90.000 người đòi lật đổ nữ Thủ tướng Thái

09:21, 25/11/2013
|

(VnMedia) - Hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ của nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp Yingluck Shinawatra hôm qua (24/11) đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Bangkok. Diễn biến này khiến người ta lo ngại viễn cảnh đất nước Thái Lan lại rơi vào thời kỳ chao đảo, bất ổn mới do sự trỗi dậy của các cuộc biểu tình đường phố sau làn sóng biểu tình đẫm máu năm 2010.

 

Ảnh minh họa

 Nữ Thủ tướng Thái Lan không giấu khỏi nỗi lo ngại trước những xáo trộn và bất ổn gần đây ở trên chính trường Thái Lan


Cảnh sát ước tính, có khoảng 90.000 người chống nữ Thủ tướng Yingluck và chính phủ của bà đã tụ họp về 3 địa điểm ở khu trung tâm lịch sử của thủ đô Bangkok để tiến hành cuộc biểu tình kêu gọi lật đổ chính phủ của nữ chính khách xinh đẹp.

 

Trong khi đó, trên khắp thủ đô, cũng có khoảng 50.000 người “áo đỏ” ủng hộ chính phủ đổ về một khu vực sân vận động ở ngoại ô thủ đô Bangkok trong một cuộc mít tinh thể hiện sự ủng hộ dành cho bà Yingluck.

 

Cả hai nhóm người biểu tình trên đều tuyên bố sẽ ở lại thủ đô qua đêm khi mà tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang từng giờ ở Bangkok - nơi đã từng chứng kiến nhiều vòng xoáy bất ổn liên tiếp kể từ sau khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai của bà Yingluck - bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự cách đây 7 năm.

 

Những hình ảnh ghi được từ trên không cho thấy hàng chục nghìn người biểu tình hôm qua đã lèn chật kín các con đường dẫn tới Đài Tưởng niệm Dân chủ ở thủ đô Bangkok – nơi đang trở thành điểm tập trung của các cuộc biểu tình chống chính phủ sôi sùng sục nhưng vẫn được duy trì trong tình trạng hòa bình.

 

Phát biểu trước đám đông người biểu tình vẫn cắm chốt ở Bangkok cho đến tận đêm qua, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đã kêu gọi những người này diễu hành tới hơn một chục địa điểm trên khắp thủ đô vào sáng ngày hôm nay (25/11). Những địa điểm này bao gồm một loạt cơ quan của nhà nước cũng như không phải của nhà nước như các căn cứ quân sự, hải quân chính, các trụ sở của cảnh sát cùng với một số đài truyền hình nhưng không có Tòa nhà Quốc hội bởi cơ quan này đang được đặt trong tình trạng an ninh đặc biệt.

 

"Chúng tôi sẽ hỏi họ xem liệu họ phục vụ ông Thaksin, hệ thống của ông ta và bà Yingluck hay là họ đứng về phía nhân dân”, ông Suthep phát biểu. "Chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho đến khi hệ thống của ông Thaksin phải biến mất mãi mãi khỏi đất nước Thái Lan”, cựu Phó Thủ tướng cho biết đồng thời nói thêm rằng, cuộc diễu hành của họ sẽ bắt đầu vào 8h30 sáng nay.

 

Phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan - ông Piya Utayo trước đó cho biết, giới chức cầm quyền đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đối phó với những cuộc biểu tình nhưng cam kết “sẽ không sử dụng vũ lực”.

 

Thủ đô của đất nước Thái Lan trong mấy tuần gần đây đã liên tiếp phải đối mặt với những cuộc biểu tình của phe đối lập gây ra do dự luật ân xá. Những người biểu tình chống chính phủ tin rằng, dự luật ân xá do chính phủ đưa ra là nhằm mở đường cho sự quay trở về của cựu Thủ tướng Thaksin và “rửa sạch” tội cho những người phải chịu trách nhiệm về các cuộc đàn áp quân sự đẫm máu người biểu tình “áo đỏ”.

 

Dự luật gây tranh cãi trên đã bị Thượng viện Thái Lan bác bỏ nhưng những người biểu tình vẫn có mặt trên các đường phố ở thủ đô Bangkok và giờ họ đang quay sang tìm cách lật đổ chính phủ mà họ cáo buộc là “con rối” của cựu Thủ tướng Thaksin.

 

Ngoài nỗ lực bất thành nhằm đưa ra dự luật ân xá, Đảng Puea Thai cầm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck còn phải chịu một thất bại cay đắng khác khi Tòa án Hiến pháp hồi tuần trước ra phán quyết chặn đứng kế hoạch của đảng cầm quyền trong việc dựng lên một Thượng viện với tất cả các thành viên đều do dân bầu lên.

 

Với những thắng lợi liên tiếp trên, Đảng Dân chủ đối lập – lực lượng đứng đằng sau những cuộc biểu tình chống chính phủ, đang “nạp thêm động lực” để tiếp tục thách thức chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck.

 

Bà Yingluck sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh luận bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà trong tuần này. Tuy vậy, với việc Đảng Puea Thai cầm quyền đang giữ vị trí áp đảo trong Hạ viện thì nữ Thủ tướng Yingluck được cho là sẽ dễ dàng hạ gục nỗ lực chống lại bà.

 

Ngày hôm qua, bà Yingluck đã lên tiếng kêu gọi những người biểu tình cố gắng duy trì hòa bình và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

 

Trong khi đó, lực lượng áo đỏ ủng hộ chính phủ lên tiếng thề sẽ sát cánh bên chính quyền của nữ Thủ tướng xinh đẹp đang gặp khó khăn, cáo buộc phe đối lập đang cố tìm cách khích động sự can thiệp từ quân đội quyền lực của Quốc vương vào tình hình chính trường Thái Lan.

 

Tất cả diễn biến trên một lần nữa đã phơi bày sự phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan với nguồn cơn chính là nhân vật gây chia rẽ - cựu Thủ tướng Thaksin. Vị chính khách này là nguyên nhân của mọi sự xáo trộn chính trị ở đất nước Thái Lan trong nhiều năm qua. Ông Thaksin được hàng triệu triệu dân nghèo Thái Lan yêu mến vì chính sách “dân túy” của ông nhưng ông lại là nhân vật bị giới hoàng gia, quân đội và tầng lớp trung lưu ghét cay ghét đắng.

Những năm qua, người ta chứng khiến không biết bao nhiêu cuộc đối đầu giữa lực lượng ủng hộ ông Thaksin (còn gọi là áo đỏ) và các thành phần chống ông Thaksin (còn gọi là áo vàng). Những cuộc đối đầu đó đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị, dẫn đến sự thay đổi chính quyền liên tiếp và ảnh hưởng tới nền kinh tế Thái Lan cũng như cuộc sống của người dân.


Từ năm 2008 đến nay, chỉ có chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck là có thể dẫn dắt đất nước Thái Lan đi qua một thời gian hòa bình lâu dài như vậy. Đó là một thành công của nữ chính khách trẻ tuổi và xinh đẹp.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc