Quan hệ Nga - Trung: Từ góc nhìn an ninh - quân sự

20:30, 25/10/2013
|

Trong hai ngày 22 và 23/10, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Medvedev cho biết, quan hệ Nga - Trung đã đạt tới độ cao chưa từng thấy, không những thể hiện ở quy mô, mà còn ở trình độ quan hệ hai nước. Giới quan sát cho rằng, trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước thì vấn đề an ninh-quân sự cũng được coi là điểm nhấn quan trọng.

 Ảnh minh họa

Thủ tướng Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường nhất trí thúc đẩy quan hệ Nga - Trung trên nhiều lĩnh vực.

Hợp tác về an ninh

Vấn đề hợp tác an ninh được hai nước rất coi trọng. Đánh giá về mối quan hệ đã đạt được, thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev cho biết mối quan hệ Nga - Trung về các vấn đề chiến lược an ninh là “tốt hơn bao giờ hết”.

Ông Patrushev đã đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu của “sự hợp tác trách nhiệm, tôn trọng và đôi bên cùng có lợi”, và lưu ý rằng Nga và Trung Quốc đã có sự trùng hợp về quyền lợi cơ bản cả trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và nhiều lĩnh vực hợp tác thiết thực khác nhau.

Ông Patrushev cho rằng hợp tác song phương trong những năm gần đây có tính chất toàn diện và đang trở thành một yếu tố bình ổn quan trọng trong chính trường thế giới. Ông nhấn mạnh, Nga đang hướng đến việc “tiếp tục phát triển định dạng tương tác đã chứng minh được tính phù hợp và hiệu quả của mình”.

Được biết trước đó, trong cuộc gặp với tổng thống Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn APEC diễn ra ở Bali (Indonesia) hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc và Nga cùng chia sẻ những lợi ích chung trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc đề cao sự hợp tác với Nga.

Về phòng thủ tên lửa

Moscow và Bắc Kinh đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Nga - Trung đã có nhận thức chung về động thái gần đây của Mỹ, chuyển trọng tâm xây dựng hệ thống NMD hướng về phía châu Á nói là để chống lại mối đe dọa tấn công tên lửa của Triều Tiên nhằm vào Mỹ và đồng minh của họ.

Theo kế hoạch Mỹ sẽ triển khai ở Alaska 14 tên lửa đánh chặn cùng với việc bố trí trạm radar thứ hai tại Nhật Bản, tăng cường khả năng chống tên lửa của Hàn Quốc. Moscow và Bắc Kinh cho rằng, động thái điều chỉnh hệ thống NMD toàn cầu của Mỹ đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược đã hình thành trên thế giới. Và rằng, Mỹ đã và đang chuẩn bị phản ứng hoàn toàn không tương xứng với khả năng rất hạn chế về tên lửa tấn công của Triều Tiên.

Theo giới phân tích, sự điều chỉnh hệ thống NMD của Mỹ thực ra là để đối phó với Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh cần phải chủ động tích cực tìm kiếm đối tác khi biết rằng Moscow cũng không hài lòng với việc bố trí hệ thống NMD của Mỹ.

Ông Vladimir Evseev Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị-xã hội Nga cho rằng, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có hệ thống nào toàn diện để có thể phản ứng có hiệu quả đối với đòn tấn công tên lửa của Mỹ. “Về thực chất hệ thống NMD Mỹ đã tạo lập dưới dạng một vành đai đầy đủ, từ Alaska cho đến Australia. Vành đai này bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Vì thế, Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận cùng nhau hiệp lực để đối phó với những thách thức và mối đe dọa tên lửa nêu trên. Các chuyên gia cho rằng, những thách thức chung về an ninh gần đây ở châu Á đang mở ra cơ hội mới cho sự phát triển hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga hồi tháng trước và chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nga Medvedev đến Trung Quốc đã chứng minh hai nước sẵn sàng đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới. Trong đó có cả lĩnh vực nhạy cảm như khả năng đối phó với hệ thống NMD của Mỹ.

Chuyển giao kỹ thuật quân sự

Quan hệ Nga - Trung về hợp tác kỹ thuật quân sự thường không được bàn thảo ở các cuộc gặp cấp cao, mà chỉ ký kết biên bản ghi nhớ, công việc chuẩn bị hợp đồng tiếp theo thường do các công ty của Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chuyên môn khác của hai nước chuẩn bị. Việc thỏa thuận giá cả, điều kiện giao hàng, các yêu cầu cụ thể về sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ sau bán hàng… Các cuộc đàm phán chủ yếu mang tính chất kỹ thuật cũng đã được giải quyết.

Ngay từ năm 1992, những vấn đề chủ chốt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung đã được Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự bàn thảo và thông qua. Hàng năm, các Bộ trưởng quốc phòng Nga - Trung là đồng chủ tịch của Ủy ban nói trên được tổ chức vào dịp tháng Mười, luân phiên tại Moscow và Bắc Kinh. Mặc dù có sự quan ngại về việc Trung Quốc hay vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ bằng cách sao chép và cải tiến, nhưng các cuộc đàm phán về việc bán cho Trung Quốc 24 máy bay Su-35 và tàu ngầm “Amur-1650” vẫn được tiến hành.

Trước đó, năm 2010, hai nước đã hoàn tất hợp đồng lớn với việc Nga cung cấp cho Trung Quốc 15 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2. Hiện nay Nga đang thực hiện hợp đồng cung cấp 10 máy bay vận tải Il-76 và 10 máy bay vận tải quân sự Il-76MD cho Trung Quốc.

Cuộc tập trận hải quân qui mô lớn Nga - Trung hồi tháng 7 với chủ đề “Tương tác biển 2013” đã kết thúc tại vịnh Peter, gần Vladivostok (Nga) bằng cuộc diễu binh của các tàu chiến hai nước. Tiếp sau đó là cuộc diễn tập trên đất liền mang tên “Sứ mệnh hòa bình 2013” tại Urals. Ban lãnh đạo các cuộc tập trận đã xác nhận các tình tiết và giai đoạn huấn luyện được thực hiện đầy đủ, có chất lượng phù hợp.

Như vậy, trong bối cảnh Mỹ đang thực thi chiến lược “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, Nga – Trung cũng đã có những bước đi cần thiết nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, chiều sâu trong hợp tác an ninh – quân sự Nga – Trung đang diễn ra là điều có thể lý giải được.


(theo ND)

Ý kiến bạn đọc