(VnMedia) - Sau một thời gian “sóng yên biển lặng”, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông lại được dịp “dậy sóng” trở lại. Điều đáng lo ngại là lần “dậy sóng” mới này mạnh một cách khác thường, khiến nhiều người lo ngại về viễn cảnh một cuộc xung đột vũ trang có thể được châm ngòi bất kỳ lúc nào từ một vụ việc vô tình không có chủ đích hay chỉ là một tai nạn đơn thuần.
Ảnh minh họa. |
Trước cuối tuần này, căng thẳng trong quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới đã trải qua những ngày lắng dịu đáng kể. Điều này được thể hiện rất rõ qua các hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Nếu như trong 4 tháng trở về trước, trung bình mỗi tháng có từ 20 đến 24 ngày tàu thuyền của Trung Quốc lượn lờ ở vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì tháng này con số những vụ như vậy chỉ dừng ở 5 ngày.
Ngoài ra, từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, Nhật Bản đã 149 lần phải ra lệnh cho chiến đấu cơ của mình đi ngăn chặn máy bay Trung Quốc. Dù con số này vẫn là cao nhưng nó đã ít hơn 88 lần so với thời kỳ 6 tháng trước đây.
Dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản còn được thể hiện qua hoạt động trao đổi thương mại song phương sôi động trở lại giữa hai nước.
Tuy nhiên, thời kỳ lắng dịu ngắn ngủi trên đã mau chóng bị dập tắt bởi một bước ngoặt diễn ra cuối tuần vừa rồi khi giới lãnh đạo ở Tokyo và Bắc Kinh “lao vào nhau” với những lời chỉ trích gay gắt, những lời đe dọa cứng rắn và cả những cảnh báo sắc lạnh.
Từ cuộc khẩu chiến nóng bỏng bất thường...
Trong vòng chưa đầy một tuần qua, người dân thế giới đã chứng kiến một cuộc khẩu chiến với cấp độ gay gắt hiếm có giữa giới lãnh đạo hai nước Trung-Nhật. Hai bên “ăn miếng trả miếng” một cách quyết liệt với những ngôn từ gay gắt và đáng sợ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 26/10, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng, Nhật Bản nên giữ vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lại cái mà ông này miêu tả là nỗ lực của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực để đạt được mục đích ngoại giao. Theo lời ông Abe, tại các cuộc họp gần đây với lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á, ông đã nhận ra một điều rằng, khu vực này đang tìm kiếm vai trò dẫn dắt về an ninh của Tokyo trong bối cảnh Trung Quốc đang thực thi một chính sách ngoại giao “hiếu chiến”.
Tiếp đó, ngay ngày hôm sau, trong cuộc gặp gỡ với quân đội Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào nhằm tìm cách thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực. Đây rõ ràng là một lời cảnh báo trực tiếp nhằm vào Trung Quốc bởi
Cùng góp giọng với Thủ tướng Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera hôm qua (29/10) đã cáo buộc những hành động của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông đang đe dọa đến nền hòa bình.
Trước những lời chỉ trích và cảnh báo liên tiếp được tung ra từ giới quan chức Nhật Bản, Trung Quốc cũng “phản pháo” mạnh mẽ không kém, thậm chí là có phần còn cứng rắn hơn.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 26/10 đã cảnh báo Nhật Bản đừng xem nhẹ quyết tâm của Trung Quốc trong việc áp dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ bản thân. "Đừng đánh giá thấp quyết tâm và sức mạnh của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu Nhật Bản dùng đến các biện pháp như bắn hạ máy bay, đó sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với chúng tôi, một hành động gây chiến tranh. Chúng tôi sẽ có những hành động kiên quyết để đáp trả và bên gây rắc rối sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc – ông Geng Yansheng đã tuyên bố cứng rắn như vậy.
Tiếp lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này hôm 28/10 cũng chỉ trích giới chính khách Nhật Bản không chỉ hành động “khiêu khích” mà còn đang tự “lừa dối chính bản thân mình” trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc còn tố ngược lại rằng, chính Nhật Bản mới là nước phải chịu trách nhiệm về việc làm đảo lộn thế nguyên trạng hiện nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản đừng nghĩ rằng nước họ tránh một cuộc xung đột vũ trang vì “sợ Mỹ”. Tờ báo này tuyên bố, “rất khó để nói ai sợ ai hơn giữa Mỹ và Trung Quốc”.
.... đến những hành động dương oai diễu võ uy hiếp nhau
Cuộc đối đầu Trung-Nhật không chỉ dừng lại ở cuộc khẩu chiến nóng bỏng giữa lãnh đạo hai nước mà còn kéo theo cả những hành động dương oai diễu võ uy hiếp nhau, khiến tình hình trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.
Trong 3 ngày liên tiếp hồi cuối tuần, máy bay quân sự Trung Quốc liên tục lượn lờ đầy khiêu khích ở khu vực gần sát không phận Nhật Bản, khiến Tokyo phải cử chiến đấu cơ đi đối phó..
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 2 chiếc máy bay ném bom và 2 máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc đã bay áp sát Nhật Bản đến mức Tokyo buộc phải ra lệnh cho các máy bay chiến đấu của họ cất cánh khẩn cấp. Sự việc này cực kỳ hiếm khi xảy ra.
Ngay sau đó, Trung Quốc còn tiếp tục gây sức ép với Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khi phái thêm một loạt tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đến khu vực.
Chưa dừng lại ở đó, không biết vô tình hay hữu ý, Trung Quốc mới đây còn “khoe” hạm đội tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này bằng một loạt hình ảnh và những ngôn từ khoa trương trên tờ Tân Hoa Xã. Theo đó, Trung Quốc đã nói rằng, những chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Xia của họ “phi nước đại dưới độ sâu của đại dương, thực hiện nhiệm vụ như là một lực lượng huyền bí tạo ra tiếng sấm dưới biển sâu và là một quả chùy sát thủ có thể khiến các kẻ thù run sợ”.
Đáp lại những hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản cũng không vừa khi thông báo kế hoạch tập trận vào cuối tuần này. Cụ thể, 34.000 binh lính Nhật sẽ tham gia vào một cuộc tập trận bắn đạn thật rầm rộ, trong đó có cả màn diễn tập tấn công đổ bộ. Dù diễn ra ở Biển Đông nhưng cuộc tập trận này được cho là nhằm để phát đi một thông điệp cứng rắn đối với Trung Quốc, đó là: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quần đảo của mình nếu cần và thậm chí sẽ đánh chiếm lại chúng nếu các bạn thực hiện một cuộc xâm lược vào đây”.
Ngoài thông điệp trên, Tokyo còn phát đi một thông điệp thứ hai mạnh mẽ không kém thông qua việc lần đầu tiên cho triển khai tên lửa đất đối hạm Type 88 ở khu vực cực nam của dãy đảo Okinawa – nơi có tuyến đường biển mà Hải quân Trung Quốc đang sử dụng để tiến ra Thái Bình Dương.
Ý kiến bạn đọc