Mỹ "toát mồ hôi" trước viễn cảnh kinh hoàng ở Syria

17:32, 27/10/2013
|

(VnMedia) - Giới chức tình báo và các nghị sĩ Mỹ lo lắng "phát sốt" trước thực tế các thành phần chiến binh Hồi giáo cực đoan có liên quan đến Al-Qaeda đang chiến đấu chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã và đang dần thiết lập được những “thiên đường” an toàn cho họ ở khu vực phía đông Syria. Từ đây, lực lượng này đang tính đến chuyện phát động những cuộc tấn công khủng bố đáng sợ trên khắp khu vực Trung Đông.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


“Điều duy nhất chúng tôi nghĩ đến lúc này là phải ngăn chặn ngay thực tế” nói trên, ông Mike Rogers – một nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đến từ bang Michigan đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đã phát biểu như vậy tại Diễn đàn Sáng kiến Chính sách Đối ngoại 2013.

 

Một quan chức chống khủng bố của Mỹ cho hay, Syria đang đặt ra “mối đe dọa khủng bố theo hai hướng” cho các quốc gia phương Tây.

 

“Chúng tôi liên tục lo ngại về việc một số các chiến binh nước ngoài đang chiến đấu ở Syria với Mặt trận Nusra và các phe nhóm cực đoan khác có thể rời chiến trường và quay lại thực hiện các cuộc tấn công tại quê hương của họ. Đồng thời, chúng tôi cũng đang theo dõi thật chặt chẽ những dấu hiệu về việc các phe nhóm có liên quan đến Al-Qaeda đang có mặt ở Syria có thể sẽ chuyển hướng trọng tâm của họ từ việc lật đổ Tổng thống Bashar Assad sang việc phát động các chiến dịch ở bên ngoài nhằm chống lại phương Tây”, một quan chức giấu tên cho biết.

 

Cùng có quan điểm như trên, ông Andrew J. Tabler – một nhà nghiên cứu thuộc Viện Chính sách Cận Đông của Washington, cho rằng, lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Syria có thể chuyển hướng chú ý của họ vào các mục tiêu ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Jordan, đặc biệt nếu như chính phủ ở những nước đó đang tìm cách thắt chặt nguồn cung cấp vũ khí và viện trợ qua biên giới của họ vào cho phe nổi dậy ở Syria.

 

“Những phe nhóm nổi dậy đó có thể tiến hành chiến dịch tấn công khủng bố chống lại các nước nhằm gây áp lực buộc những nước này phải nới lỏng sự kiểm soát ở các khu vực biên giới. Tôi nghĩ đó là một khả năng thực sự rất dễ xảy ra”, ông Tabler nhận định.

 

Giới phân tích tin rằng, Mỹ - nước đang bắt đầu cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria, vẫn chưa tìm ra được một cách hiệu quả và thích hợp để đối phó với lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Syria cũng như “giải thoát” những khu vực mà các thành phần cực đoan đó đang chiếm giữ trong cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở đất nước Trung Đông.

 

“Khá nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria đang bị kiểm soát bởi các nhóm chiến binh Hồi giáo và Mỹ không có bất kỳ chiến lược nào để đối phó. Thật là kỳ lạ khi Mỹ tới Afghanstan để xóa trừ thiên đường an toàn của lực lượng khủng bố, đến Iraq vì lo ngại một thiên đường mới như vậy được xây dựng ở đây và giờ mọi người thấy một thiên đường cho khủng bố mọc lên ở Syria”, ông Barak Mendelsohn – một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, phát biểu.

 

Theo ước tính, có hơn 1.000 phe nhóm nổi dậy như Mặt trận Nusra và Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant đang chiến đấu cùng nhau và thỉnh thoảng là phối hợp với các phe nhóm nổi dậy chính thống trong cuộc chiến chống lại chính quyền Assad. Các phe nhóm có liên quan đến Al Qaeda đang cung cấp cho chiến trường những chiến binh hiệu quả nhất bởi chúng có lợi thế về mặt tổ chức, trang thiết bị và nguồn quỹ tài trợ.

 

Nghị sĩ Rogers cung cấp một con số gây choáng, đó là có hơn 10.000 chiến binh “cam kết” với Al Qaeda đang hoạt động ở dọc khu vực biên giới phía đông Syria với Iraq – nhiều hơn rất nhiều số chiến binh Hồi giáo cực đoan chiến đấu ở Iraq trong cuộc chiến của Mỹ và ở Afghanistan trong cuộc chiến của Liên Xô những năm 1980. Lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Syria “đang nhăm nhe tính đến việc thực hiện các chiến dịch ở bên ngoài – đây là điều từng xảy ra ở Afghanistan và sau đó dẫn đến loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9”, ông Rogers cho hay.

 

Nhà phân tích Tabler đã so sánh lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan có liên quan đến tổ chức Al Qaeda ở Syria với những thành phần từng chiến đấu dưới ngọn cờ của Al Qaeda ở Iraq trong những năm đầu tiên Mỹ đưa quân vào Iraq cách đây một thập kỷ. Al Qaeda ở Iraq tập trung phần lớn chiến dịch của họ ở địa phương nhưng thủ lĩnh của tổ chức này - Abu Musab Zarqawi lại nhận trách nhiệm cho loạt vụ tấn công tự sát giết hại hàng chục dân thường tại ba khách sạn ở Amman, Jordan, hồi tháng 11 năm 2005.

 

Viễn cảnh các nhóm chiến đấu ở Syria có thể bắt đầu theo đuổi những chiến dịch ở cấp khu vực là rất thực tế, ông Tabler cho biết đồng thời nói thêm rằng Syria đang “trở thành một khối nam châm có sức hút các chiến binh nước ngoài và các tổ chức cực đoan mạnh hơn rất nhiều” so với ở Iraq trong thời kỳ giữa những năm 2000.

 

“Nó giống như một thỏi nam châm hút các chiến binh Hồi giáo Sunni và họ không thể cưỡng lại được. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Syria có trở thành bàn đạp cho các cuộc tấn công khủng bố được phát động đi các nơi khác trong khu vực hay không? Và câu trả lời là ‘Rất có thể’”, ông Tabler cho biết.

 

Mỹ có thể làm gì?

 

Theo nghị sĩ Rogers , Mỹ nên tiếp tục phối kết hợp với các đồng minh trong khu vực và nên tiếp tục nỗ lực bí mật đào tạo cũng như trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy ôn hòa để họ chống lại quân Assad. “Khi chúng ta không đưa ra quyết định, nghĩ rằng chúng ta đang làm một điều gì đó tốt cho quốc tế hay chúng ta chán ngán với việc can thiệp vào thế giới, cái mà các bạn nhận được sẽ là một vấn đề tồi tệ hơn”, ông Rogers đã nói như vậy.

 

Trong khi đó, ông Mendelsohn đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối thoại thì cho rằng, Mỹ cũng nên gây áp lực để buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq nỗ lực nhiều hơn nhằm hạn chế nguồn chiến binh nước ngoài đổ vào Syria. Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng, lực lượng chiến binh nước ngoài không phải là thành phần cực đoan nhưng đến Syria vì muốn chia sẻ gánh nặng với người Sunni thì nên được tái hòa nhập thay vì bị trừng phạt khi họ trở về quê hương. Nếu không, “họ có thể cảm thấy rằng, họ không có đường trở về và cách duy nhất họ có thể lựa chọn là chiến đấu vì sự nghiệp của Al-Qaeda. Vì thế, sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta có thể nghĩ được một cách giúp họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi rời Syria ”.

 

Mỹ cũng nên ngăn chặn nguồn viện trợ, hậu thuẫn tài chính cho phe nổi dậy Syria từ các quốc gia vùng Vịnh Persia bởi điều đó có thể trở thành thứ hấp dẫn thu hút các phe nhóm Hồi giáo cực đoan.

 

Tóm lại, theo ông Clinton Watts, một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ cần phải phát triển một chiến lược chống khủng bố toàn diện có thể áp dụng ở Syria – nơi mà Mỹ không được phép thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cũng như phát động các chiến dịch đặc biệt hay tuyên bố chiến tranh ở đây.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc