tàu sân bay mới của Ấn Độ có thể mang theo 30 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29K và trực thăng chống ngầm Ka-28. Trong khi, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có thể mang theo những chiếc máy bay J-15 lớn hơn – một phiên bản Trung Quốc của máy bay Su-33 của Nga.
 
Ấn Độ và Trung Quốc dường như đang có cuộc “đua” tàu sân bay. Tàu sân bay được ví là “bá chủ đại dương”, vì thế, hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang đặt ưu tiên cao cho việc phát triển loại chiến hạm này. Hải quân Ấn Độ đã công khai tuyên bố về kế hoạch thiết lập một lực lượng gồm 3 tàu sân bay thông thường. Trong khi Trung Quốc cũng đang tự đóng cho mình những chiếc tàu sân bay mới.
 
Hiện tại, Hải quân Ấn Độ đã có trong tay hai tàu sân bay và nước này có đủ sức mạnh để có thể "hù dọa" được nước láng giềng Trung Quốc.
 
Theo nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, cường quốc này có kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân hùng hậu có đến 200 tàu chiến trong 10 năm tới, trong đó có 3 tàu sây bay bá chủ đại dương.
 
Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến một Ấn Độ hoàn toàn đổi khác. Nếu như trước đây, New Delhi được cho là luôn tìm cách thoái lui trước sự dọa dẫm của Trung Quốc thì nay tình hình đã thay đổi. Điều này được thể hiện rõ qua việc New Delhi trong thời gian qua liên tục tăng cường sức mạnh quốc phòng. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua. Nước này cũng đẩy mạnh hoạt động tự chế tạo vũ khí hiện đại.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ từng tuyên bố, họ muốn dựng lên một hàng rào bảo vệ vững chắc và đáng tin cậy trước một nước láng giềng khổng lồ được trang bị hết sức đầy đủ. Mục đích của New Delhi trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng một phần là nhằm đối phó với những thách thức an ninh từ phía Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc