Thỏa thuận vũ khí: Assad đắc thắng với vị thế mới

06:35, 18/10/2013
|

(VnMedia) - Trong phần lớn cuộc nội chiến kéo dài hơn 2,5 năm qua ở đất nước Syria, Tổng thống Bashar al-Assad hầu như luôn trong tình thế phải rút quân, sống trong ẩn dật. Phe nổi dậy chiếm quyền kiểm soát những dải khu vực lãnh thổ rộng lớn của đất nước. Chỉ cách đây hơn một tháng, chính quyền của ông Assad còn đang phải đối mặt với viễn cảnh về những cuộc tấn công kinh hoàng từ phía Mỹ.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Assad.


Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Nga và Mỹ trong việc hủy bỏ kho vũ khí hóa học lên tới 1.000 tấn của Syria không những đã chặn đứng cơn mưa tên lửa Mỹ dội xuống chính quyền Assad, mà còn làm thay đổi hoàn toàn vị thế của ông này. Tổng thống Syria giờ đây đã trở thành một đối tác không thể thiếu trong tiến trình kéo dài từ nay đến ít nhất giữa năm 2014 và thậm chí có thể còn kéo dài hơn nữa.
 
Chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi vừa qua, nỗ lực thúc đẩy tiến trình giải giáp vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế trên thực tế đã nhanh chóng thế chỗ cho mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad. Đó là quan điểm của rất nhiều người. Hồi đầu tuần này, Syria đã chính thức trở thành quốc gia thứ 190 ký vào Công ước Vũ khí Hóa học - một hiệp ước quốc tế cấm sử dụng và sản xuất vũ khí hóa học.
 
"Quyết định bất ngờ của Tổng thống Assad trong việc cho phép phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria rõ ràng đã tạo ra một vết mẻ rất lớn đối với những gì mà các thành phần theo chủ nghĩa can thiệp thường dùng để nói đến ông Assad như một người đàn ông điên rồ không thể kiểm soát, một người không thể chấp nhận biện pháp ngoại giao nếu không bị đánh thẳng vào mặt”, ông Ramzy Mardini - một nhà phân tích ở Amman, Jordan đã nói như vậy. “Thực tế trên đang làm lợi cho Tổng thống Assad chứ không phải phe nổi dậy Syria”, ông Mardini nói thêm.
 
Tình thế đảo ngược hoàn toàn đó đã gây ra một “cơn địa chấn” trong giới lãnh đạo phe nổi dậy, cũng như các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út - những nước ủng hộ mạnh mẽ cho phe nổi dậy Syria.
 
Giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng, sự ra đi của Tổng thống Assad là yếu tố then chốt cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Syria. Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry hôm thứ Hai (14/10) đã tái khẳng định lại chính sách duy trì lâu nay của Washington là, Nhà lãnh đạo Assad phải ra đi như một phần của việc khôi phục tiến trình hòa bình ở Geneva. Tiến trình này kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria dựa trên “sự đồng thuận chung” giữa các phe phái đang chiến đấu trên chiến trường Syria hiện nay. Mặc dù trong thỏa thuận đạt được ở Geneva trước đây không cấm các quan chức chính phủ tham gia vào chính quyền mới nhưng Washington cùng các đồng minh luôn khăng khăng đòi Tổng thống Assad phải từ chức.
 
“Chúng tôi tin rằng, Tổng thống Assad đã mất tính hợp pháp cần thiết để trở thành một nhân tố kết dính có thể đem đến hòa bình cho đất nước”, Ngoại trưởng Kerry đã phát biểu như vậy ở thủ đô London khi ông này xuất hiện bên cạnh đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria - ông Lakhdar Brahimi.
 
Vị thế của Assad đang ngày càng được củng cố

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, điều cuối cùng mà các nhà lập chính sách của Mỹ mong muốn bây giờ là sự ra đi vội vã của Tổng thống Assad - đặc biệt khi mà các phe nhóm trong nội bộ nổi dậy đang bị chia rẽ sâu sắc với các thành phần chiến binh Hồi giáo đa quốc gia, trong đó có một số liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda, đang ngày càng giành được vị trí thống trị trong lực lượng này. Ngoài ra, một loạt những thông tin liên tiếp về mối liên quan giữa các chiến binh Syria với một loạt vụ hành quyết, bắt cóc, tàn sát mang tính sắc tộc đã làm hoen ố hình ảnh của lực lượng nổi dậy, khiến các nhà lập chính sách Mỹ không khỏi lo ngại đồng thời củng cố sự ủng hộ cho Tổng thống Assad ở những khu vực bầu cử quan trọng, những khu vực người thiểu số và thành phần trung lưu ở thành phố.
 
Một báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân Quyền vừa được công bố hồi tuần trước đã ám chỉ, phe nổi dậy chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng chục dân thường trong cuộc tấn công hồi mùa hè vào tỉnh phía tây Latakia – một thành trì chính của giáo phái Alawite của Tổng thống Assad. Các chiến binh ở xa tận những nơi như Châu Âu, Morocco và Nga đang ồ ạt tràn vào Syria để gia nhập vào cuộc chiến ở đất nước này.
 
Bất chấp làn sóng chiến binh nước ngoài trên, quân chính phủ Syria dường như vẫn đang duy trì được thế lực của mình và trong một số trường hợp vẫn đang tiến những bước vững chắc. Quyền lực của Tổng thống Assad ở những khu vực nằm trong sự kiểm soát của chính quyền đã mở rộng ra không chỉ ở quân đội mà còn với hàng chục ngàn quân du kích trung thành. Đây là lực lượng đang tạo thành một đội quân tương đương với quân đội quốc gia và đang giành được những ảnh hưởng, sức mạnh đáng kể trên chiến trường.
 
Với sự hậu thuẫn của nhóm chiến binh đến từ nhóm Hezbollah ở Li-băng, lực lượng trung thành với Tổng thống Assad trong những tháng gần đây liên tiếp đẩy lùi phe nổi dậy ra khỏi một số khu vực xung quanh Damascus - thủ đô của Syria và cũng là thành trì chính quan trọng nhất của chính quyền. Quân của ông Assad cũng giành lại được thành phố chiến lược Qusair và các vùng lãnh thổ khác ở tỉnh Homs, bảo đảm được khu vực đường hành lang quan trọng tới bờ biển Địa Trung Hải.
 
Hiện tại, Tổng thống Assad có thể là nhân vật duy nhất có thể đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch chi tiết của Liên Hợp Quốc trong việc giải giáp vũ khí hóa học ở Syria.
 
Tổng thống Assad “rất có ích trong tiến trình đó và tôi cho rằng, đây chính là lý do ông ta tiếp tục tại vị. Và sự hữu ích của ông ta sẽ giảm đi khi mà kho vũ khí hóa học bị phá hủy”, ông Andrew Tabler - một nhà phân tích về Syria ở Washington, cho biết. Ông Tabler là người tích cực kêu gọi Mỹ can thiệp vào Syria để lật đổ Nhà lãnh đạo Assad.
 
Ông Tabler nằm trong số những người lo ngại rằng, Tổng thống Assad có thể tìm cách trì hoãn tiến trình giải giáp vũ khí hóa học nhằm duy trì quyền lực.


Vân Linh - (theo LAT)

Ý kiến bạn đọc