Nhật quyết cứng rắn với Trung Quốc

06:41, 30/10/2013
|

9pp'p'p(VnMedia) - Vào cuối tuần này, 34.000 binh lính Nhật Bản sẽ tham gia vào một cuộc tập trận bắn đạn thật rầm rộ, trong đó có cả màn diễn tập tấn công đổ bộ, ở Biển Đông. Tuy nhiên, mục tiêu chính của cuộc tập trận này được cho là nhằm để phát đi một thông điệp cứng rắn đối với Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Cuộc tập trận của Nhật Bản sẽ dựa trên kịch bản một cuộc tấn công vào đảo san hô Okidaitojima xa xôi và không có người sinh sống. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều hiểu rằng, cuộc tập trận đổ bộ và bắn đạn thật này thực chất có liên quan đến cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
 
Thông điệp mạnh mẽ mà Nhật Bản muốn gửi đến Trung Quốc qua cuộc tập trận sắp tới là: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quần đảo của mình nếu cần và thậm chí sẽ đánh chiếm lại chúng nếu các bạn thực hiện một cuộc xâm lược vào đây”.
 
Trong những năm gần đây, có nhiều vụ việc xảy ra giữa tàu thuyền đánh cá và tàu của hải quân hai nước Trung, Nhật ở khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, Nhật Bản trong những tháng qua cũng liên tiếp phải ra lệnh cho các chiến đấu cơ của nước này cất cánh khẩn cấp để đi chặn máy bay Trung Quốc tiến vào gần không phận của họ.
 
Trong cuộc tập trận sắp tới, Nhật Bản sẽ huy động những vũ khí hiện đại để hỗ trợ cho binh lính nước này, trong đó có các tàu khu trục và máy bay chiến đấu F-2. Nhật Bản cũng sẽ lần đầu tiên cho triển khai tên lửa đất đối hạm Type 88 ở khu vực cực nam của dãy đảo Okinawa. Đây được xem là thông điệp thứ hai và không kém phần quan trọng mà Tokyo muốn nhắn gửi đến Bắc Kinh bởi Hải quân Trung Quốc đang sử dụng con đường này để tiến ra Thái Bình Dương.
 
Bằng cách “dàn trận” tên lửa Type 88 ở khu vực chiến lược như vậy, Nhật Bản muốn nhắc nhở Trung Quốc rằng tuyến đường biển đó sẽ trở nên khó khăn với Hải quân Trung Quốc như thế nào trong trường hợp xảy ra các hành động thù địch.
 
Hoạt động triển khai tên lửa của chính quyền Tokyo là một phần trong chiến lược lớn hơn của nước này nhằm kiềm chế Trung Quốc trong khu vực.
 
Tokyo hiểu rằng, họ không thể ngăn chặn tốc độ phát triển của Hải quân Trung Quốc – lực lượng đang vươn mình từ khu vực biển xung quanh bờ biển của mình ra các tuyến đường biển của thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản tin rằng, họ có thể giới hạn khả năng đi lại của Hải quân Trung Quốc, từ đó kiềm chế “sự hiếu chiến” của lực lượng này.
 
Kế hoạch tập trận nói trên của Nhật Bản đã được đích thân Thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn. Kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm ngoái đến nay, ông Abe luôn duy trì một lập trường cực kỳ cứng rắn với nước láng giềng Trung Quốc.
 
Nhật tiếp tục phản pháo Trung Quốc
 
Sau một thời gian tạm lắng xuống, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại đang được dịp nổi lên dữ dội. Liên tiếp những ngày qua, người ta chứng kiến giới lãnh đạo hai nước “ăn miếng trả miếng” quyết liệt trong một cuộc khẩu chiến nóng bỏng khác thường.
 
Tiếp nối cuộc khẩu chiến bùng lên trong mấy ngày gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera hôm nay (29/10) đã chỉ trích, những hành vi của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Tokyo đe dọa đến hòa bình.
 
"Tôi tin rằng những vụ xâm nhập của Trung Quốc vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku rơi vào ‘vùng xám’ - tức là ở khoảng giữa thời bình với tình huống khẩn cấp”, ông onodera đã nói như vậy với giới phóng viên ở thủ đô Tokyo.
 
Phát biểu của Bộ trưởng Onodera được đưa ra sau khi Trung Quốc ngày hôm qua (28/10) tiếp tục phái 4 chiếc tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đến vùng lãnh hải ở quần đảo tranh chấp để khiêu khích Nhật Bản. Trước đó, liên tiếp trong 3 ngày liền, một loạt máy bay Trung Quốc lượn lờ gần không phận Nhật Bản khiến Tokyo phải cử chiến đấu cơ đi chặn.
 
"Họ đã phái đi hai máy bay ném bom và hai máy bay cảnh báo sớm. Việc có quá nhiều máy bay bay giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako như vậy là bất thường. Chúng tôi xem đó là một động thái cực kỳ bất thường bởi nó xảy ra liên tiếp trong 3 ngày liền”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Ông này nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu đó là một trong những xu hướng cho thấy Trung Quốc đang tăng cường mở rộng các khu vực hoạt động, bao gồm việc tiến ra ngoài vùng biển xa”.
 
Quan hệ Trung-Nhật đã rơi vào căng thẳng kể từ khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hồi tháng 9 năm ngoái.
 
Tuy nhiên, những phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản onodera cùng hàng loạt lời cảnh báo gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe sau lời đe dọa chiến tranh hồi cuối tuần của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho thấy cuộc khẩu chiến, đối đầu giữa hai Tokyo và Bắc Kinh đã leo lên một cấp độ mới.
 
Với việc cả Trung Quốc và Nhật Bản đều kiên quyết không chịu lùi bước, mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới trở thành mối quan ngại của cộng đồng thế giới. Người ta đang lo lắng chờ xem hai nước này sẽ xử lý cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa họ như thế nào. Liệu cuộc tranh chấp đó có leo thang thành một cuộc xung đột đáng sợ, có thể gây hệ luỵ lớn đến cả khu vực cũng như thế giới hay không?


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc