Mỹ dính đòn “muối mặt” từ phe nổi dậy Syria

07:54, 29/10/2013
|

(VnMedia) - Việc hàng loạt phe nhóm nổi dậy cự tuyệt không tham gia vào cuộc đàm phán hòa bình sắp tới ở Geneva đã khiến Mỹ thực sự cảm thấy “muối mặt” trước Nga và cộng đồng quốc tế. Thêm một lần nữa Mỹ thất bại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria và thêm một lần nữa Mỹ chứng minh nước này chẳng có mấy ảnh hưởng đối với lực lượng nổi dậy mà họ hậu thuẫn. Sự khước từ của phe nổi dậy Syria cũng là dấu hiệu cho thấy uy lực của Mỹ trên chính trường thế giới đang suy giảm.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Nga và Mỹ đang tích cực nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế về Syria ở Geneva vào cuối tháng tới với mục đích cấp thiết là tìm ra một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu và khốc liệt kéo dài gần 3 năm qua ở đất nước Trung Đông.

 

Nga gánh trọng trách đưa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đến bàn đàm phán còn Mỹ có nhiệm vụ phải thuyết phục, gây sức ép để phe nổi dậy Syria ngồi lại đối thoại với chính quyền.

 

Trong khi Nga tiếp tục thành công trong nhiệm vụ của mình thì Mỹ lại một lần nữa thất bại. Chính quyền của Tổng thống Assad đã chấp nhận cử đại diện đến tham gia hội nghị hòa bình Geneve II. Tuy nhiên, các phe nhóm nổi dậy trong những ngày qua liên tục tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị hòa bình trừ khi ông Assad phải ra đi – đây là điều mà chính quyền Syria không bao giờ chấp nhận.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là đang nỗ lực phối hợp với những người đồng cấp Nga, Trung Quốc và Châu Âu để tìm cách tiến hành cuộc đối thoại hòa bình giữa chính quyền Assad với phe nổi dậy vào ngày 23/11 tới ở Geneva. Tuy nhiên, nhiều khả năng, hội nghị này sẽ đổ vỡ trước khi nó bắt đầu.

 

Bất chấp mọi nỗ lực thuyết phục của giới chức Mỹ, câu trả lời của các phe nhóm nổi dậy ở Syria vẫn là "không". Thậm chí, Ngoại trưởng Kerry từng tuyên bố, Tổng thống Assad sẽ không có vai trò gì trong chính phủ tương lai ở Syria song điều đó cũng không đủ sức thuyết phục được các phe nhóm nổi dậy ở Syria . Mới đây, 19 nhóm nổi dậy chính thống đã công khai tuyên bố tẩy chay hội nghị đàm phán hòa bình Geneva II nếu mục tiêu lật đổ chính quyền Assad không được đáp ứng.

 

"Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc đổ máu hiện nay nhưng chúng tôi muốn có sự đảm bảo rõ ràng rằng hội nghị Geneva II sẽ chấm dứt chiến tranh ở Syria và rằng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không có tương lai ở Syria hay trong bất kỳ giải pháp chính trị nào", ông Louay Mokdad, phát ngôn viên của Hội đồng Quân sự Tối cao phe nổi dậy Syria tuyên bố. Ông này còn nói thêm rằng: “Chúng tôi muốn có lời đảm bảo rõ ràng rằng, ông ta sẽ phải ra đi và rằng những người giết hại nhân dân Syria sẽ phải đối mặt với công lý và luật pháp, trong đó có Tổng thống Bashar al-Assad”.

 

Thậm chí nhiều phe nhóm nổi dậy còn tuyên bố sẽ xử lý bất kỳ thành phần nào trong nội bộ của họ tham gia đàm phán với chính quyền bởi họ coi đó là những “kẻ phản bội”, những “người buôn bán máu của các chiến binh tử vì đạo”. Có vẻ như quyết tâm tẩy chay hội nghị hòa bình quốc tế của nhiều nhóm trong phe nổi dậy là rất cao. Đây là một cú giáng mạnh vào chiến lược chấm dứt nội chiến S yria của chính quyền Obama.

 

Thêm một thất bại cho Mỹ

 

Trong khi Nga liên tiếp ghi điểm trước cộng đồng thế giới trong nỗ lực tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Syria thì ngược lại, Mỹ lại mất điểm liên tục. Trước đó, chính quyền Tổng thống Obama đã bị chính quyền Tổng thống Putin “hạ gục” một cách ngoạn mục khi Mỹ buộc phải từ bỏ chính sách của mình để theo đuổi đề xuất củaNga.

 

Sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus, Mỹ đã nhanh chóng đổ lỗi cho chính quyền Syria gây ra vụ việc này và ngay lập tức cấp tập chuẩn bị cho một đòn tấn công quân sự nhằm trừng phạt ông Assad. Khi mà Mỹ đã lên kế hoạch đầy đủ và chi tiết thì Nga bất ngờ đưa ra một đề xuất mà Mỹ không thể không chấp nhận. Đó là, chính quyền Syria sẽ phải giao nộp và phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học để tránh một chiến dịch can thiệp quân sự từ Mỹ và phương Tây.

 

Đề xuất mang tính đột phá của Nga được cộng đồng quốc tế hoan nghênh bởi nó giúp tránh một viễn cảnh kinh hoàng ở Syria và có thể là cả khu vực Trung Đông. Đề xuất đó đại diện cho một hướng đi hòa bình trong khi chiến lược ban đầu của Mỹ đi theo hướng dùng vũ lực – điều mà cộng đồng quốc tế luôn phản đối. Đó chính là lý do khiến Nga ghi điểm trong khi Mỹ mất điểm trước cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria .

 

Việc phe nổi dậy kiên quyết từ chối mọi nỗ lực thuyết phục của Mỹ là một thất bại thêm nữa của cường quốc số 1 thế giới. Trước đó, Nga cũng từng chỉ trích Mỹ bất lực trước phe nổi dậy Syria và diễn biến mới nhất đã chứng minh cho lời chỉ trích của Moscow .

 

Cũng dễ hiểu khi Mỹ không thể gây áp lực được với phe nổi dậy Syria bởi nước này đã chọn cách ủng hộ cho một lực lượng quá chia rẽ, mâu thuẫn với đủ các thành phần, trong đó có những nhóm Hồi giáo cực đoan có liên quan đến tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Chọn ủng hộ cho một lực lượng như thế nên Mỹ không thể “tận lực” giúp đỡ. Điều đó đã khiến các phe nhóm nổi dậy Syria liên tục đi hết từ thất vọng này đến thất vọng khác trước đồng minh lớn là Mỹ.

 

Cách đây không lâu, phe nổi dậy Syria từng chỉ trích Mỹ và các đồng minh là “những kẻ dối trá” đồng thời tuyên bố sẽ không trông chờ vào sự giúp đỡ của phương Tây nữa. Rõ ràng, những diễn biến trên đã cho thấy, Mỹ trên thực tế không có ảnh hưởng với phe nổi dậy Syria và sự thất bại của họ là điều được nhìn thấy trước.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc