Trung Quốc khoa trương về hạm đội tàu ngầm

15:29, 28/10/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc mới đây tuyên bố, hạm đội tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này đã bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra trên biển. Đây là dấu hiệu mới nhất chứng tỏ sự tự tin ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc trong bối cảnh nước này liên tiếp đối đầu với một loạt các nước láng giềng trong khu vực vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Tờ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, hôm qua (27/10) đã cho đăng tải một loạt hình ảnh về những chiếc tàu được cho là thuộc lớp Xia. Đây là thế hệ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. Mặc dù đã ra đời từ cách đây vài thập kỷ nhưng đây là lần đầu tiên những chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Xia của Trung Quốc được “tiết lộ”.
 
Trong lời giới thiệu về những chiếc tàu ngầm lớp Xia, tờ Tân Hoa xã đã dùng những từ ngữ “đao to búa lớn” để khoa trương về sức mạnh của chúng. Tờ báo này nói rằng, những chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Xia “phi nước đại dưới độ sâu của đại dương, thực hiện nhiệm vụ như là một lực lượng huyền bí tạo ra tiếng sấm dưới biển sâu và là một quả chùy sát thủ có thể khiến các kẻ thù run sợ”.
 
Mặc dù những chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Xia thuộc hạm đội Bắc Hải vừa được Trung Quốc lần đầu tiên “trình làng” thuộc hàng thế hệ cũ và không hiện đại bằng những chiếc tàu ngầm lớp Jin đang đóng tại đảo Hải Nam nhưng sự kiện này cũng phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc.
 
“Đây là lần đầu tiên tàu ngầm lớp Xia được đưa ra bàn thảo chi tiết như vậy trên báo chí nhà nước Trung Quốc. Khi quân đội Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa thì lực lượng này cũng trở nên sẵn sàng công khai hơn về năng lực của họ”, ông Taylor Fravel – một chuyên gia về an ninh Trung Quốc ở Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã nhận định như vậy.
 
Theo ông Paul Haenle, một cựu quan chức an ninh của Nhà Trắng, cho biết, Trung Quốc hiện sở hữu 3 chiếc tàu ngầm lớp Jin đang hoạt động và cũng đang đóng hai chiếc khác cùng loại.
 
Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây đang ngày càng thể hiện sự quyết liệt khi mà năng lực của lực lượng này được tăng lên. Hồi tháng 6, Mỹ tiết lộ các tàu chiến của Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành các chuyến tuần tra ở khu vực đặc quyền kinh tế của cường quốc số 1 thế giới. Tiếp ngay tháng sau đó, tàu khu trục của Trung Quốc cũng lần đầu tiên đi xuyên qua eo biển giữa Nga và bắc Nhật Bản. Hải quân Trung Quốc cũng ngày càng hoạt động tích cực hơn ở Thái Bình Dương, đặc biệt ở những khu vực Biển Đông mà Trung Quốc đang tranh giành chủ quyền với các quốc gia Đông Nam Á.
 
Tàu thuyền và máy bay Trung Quốc cũng đang ngày một quyết liệt hơn trong việc thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ngày hôm qua (27/10), Nhật Bản đã phải lần thứ ba liên tiếp phái máy bay chiến đấu đi chặn máy bay quân sự Trung Quốc lượn lờ đầy khiêu khích gần không phận của họ.
 
Thủ tướng Shinzo Abe hôm qua đã phát đi cảnh báo sắc lạnh, trong đó ông này yêu cầu quân đội Nhật Bản không được dung thứ cho bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào nhằm tìm cách thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực.
 
Trong một nỗ lực nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc trong khu vực, Mỹ hồi năm ngoái đã tuyên bố sẽ chuyển phần lớn tàu chiến của nước này sang khu vực Thái Bình Dương như một phần của nỗ lực “hướng trọng tâm” vào Châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
 
Sóng gió ở khu vực Châu Á trong mấy ngày nay lại được dịp nổi lên dữ dội khi Trung Quốc và Nhật Bản tăng cường khẩu chiến với nhau. Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng bắn hạ những chiếc máy bay không người lái của nước ngoài sau khi phát hiện một chiếc máy bay không người lái của Trung Quốc tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng trước. Đáp lại, Bắc Kinh dọa sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ nước này. Nhật Bản đã lên kế hoạch thực hiện một loạt cuộc tập trận vào tháng tới để củng cố năng lực bảo vệ quyền kiểm soát quần đảo ở biển Hoa Đông trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc.


Kiệt Linh - (theo FT)

Ý kiến bạn đọc