(VnMedia) - Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ mở rộng thời hạn chào giá đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của tập đoàn Raytheon Co., hai nguồn tin có liên quan đến các cuộc hội đàm giữa Washington và Ankara hôm qua (28/10) đã tiết lộ như vậy. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã khuất phục trước sức ép của Mỹ và NATO đòi nước này phải từ bỏ việc mua các tên lửa Trung Quốc.
![]() |
Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ |
Ngoài ra, không loại trừ khả năng Ankarra muốn mở rộng sự lựa chọn của nước này trong trường hợp các cuộc đàm phán với nhà cung cấp tên lửa của Trung Quốc thất bại.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi tuần trước tuyên bố, Ankara sẽ để ngỏ cánh cửa lựa chọn trước những đề xuất mới nếu các cuộc đàm phán hợp đồng về việc đồng sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa giữa nước này với Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu Máy móc Chính xác Trung Quốc (CPMIEC) thất bại.
Quyết định của Ankara trong việc lựa chọn gói thầu trị giá 3,4 tỉ USD của Trung Quốc thay vì các đối tác Nga, Mỹ và Châu Âu đã làm dấy lên nỗi quan ngại của các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hai nguồn tin trên, Mỹ đã đưa ra đề xuất cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân Patriot của tập đoàn Raytheon cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này từ bỏ hợp đồng với Trung Quốc. Được biết, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ mở rộng thời hạn chào giá đối với hệ thống Patriot trong khi vẫn tiếp tục cuộc đàm phán với Trung Quốc.
"Rõ ràng họ đang chơi trò nước đôi", một trong những nguồn tin giấu tên trên cho biết. Hiện chưa rõ thời gian chào giá hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ sẽ được kéo dài thêm trong bao lâu.
Trước đó, hồi tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo lựa chọn hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Trung Quốc cho quân đội nước này thay vì chọn các hệ thống Eurosam SAMP/T của Pháp và Italia hay là hệ thống Patriot của tập đoàn Raytheon của Mỹ. Theo lời Ankara, CPMIEC đã đưa ra những điều khoản cạnh tranh nhất đồng thời cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đồng sản xuất tên lửa với họ.
Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, cả Mỹ và NATO đều lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc. Đại sứ của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ - ông Francis Ricciardone hôm 24/10 đã phát biểu, Mỹ đang rất lo ngại trước viễn cảnh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ký kết một thỏa thuận tên lửa với một công ty Trung Quốc có thể gây phương hại đến các hệ thống phòng không của lực lượng đồng minh NATO.
Ông Ricciardone cho hay, Washington đã bắt đầu có các cuộc thảo luận mang tính “chuyên môn” với phía Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh giá ảnh hưởng tiêu cực có thể gây ra từ kế hoạch của nước này trong việc bắt tay cùng sản xuất các hệ thống tên lửa và phòng không tầm xa với một công ty Trung Quốc đang thuộc diện bị Mỹ trừng phạt.
Trước đó, Tổng thư ký NATO – ông Anders Fogh Rasmussen cũng đã bày tỏ sự lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống vũ khí không tương thích với hệ thống vũ khí của các nước thành viên khác và điều đó có thể gây phương hại đến một nguyên tắc cốt lõi của liên minh quân sự gồm 28 thành viên này.
Ảnh hưởng đến hợp đồng F-35
Các nguồn tin cũng cho biết, thoả thuận của Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc còn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của nước này trong việc mua những chiếc máy bay chiến đấu tối tân F-35 của tập đoàn Lockheed Martin Corp của Mỹ. Đây cũng chính là tập đoàn chế tạo các tên lửa PAC-3 được sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.
"Bạn có thực sự muốn một hệ thống radar Trung Quốc theo dõi những chiếc F-35 mỗi lần những chiếc chiến đấu cơ này bay vào hoặc bay ra một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ”, một nguồn tin cho hay.
Uỷ ban Điều hành Công nghiệp Quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đang mong đợi sẽ ký được một hợp đồng mua hai chiếc máy bay F-35 đầu tiên của Mỹ vào tháng 12 hoặc tháng 1. Đây là hai chiếc đầu tiên trong số 100 chiếc máy bay F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đặt mua của Mỹ trong những năm sắp tới để thay thế cho phi đội già cỗi F-4 Phantoms và F-16 của nước này.
Tuy nhiên, hợp đồng trên có thể sẽ bị trì hoãn cho đến khi những quan ngại liên quan đến chương trình mua tên lửa Trung Quốc của Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết.
Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, họ lựa chọn tên lửa của Trung Quốc hoàn toàn không vì bị thúc đẩy bởi động cơ chính trị mà chỉ là vì đề nghị của Trung Quốc đáp ứng được những yêu cầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ về giá cả cũng như khả năng đặt phần lớn hoạt động sản xuất tại chính trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ngoài vấn đề giá cả, việc Trung Quốc cho phép đồng sản xuất tên lửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn”, một nguồn tin cho biết. Hiện tại, Ankara khẳng định chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Về phía Raytheon, tập đoàn này tuần trước cho biết, họ sẵn sàng bán các hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara thay đổi quyết định. Và theo các nguồn tin nắm rõ tình hình thì Mỹ còn đề xuất cả những điều khoản liên quan đến việc cho phép Ankara đồng sản xuất tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ - đúng điều mà Ankara mong muốn trong hợp đồng với Trung Quốc.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc