Mỹ “sôi sục” vì thỏa thuận tên lửa tỉ đô của Trung Quốc

11:54, 25/10/2013
|

(VnMedia) - Mỹ đang rất lo ngại trước viễn cảnh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ký kết một thỏa thuận tên lửa với một công ty Trung Quốc có thể gây phương hại đến các hệ thống phòng không của lực lượng đồng minh NATO. Đại sứ của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (24/10) đã thừa nhận mối quan ngại nói trên đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng Washington và Ankara đang chia rẽ sâu sắc với nhau.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ - ông Francis Ricciardone cho biết, Washington đã bắt đầu có các cuộc thảo luận mang tính “chuyên môn” với phía Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh giá ảnh hưởng tiêu cực có thể gây ra từ kế hoạch của nước này trong việc bắt tay cùng sản xuất các hệ thống tên lửa và phòng không tầm xa với một công ty Trung Quốc đang thuộc diện bị Mỹ trừng phạt.
 
Tuy nhiên, ông Ricciardone cũng nhanh chóng bác bỏ những tin đồn đoán cho rằng, mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đang bị sứt mẻ sau khi một tờ báo của  Mỹ gần đây đưa tin, người đứng đầu cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ - ông Hakan Fidan đã chia sẻ thông tin nhạy cảm với Iran.
 
Washington xem Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chính ở khu vực Trung Đông và hai bên được cho là chia sẻ nhiều lợi ích chung với nhau, từ vấn đề an ninh năng lượng cho đến cuộc chiến chống khủng bố. Tuy vậy, Ankara không phải là một đồng minh được Mỹ yêu thích như trước kia bởi nước này đang ngày càng muốn tìm kiếm một vai trò độc lập hơn trên chính trường thế giới.
 
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng của kế hoạch đó đối với các hệ thống phòng không và tên lửa của đồng minh”, Đại sứ Ricciardone đã nói như vậy về thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Ông này còn nói: “Chúng tôi thực sự chỉ vừa mới bắt đầu có các cuộc thảo luận ở cấp chuyên gia với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc này thông qua các kênh chính thức giữa các đồng minh và bạn bè của chúng tôi”.
 
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của liên minh quân sự NATO. Hồi tháng 9, nước này tuyên bố chọn hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Tập đoàn Xuất nhập khẩu Máy móc Chính xác Trung Quốc (CPMIEC) thay vì chọn sản phẩm của các công ty Nga, Mỹ và Châu Âu. CPMIEC là công ty đang phải chịu sự trừng phạt của Mỹ vì vi phạm Dự luật Không phổ biến vũ khí với Iran, Triều Tiên và Syria.
 
Trước đó, Tổng thư ký NATO – ông Anders Fogh Rasmussen cũng đã bày tỏ sự lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống vũ khí không tương thích với hệ thống vũ khí của các nước thành viên khác và điều đó có thể gây phương hại đến một nguyên tắc cốt lõi của liên minh quân sự gồm 28 thành viên này.
 
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này có thể ký hợp đồng trị giá lên tới 3,4 tỉ USD với công ty CPMIEC của Trung Quốc nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
 
Ankara đang nỗ lực tìm cách củng cố sức mạnh cho hệ thống phòng không của nước này đồng thời tạo dựng một nền công nghiệp quốc phòng nội địa mạnh mẽ hơn sau khi đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng về khả năng tình hình bạo lực trong cuộc nội chiến ở đất nước Syria lan sang nước họ cũng như nguy cơ từ tình hình bất ổn ngày càng leo thang ở khu vực Trung Đông.
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những mối quan ngại nêu trên của phương Tây, nói rằng Mỹ và các nước khác không cần thiết phải chính trị hóa một thỏa thuận thương mại như vậy.
 
Thổ Nhĩ Kỳ phản bác Mỹ và Châu Âu
 
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh, việc họ lựa chọn tên lửa của Trung Quốc hoàn toàn không vì bị thúc đẩy bởi động cơ chính trị mà chỉ là vì đề nghị của Trung Quốc đáp ứng được những yêu cầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ về giá cả cũng như khả năng đặt phần lớn hoạt động sản xuất tại chính trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
 
"Chúng tôi đang tiến một bước đến tương lai và nhân sự của chúng tôi sẽ tham gia vào tất cả quá trình trong phòng thí nghiệm", Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi giữa tuần đã cho biết như vậy đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, quan điểm của NATO trong vấn đề này “không phải là nhân tố mang tính quyết định”.
 
"Nếu NATO quá nhạy cảm trong vấn đề này thì tại sao nhiều quốc gia thành viên NATO vẫn đang có rất nhiều vũ khí của Nga trong kho vũ khí của họ”, ông Erdogan phát biểu với cánh phóng viên.
 
Đáp lại, Đại sứ Ricciardone giải thích, các nước đồng minh NATO từng tham gia vào Hiệp ước Warsaw Pact với di sản để lại từ thời Xô-viết và những hệ thống vũ khí đó đang dần bị loại bỏ.
 
Thỏa thuận tên lửa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã làm dấy lên những lời đồn đoán về việc quan hệ giữa Ankara và Washington đang bị chia rẽ và sứt mẻ.
 
Hồi tuần trước, tờ Washington Post từng tiết lộ một thông tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố tình phá vỡ vỏ bọc của một đường dây gián điệp Israel đang làm việc bên trong lãnh thổ Iran hồi đầu năm 2012 và động thái này đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động thu thập thông tin tình báo của Nhà nước Do Thái.
 
Giới chức trong Đảng cầm quyền AK của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích, những lời cáo buộc trên là một phần trong nỗ lực cố tình nhằm làm mất uy tín của cả Giám đốc Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Thủ tướng Erdogan cũng như làm phương hại đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.


Vân Linh - (theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc