(VnMedia) - Các nhà hoạt động và nghị sĩ Nga hôm qua (1/10) thông báo, họ có kế hoạch đề cử Tổng thống Nga Vladimir Putin cho Giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá sắp tới.
Tổng thống Putin. |
Những người ủng hộ ý tưởng trên cho biết, họ muốn chứng kiến Nhà lãnh đạo nước Nga được công nhận về những nỗ lực hết mình của ông trong vai trò làm trung gian hòa giải cho cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria.
Ông Iosif Kobzon - một nghị sĩ đồng thời là một ca sĩ nổi tiếng của Nga cho rằng, Tổng thống Putin “xứng đáng được nhận giải Nobel Hòa bình hơn” là người được nhận giải thưởng này năm 2009 - Tổng thống Mỹ Barack Obama. Lý do mà ông Kobzon đưa ra là Nhà lãnh đạo Mỹ đã lên kế hoạch và thúc đẩy việc thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự đầy hiếu chiến vào Syria trong khi ông chủ điện Kremlin lại nỗ lực hết mình để ngăn chặn cuộc chiến leo thang.
Phát biểu với giới phóng viên, ông Beslan Kobakhiya – Phó Chủ tịch Học viện Hợp tác và Đoàn kết Tinh thần Quốc tế, đã miêu tả Tổng thống Putin là “nhân vật của năm”, nói rằng ông đã chứng minh cam kết của mình trong việc bảo vệ hòa bình toàn cầu.
Học viện trên cho hay, lá thư mà họ đề cử ông Putin nhận giải Nobel Hòa bình đã được chuyển đến tay Ủy ban Nobel hôm 20/9.
Nhóm đề cử cho Tổng thống Putin cho biết, họ không hề hỏi ý kiến Nhà lãnh đạo nước Nga về việc này nhưng theo lời ông Kobzon, ông chủ điện Kremlin có thể sẽ không bình luận gì vì “bản tính khiêm tốn” của ông này.
Báo chí Nga trong nhiều tuần nay đã rộ lên tin đồn về khả năng ông Putin sẽ được đề cử nhận giải Nobel hòa bình cho vai trò xuất sắc của ông trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga – ông Dmitry Peskov đã từ chối bình luận về thông tin liên quan đến giải Nobel Hòa bình trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia gần đây, nói rằng cần phải có những kết quả cụ thể ở Trung Đông trước khi đưa ra bất kỳ “tuyên bố chiến thắng” nào.
Tổng thống Putin đã nhận được sự khen ngợi rất lớn từ cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực của chính phủ ông này trong việc ngăn chặn chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ nhằm vào Syria với cái cớ trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vì “tội” sử dụng vũ khí hóa học.
Giữa lúc Mỹ đang “trống giong cờ mở” tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc tấn công nhằm vào đất nước Syria vốn đã đang chìm trong bạo lực đẫm máu thì chính quyền của ông Putin đã bất ngờ đưa ra một đề xuất có tính đột phát. Cụ thể, Syria sẽ phải giao nộp và hủy bỏ kho vũ khí hóa học để tránh đòn tấn công trừng phạt từ Mỹ. Giải pháp này được cộng đồng quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt, kể cả Mỹ và các đồng minh của nước này. Washington đã buộc phải từ bỏ lựa chọn quân sự của nước này để mở đường cho giải pháp ngoại giao của Moscow.
Kiệt Linh -
(theo RIA)
Ý kiến bạn đọc